01/11/2024

Các nước tăng cường bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19

Các nước tăng cường bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19

Trước áp lực từ dịch Covid-19 do biến thể Delta, một loạt các nước siết chặt yêu cầu phải tiêm vắc xin, với Ý là nước châu Âu đầu tiên áp dụng giấy thông hành vắc xin cho toàn thể người lao động.
Từ ngày 15.9, Pháp áp dụng quy định buộc nhân viên y tế phải tiêm vắc xin Covid-19 /// ảnh: AFP
Từ ngày 15.9, Pháp áp dụng quy định buộc nhân viên y tế phải tiêm vắc xin Covid-19  ẢNH: AFP
Hôm 17.9 (giờ VN), chính phủ Ý thông qua nghị định bắt buộc tất cả người lao động thuộc lĩnh vực công – tư đều phải trình giấy tiêm vắc xin, giấy xét nghiệm âm tính hoặc vừa khỏi bệnh Covid-19.

Ý, Pháp áp dụng biện pháp rắn

CNN dẫn lời Bộ trưởng Ý Roberto Speranza cho biết nghị định đã được nội các phê chuẩn và có hiệu lực từ ngày 15.10. Khi đó, bất kỳ người lao động nào ở Ý không xuất trình giấy thông hành hợp lệ, dưới dạng giấy hoặc bản điện tử, sẽ bị buộc ngừng làm việc và không được trả lương sau 5 ngày.
Hiện khoảng 75% số người Ý từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm đủ vắc xin. Và với quyết định trên, Ý trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Âu áp dụng biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19 quay lại vào mùa đông năm nay. Trước đó, Ý bắt buộc toàn thể nhân viên y tế, bao gồm dược sĩ, phải tiêm vắc xin. Tính đến ngày 16.9, khoảng 728 bác sĩ trên toàn quốc đã bị kỷ luật vì chưa tiêm vắc xin, theo Reuters.

Anh thử nghiệm tiêm trộn vắc xin cho trẻ

Đại học Oxford dẫn đầu cuộc nghiên cứu mang tên Com-COV3 với mục tiêu thử nghiệm các loại vắc xin phòng Covid-19 khác nhau cho trẻ từ 12 – 16 tuổi ở Anh. Đầu tiên, các đối tượng sẽ được tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech. Sau 8 tuần, các em được tiêm đủ liều thứ 2 hoặc nửa liều vắc xin Pfizer/BioNTech, đủ liều vắc xin Novavax hoặc nửa liều vắc xin Moderna.
Do Tổ đặc nhiệm vắc xin Anh (VTF) và Viện Nghiên cứu y tế quốc gia (NIHR) tài trợ, chương trình nghiên cứu sẽ tập hợp dữ liệu cần thiết để giới hữu trách có thể quyết định liệu có nên tiêm liều 2 vắc xin Covid-19 cho độ tuổi này hay không. Tuần sau, Anh chuẩn bị tiêm liều 1 vắc xin Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 12 – 15 tuổi, trong khi độ tuổi 16 – 17 đã được tiêm từ tháng 8. Tuy nhiên, vẫn chưa có quyết định về thời gian tiêm liều 2 vì nguy cơ viêm cơ tim sau khi tiêm vắc xin ở trẻ nhỏ.

Tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Véran cho biết khoảng 3.000 nhân viên y tế làm việc tại các bệnh viện, viện dưỡng lão và trung tâm y tế trên khắp nước này đã nhận được quyết định ngưng công tác và không được trả lương do chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Theo nhật báo Nice Matin, chỉ tính riêng một bệnh viện ở TP.Nice, miền nam nước Pháp, đã chứng kiến gần 450 nhân viên y tế tạm thời nghỉ việc vì không đáp ứng được yêu cầu công tác.
Các nước tăng cường bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19 - ảnh 1

Từ ngày 15.9, Pháp áp dụng quy định buộc nhân viên y tế phải tiêm vắc xin Covid-19 ẢNH: AFP

 

Trước đó, Bộ Y tế Pháp ấn định hạn chót là ngày 15.9 cho toàn thể nhân viên y tế phải tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19 và trình giấy xét nghiệm kết quả âm tính với vi rút Corona chủng mới nếu muốn tiếp tục làm việc. Ngày 16.10 là hạn chót để các nhân viên y tế phải tiêm đủ mũi vắc xin.

Không tiêm thì mất việc

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10.9 công bố chính sách mới, theo đó yêu cầu đa số viên chức liên bang phải tiêm vắc xin phòng Covid-19. Người lao động làm việc cho các công ty trên 100 người cũng được yêu cầu tiêm chủng hoặc phải xét nghiệm hằng tuần. Quy định trên đồng thời áp dụng cho khoảng 17 triệu nhân viên y tế cũng như nhân sự đang giảng dạy tại các trường hoặc tham gia chương trình do chính phủ liên bang điều hành.

Nước nghèo cần vắc xin Covid-19 khẩn cấp

Lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Thương mại thế giới và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua ra tuyên bố chung hối thúc các nước có tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cao cung cấp thêm vắc xin cho các nước thu nhập trung bình và thấp. Các vị này cảnh báo nếu không có hành động khẩn cấp, thế giới sẽ không thể đạt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số vào cuối năm nay.
Theo WHO, châu Phi đối diện mức thiếu hụt lên đến 470 triệu liều vắc xin trong năm nay và có thể chỉ tiêm được cho 17% dân số tính đến cuối năm, theo AFP. Giám đốc WHO tại châu Phi Matshidiso Moeti cảnh báo việc này có thể làm dịch bệnh gia tăng, gây nguy cơ xuất hiện biến thể vi rút kháng vắc xin, khiến cả thế giới quay lại thời điểm ban đầu đại dịch.
Vi Trân

Tại Canada, đến cuối tháng 10, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 là bắt buộc đối với viên chức và người lao động liên bang, cũng như các nhân viên của ngành giao thông. Từ ngày 13.9, người Canada muốn đến nhà hàng, rạp chiếu phim cũng phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm chủng.

Từ tháng 10, Anh bắt buộc nhân viên làm việc tại các viện dưỡng lão phải tiêm vắc xin. Đối với nhân viên y tế, Anh chỉ khuyến khích tiêm chứ không bắt buộc, theo Bộ trưởng Y tế Sajid Javid hôm 14.9.
Trong khi đó, Fiji từ ngày 15.8 đã áp dụng chính sách “không tiêm thì mất việc”. Theo Hãng tin AFP, các viên chức từ chối tiêm vắc xin phòng Covid-19 sẽ bị buộc phải nghỉ phép. Đến tháng 11, những người vẫn không tiêm phòng sẽ bị sa thải. Còn nhân viên của các công ty tư nhân có thể bị phạt và công ty có thể buộc đóng cửa nếu không thi hành quy định liên quan đến vắc xin.
THUỴ MIÊN
TNO