Mở cửa du lịch thế nào cho an toàn?
Mở cửa du lịch thế nào cho an toàn?
Những ngày qua, thông tin “đảo ngọc” Phú Quốc (Kiên Giang) đã xây dựng xong kế hoạch chi tiết, sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế vào tháng 10 đang làm nức lòng các công ty lữ hành, khu nghỉ dưỡng cũng như người dân nơi đây.
Trả lời Thanh Niên, ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP.Phú Quốc, tự tin nếu từ nay đến cuối năm tình hình kiểm soát dịch bệnh tại các tỉnh, thành được đảm bảo, cùng với sự quyết tâm của tỉnh Kiên Giang, TP.Phú Quốc cùng các bộ, ngành thì mục tiêu thu hút 2 – 3 triệu du khách mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã “áp chỉ tiêu” là hoàn toàn khả thi.
Không chỉ dựa vào khách quốc tế, UBND TP.Phú Quốc đã báo cáo, đề xuất với tỉnh Kiên Giang hướng tới đón cả khách nội địa. Du khách nội địa chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chí như khách quốc tế thì Phú Quốc đều sẵn sàng chào đón. Song song đó, lãnh đạo “đảo ngọc” cũng đang kiến nghị với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ GTVT có hướng dẫn cụ thể để kết nối đưa khách từ những địa phương đang thuộc vùng xanh tới Phú Quốc.
Mới đây, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã mở cửa trở lại một số hoạt động tại các khu, điểm du lịch, thắng cảnh; các sân golf, các cơ sở tập luyện thể dục thể thao dành cho khách nội tỉnh kèm theo những quy định đảm bảo an toàn chống dịch.
Tương tự, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa vừa đề xuất tỉnh cho phép đón khách du lịch nội tỉnh với chương trình từ tháng 10, sau đó sẽ đón khách du lịch nội địa từ các tỉnh lân cận, rồi mở dần ra các trung tâm lớn như Hà Nội, TP.HCM. Một loạt các tỉnh, thành như Cà Mau, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Bà Rịa-Vũng Tàu… cũng đều đang lên kế hoạch tái khởi động và phục hồi, phát triển du lịch sau đại dịch.
Lý giải nguyên nhân vì sao du lịch được đánh giá là ngành rủi ro cao lây nhiễm dịch bệnh nhưng lại đang đi trước trong công cuộc mở cửa kinh tế, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Group, cho rằng nhu cầu đi lại của người dân luôn rất cao. Đặc biệt, sau thời gian quá dài “bó gối” ở nhà, có thể nói là chưa bao giờ cả xã hội “bất động” lâu như vậy, nhu cầu ấy lại càng bùng lên mạnh mẽ hơn.
Theo ông Kỳ, du lịch là ngành kinh tế đa ngành, du lịch khởi động sẽ kéo theo tất cả các ngành dịch vụ, thương mại, giao thông, sản xuất khác cùng vực dậy. Do đó, có thể kỳ vọng du lịch sẽ là ngành đầu tiên giúp thúc đẩy mở cửa kinh tế. Tuy nhiên, ngược lại, muốn mở cửa du lịch thì cũng phải đảm bảo những ngành dịch vụ liên quan cùng khởi động theo. Bên cạnh đó, du khách hiện nay cần ngắm nghía, đảm bảo an toàn mới quyết định lên đường. Du lịch an toàn để mở cửa kinh tế và nếu đi du lịch, mở cửa kinh tế thì phải đảm bảo an toàn. Đây là 2 vế cần giải quyết nếu muốn tính đến chuyện mở cửa du lịch.
PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen, nhận định đối với ngành du lịch, cần mở cửa dần trên nguyên tắc đảm bảo an toàn là ưu tiên hàng đầu. Chúng ta khoanh vùng chống dịch thì mở cửa du lịch cũng nên khoanh vùng, thậm chí khoanh những vùng rất nhỏ. Có thể tổ chức những tour du lịch khép kín tại 1 điểm du lịch, sau khi thí điểm thành công, rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức, quản trị sự tương tác giữa con người với con người thì mới mở rộng sang vùng, tỉnh, thành…
“Trong ngành du lịch, đón đầu không chỉ là yếu tố thời gian mà quan trọng là chúng ta mang lại những gì mới mẻ, những gì độc đáo cho du khách mà trước nay họ chưa từng thấy ở VN. Sự đột phá, mới mẻ mới là yếu tố tiên quyết thu hút du khách trong bối cảnh họ chấp nhận đi du lịch trong điều kiện chưa tuyệt đối an toàn như hiện nay. Cố gắng chạy theo thời điểm khi chưa đáp ứng đủ 2 yếu tố: an toàn và sản phẩm mới mẻ, khác biệt thì việc mở cửa sẽ khó thành công như kỳ vọng”, PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy lưu ý.
Cần đảm bảo 3 yếu tố
Để mở cửa du lịch an toàn, cần đảm bảo 3 yếu tố: an toàn nơi đi, an toàn nơi nhận và an toàn lực lượng phục vụ. Muốn làm được điều này, cần thống nhất tư tưởng của cả hệ thống, định nghĩa “bình thường mới” là tất cả các ngành kinh tế, chính trị, xã hội hoạt động bình thường và phát triển trong bối cảnh có dịch.
Với tình trạng mỗi tỉnh, thành đều dựa vào các Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 rồi từ đó tự nghiên cứu và ban hành ra nhiều văn bản với các cấp độ ngăn cấm khác nhau tại địa phương, đôi khi khá cực đoan sẽ gây ách tắc, gãy đổ cả chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất, bao gồm cả du lịch. Cần chuẩn hóa cấp độ và bộ quy tắc/quy định chuẩn chung để chống dịch, xây dựng bảng cấp độ dịch bệnh quốc gia với các tiêu chí rõ ràng và cụ thể về dịch bệnh, biện pháp áp dụng tương ứng với cấp độ khẩn. Từ đó, quy chuẩn ra các chính sách để mở từng hoạt động, lĩnh vực tương ứng. Có chuẩn đó thì tất cả mọi ngành nghề, trong đó có du lịch cũng sẽ rất dễ dàng để xây dựng kế hoạch tái khởi động.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ (Chủ tịch HĐQT Vietravel Group)
H.MAI
TNO