25/12/2024

Bí ẩn bên trong Triều Tiên giữa đại dịch

Bí ẩn bên trong Triều Tiên giữa đại dịch

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lượng thông tin truyền ra từ CHDCND Triều Tiên lại càng thêm trở nên ít ỏi. Điều này khiến nhiều người thắc mắc chuyện gì đang xảy ra bên trong Triều Tiên.
Đoàn người mặc đồ bảo hộ trong cuộc duyệt binh ngày 9.9 ở Triều Tiên /// REUTERS
Đoàn người mặc đồ bảo hộ trong cuộc duyệt binh ngày 9.9 ở Triều Tiên  REUTERS

Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2019 ở Việt Nam, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã được một phóng viên Mỹ đặt câu hỏi khi đang ngồi đối diện với Tổng thống Donald Trump.

Ông Kim đã trả lời câu hỏi đó, lần đầu tiên nhà lãnh đạo Triều Tiên giao lưu với giới truyền thông nước ngoài, theo The Washington Post.

Song, từ sau hội nghị năm 2019 cho đến nay, Triều Tiên quay lại với sự bí ẩn lúc trước. Đất nước này đã phong tỏa biên giới trong đại dịch, ngay cả với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn của Triều Tiên.

Theo cơ quan giám sát nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, động thái này làm tình trạng thiếu lương thực và vật tư y tế ở Triều Tiên thêm trầm trọng. Bên cạnh đó, các lãnh đạo ở Mỹ cũng không thể có được thông tin trực tiếp về những gì đang diễn ra bên trong Triều Tiên để điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Quyết định phong tỏa của Bình Nhưỡng đã dẫn đến làn sóng người nước ngoài – gồm các nhà ngoại giao, nhân viên cứu trợ, đặc phái viên kinh tế và nhiều người khác – rời khỏi nước này. Đây là những người có thể nắm được tình hình ở Triều Tiên.

Sau khi họ rời đi, các nhà hoạch định chính sách mất đi kênh thông tin giúp quyết định cách đàm phán và can dự vào tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

“Cố gắng xây dựng các lựa chọn chính sách hợp lý mà không có được thông tin trực tiếp từ Triều Tiên thì giống như mò mẫm trong bóng tối”, bà Suzanne DiMaggio, thành viên cấp cao của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế và là chuyên gia về đàm phán ngoại giao, cho biết.

Lo sợ đại dịch Covid-19?

Các nhà phân tích nói rằng Triều Tiên đang vô cùng cẩn thận trước đại dịch Covid-19.

Bình Nhưỡng canh gác biên giới rất nghiêm ngặt. Theo trang NK News chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên, sắc lệnh Bình Nhưỡng ban hành tháng 10.2020 quy định bắn chết bất kỳ ai vượt qua biên giới, kể cả động vật.

Một tháng trước đó, Seoul tuyên bố Triều Tiên đã bắn chết một quan chức Hàn Quốc đang trôi dạt trên vùng biển của Triều Tiên rồi thiêu xác người này. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gửi lời xin lỗi về vụ việc. Bình Nhưỡng cho rằng thứ mà lính Triều Tiên đốt không phải là thi thể của quan chức Hàn Quốc và khẳng định đó là vật thể ông đang sử dụng để giữ cho mình nổi trên biển.

Và một đoàn người mặc đồ bảo hộ màu cam đã xuất hiện tại cuộc duyệt binh diễn ra ngày 9.9 ở Bình Nhưỡng. Các hình ảnh truyền thông Triều Tiên công bố là một trong những cơ hội hiếm hoi để các nhà phân tích thu thập thông tin và manh mối về tình hình của Triều Tiên.

Bí ẩn bên trong Triều Tiên giữa đại dịch - ảnh 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham gia cuộc duyệt binh ngày 9.9 tại Bình Nhưỡng REUTERS

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lượng thông tin truyền ra từ Triều Tiên nhiều hơn đáng kể so với hiện tại. Một số nhà báo phương Tây đã đến Triều Tiên tác nghiệp. Hãng tin AP cũng có văn phòng ở Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, gần đây, hầu hết nhà báo nước ngoài đã rời Triều Tiên.

Sau khi các nhà báo rời đi, thông tin bị gián đoạn. Theo Sue Mi Terry, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và là cựu nhà phân tích về Đông Á của CIA, cho biết các nhà quan sát không thể tiếp tục biết thêm chi tiết về tình hình Triều Tiên như tình trạng thiếu lương thực hay chất lượng cuộc sống.

“Các nhà quan sát chuyên nghiệp có thể tìm ra manh mối từ những chi tiết nhỏ, nhưng giờ họ không thể làm vậy nữa. Điều đó khiến việc đưa ra các quyết định chính sách sáng suốt về Triều Tiên trở nên khó khăn hơn”, bà Terry nói thêm.

Thiếu sự tương tác

Đặc phái viên của Tổng thống Joe Biden về vấn Triều Tiên Sung Kim đã cho biết ông sẽ gặp người đồng cấp Triều Tiên “bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào” để bắt đầu các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ. Tuy vậy, Washington lại đẩy Triều Tiên ra xa hơn nữa bằng cách gia hạn lệnh cấm đi lại và tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc, chuyên gia cao cấp về Đông Bắc Á tại Viện Hòa bình Mỹ và cựu quan chức Lầu Năm Góc Frank Aum cho biết.

“Trở ngại lớn nhất trong việc có được loại thông tin phù hợp cho việc hoạch định chính sách là thiếu sự tương tác với Triều Tiên”, ông Aum nói thêm.

Đa số quốc gia phương Tây đã rút nhân viên ngoại giao ở Triều Tiên về nước vào đầu năm 2020 vì tình trạng thiếu lương thực và vật tư y tế. Tuy vậy, nhân viên ngoại giao của một số quốc gia khác như Nga, Trung Quốc, Syria và Cuba vẫn ở lại Bình Nhưỡng.

Số người đào thoát khỏi Triều Tiên cũng giảm mạnh. Trong quý 2/2021, chỉ có hai người Triều Tiên đào thoát đến Hàn Quốc, con số thấp nhất tính theo quý trong 18 năm qua. Điều này càng khiến thông tin về Triều Tiên từ những người có trải nghiệm trực tiếp càng trở nên ít ỏi hơn.

Bí ẩn bên trong Triều Tiên giữa đại dịch - ảnh 2

Triều Tiên duyệt binh ngày 9.9 tại quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng đề kỷ niệm ngày thành lập đất nước  REUTERS

Khoảng trống trong thông tin ngày càng khiến các nhà phân tích và các nhóm nhân đạo lo ngại vì đây là thời điểm mà những người dân Triều Tiên đang gặp phải tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, theo Liên Hiệp Quốc. Đầu tháng này, truyền thông Triều Tiên đưa tin ông Kim đã kêu gọi nỗ lực ngăn chặn thêm thiệt hại kinh tế do thiên tai hoặc dịch Covid-19 gây ra.

“Mối quan tâm lớn của tôi là bộ máy an ninh nhà nước ở Triều Tiên có thể kết luận rằng việc đóng cửa tạo ra môi trường tốt hơn nhiều và khuyến nghị lãnh đạo giảm sự tương tác với quốc tế. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lượng thông tin chúng ta nhận được”, The Washington Post dẫn lời Chad O’Carroll, người sáng lập NK News, cho biết.

Theo các nhà phân tích, một số dấu hiệu cho thấy ông Kim đã rút lui khỏi trường quốc tế ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng từ cuối năm 2019, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã tăng cường nói về khả năng tự cường và các bài bình luận chi tiết về vấn đề đối ngoại không thường xuyên được đăng tải nữa. Các tuyên bố về vấn đề đối ngoại của Triều Tiên thường thể hiện được những điều lãnh đạo nước này cho là những phát triển quan trọng nhất trên thế giới.

ĐÔNG A

TNO