Gây ra hậu quả khôn lường
Tôi và nhiều thầy cô giáo khác ở TP.HCM, Hà Nội và nhiều địa phương ắt hẳn sẽ không bao giờ quên ngày khai giảng năm học 2021 -2022, một ngày khai giảng rất lạ.
Lạ vì lễ khai giảng không thể tổ chức như mọi năm, hay chúng tôi không được nghe tiếng trống trường vang dồn dập? Hay vì chúng tôi không được tặng những bó hoa tươi thắm chăng? Tất cả đều không phải.
Năm học này trở nên đặc biệt vì thiếu đi tiếng học trò í ới gọi nhau, vì vắng đi những tiếng cười đùa giòn giã sau mỗi tiết học. Còn đâu những câu chào hỏi thân quen, còn đâu phấn trắng, bảng đen, hàng ghế đá, cành phượng vĩ. Hình ảnh mái trường trong mắt của chúng tôi chưa bao giờ xa lạ đến như vậy.
Xin hãy dạy các em về sự nguy hiểm của điện ẢNH ĐỘC LẬP
|
Để thích nghi, trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn như hiện nay, thầy, trò chúng tôi phải liên tục sử dụng các thiết bị điện tử để học tập trực tuyến. Chính vì vậy, học sinh thường xuyên phải tiếp xúc với những thiết bị điện nguy hiểm như dây dẫn, quạt điện, ổ điện…Tham gia học trực tuyến năm nay không chỉ có học sinh bậc THCS, THPT mà còn có những em học sinh tiểu học. Các em ở độ tuổi này thường rất hiếu động, tò mò, thích khám phá và chưa ý thức hết được những nguy hiểm tiềm tàng của các thiết bị điện.
Tắc nghẽn internet, quá tải ứng dụng, âm thanh bị rè, hình ảnh bị chậm là những lỗi thường gặp khi học trực tuyến, nhưng điều đó chỉ mang lại sự bất tiện chứ không gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Ngược lại khi gặp những sự cố về điện nếu không được xử lý kịp thời có thể gây ra hậu quả khôn lường, để lại những mất mát không bao giờ có thể bù đắp được.
Gần đây, một sự việc đau lòng đã xảy khi một bé trai 10 tuổi, học sinh tiểu học ở Hà Nội bị điện giật tử vong khi đang tham gia học trực tuyến tại nhà. Bước đầu cơ quan chức năng xác định, bé dùng que ngoáy tai bằng sắt chọc vào một đầu dây nguồn của máy tính xách tay rồi cầm cắm vào ổ điện.
Sự việc này không chỉ để lại một vết thương lớn cho gia đình, cho người thân mà đó còn là một dấu lặng cho ngành
giáo dục, là hồi chuông cảnh tỉnh cho những bậc phụ huynh lơ là khi cho con em tự do tiếp xúc với nguồn điện.
Trước tiên, hãy ngắt cầu giao
Với cương vị là một người thầy, tôi có một vài chia sẻ. Để tránh lặp lại sự cố đau lòng trên, đầu tiên và quan trọng nhất là ý thức của trẻ, nhưng để hình thành được ý thức của trẻ thì cần phải có sự giáo dục của gia đình và thầy cô.
Trước khi bắt đầu dạy trực tuyến với những bài học các môn, xin hãy dạy các em về sự nguy hiểm của nguồn điện, không được chạm vào các vật dụng có điện như ổ cắm, dây dẫn, không được tự ý sửa chữa các thiết bị điện… Ngoài ra, nếu có xảy ra sự cố về điện như cháy, nổ…thì trước tiên hãy ngắt cầu giao. Đây là điều mà tôi luôn nói với học sinh.
Năm học này, dù có khó khăn, nhưng chúng ta sẽ vượt qua để quay lại những ngày bình thường ẢNH LÊ VĂN NAM
|
Tiếp đến, phụ huynh học sinh cần chủ động phòng tránh các rủi ro bằng cách để các vật dụng hoặc thiết bị điện cao hơn so với tầm với của trẻ, sử dụng các dụng cụ che ổ điện lại tránh gây sự chú ý cho trẻ. Hoặc trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp, đi lại khó khăn, chúng ta có thể dùng miếng băng keo dán che kín ổ điện khi không dùng đến. Cha mẹ phải thường xuyên kiểm tra độ an toàn của các thiết bị điện, dây dẫn xem có bị hở, có bị rò rỉ điện không..
Trên đây là một vài chia sẻ khi hay tin một sự việc đau lòng vừa xảy ra, hy vọng điều này sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đã và đang xem thường sự nguy hiểm của thiết bị điện.
Tạm gác lại những nỗi buồn và bộn bề lo toan của dịch bệnh, tôi cũng luôn mong các thầy, cô giáo, sau các giờ dạy, xin hãy cố gắng vực dậy, động viên tinh thần của các em. Đặc biệt là
những em đang ở vùng phong tỏa, khu vực cách ly, những em thiếu thốn điều kiện học tập, chưa thể học trực tuyến như các bạn. Năm học này, dù gặp muôn trùng khó khăn, nhưng tôi luôn với sự quyết tâm, lòng yêu thương và tinh thần trách nhiệm, chúng ta sẽ vượt qua…