Ngóng kế hoạch chính thức của thành phố
Ban hành nghị quyết về hỗ trợ Doanh nghiệp, hộ kinh doanh
Hôm qua (9.9), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105 về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Trong đó, Chính phủ đề ra một số giải pháp về hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính. Cụ thể, Bộ Tài chính được yêu cầu khẩn trương triển khai các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành; triển khai
chính sách thuế ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 sau khi được Chính phủ thông qua; Nghiên cứu trình Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021; nghiên cứu, đánh giá tác động để xem xét việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo thời gian phù hợp với tình hình dịch.
Ngân hàng Nhà nước được giao nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch
Covid-19 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian được áp dụng chính sách. Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp sớm cho phép DN, dịch vụ lữ hành được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023, giảm thời gian giải quyết hoàn trả tiền ký quỹ này từ 60 xuống 30 ngày. Bộ TN-MT báo cáo Chính phủ trong tháng 9.2021 về việc gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về quản lý thuế…
Chính phủ đề nghị Tổng liên đoàn Lao động VN xem xét miễn nộp Đoàn phí Công đoàn cho đoàn viên tại DN, hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 và 2022.
Chí Hiếu
Túi bụi trong những cuộc họp kéo dài từ sáng đến tối, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Group, dùng từ “sốt ruột từng giờ từng phút” khi chia sẻ với chúng tôi về việc xây dựng lại kế hoạch tái xuất sau khi TP.HCM mở cửa kinh tế. Rơi vào tình cảnh “kinh khủng chưa từng có” – như cách nói của ông Kỳ – khi Vietravel kinh doanh trong 2 lĩnh vực bị tác động nặng nề và nghiêm trọng nhất từ dịch bệnh là hàng không và du lịch. Du lịch “đóng băng”, còn máy bay vừa về đã phải “đắp chiếu” nhiều tháng, doanh thu bằng không, gần 5 tháng TP.HCM giãn cách xã hội cũng là quãng thời gian người đứng đầu Vietravel áp lực với gánh nặng chi phí không cách nào giải quyết.
“Vì thế, ngay khi lãnh đạo TP khẳng định sẽ bắt đầu từng bước mở lại kinh tế sau khi mãn lệnh giãn cách 15.9, chúng tôi đã bắt tay ngay vào xây dựng kế hoạch phục hồi”, ông Kỳ chia sẻ và cho biết từ tháng 5, công ty đã tận dụng thời gian nghỉ dịch để tập trung tái cấu trúc. Đến giờ này, đang đi vào những bước hoàn thiện cuối cùng, đã hoàn tất chuyển đổi thành hệ thống “holdings” gồm 1 công ty mẹ và 4 công ty con.
“Chúng tôi đang thay đổi mô hình quản trị, đẩy mạnh kênh bán hàng online, phát triển thêm những ngành hàng mà trước đây mình chưa có cơ hội triển khai. Bên cạnh đó, giải quyết vấn đề hệ thống sản phẩm và điều chỉnh toàn bộ hệ thống điều hành, cắt giảm chi phí, xây dựng
kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính chặt chẽ để “mở cửa” là có thể bắt tay vào làm được ngay. Lần quay trở lại này, Vietravel sẽ có một diện mạo mới chuyên nghiệp hơn, tinh gọn hơn và hiệu quả hơn”, ông Kỳ nói.
Tuy vậy, Chủ tịch HĐQT Vietravel không khỏi băn khoăn bởi chỉ còn chưa tới 1 tuần nữa là tới “giờ G” 15.9, nhưng cộng đồng
doanh nghiệp (DN) vẫn chưa biết sắp tới TP sẽ chống dịch theo chiến lược nào, lĩnh vực nào được mở trước, lộ trình ra sao.
“Chính phủ cũng như TP cần công bố một kế hoạch rõ ràng sau Chỉ thị 16 sẽ áp dụng chỉ thị nào, giai đoạn sau sẽ tiếp diễn ra sao. Trong mỗi giai đoạn sẽ cho phép những lĩnh vực nào hoạt động, tiêu chí thế nào, điều kiện được hoạt động… Cần nói rõ chính quyền TP muốn gì, mục đích, đến ngày nào sẽ chuyển trạng thái… để DN từ đó bám theo cùng xây dựng, đóng góp ý kiến. Lộ trình rõ ràng thì DN mới có thể dựa vào đó để xây dựng kế hoạch, triệ u tập lại nguồn lực. Vì trước đó, DN đã rất nhiều lần tái đầu tư rồi dịch bệnh lại bùng lên, mọi công sức “đổ sông đổ bể”. Qua 3 – 4 lần như vậy, DN đã kiệt sức rồi”, vị này đề xuất.
Cùng tâm trạng, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Công ty CP may Sài Gòn 3, cho biết công ty đã phải ngừng hoạt động trong suốt tháng 7 để phòng chống dịch và chuẩn bị một số điều kiện vật chất cho thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”. Từ tháng 8 đến nay, công ty chỉ tổ chức sản xuất cho bộ phận hoàn tất đơn hàng giao gấp và triển khai “3T” cho bộ phận thiết kế, may mẫu, chuẩn bị cho các đơn hàng mới. Ước tính, chỉ có khoảng 150 công nhân, tương đương 5% lao động của công ty đang hoạt động và không thể mở rộng thêm vì cơ sở vật chất không đáp ứng được. Trong khi đó, gần 3.000 công nhân của Sài Gòn 3 hầu như đã tiêm xong mũi 1 và 30% tiêm xong mũi 2. Vì vậy, ông rất mong TP.HCM mở dần hoạt động kinh tế để nhanh chóng trả nợ các đơn hàng cũ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đối tác.
“Có thể chỉ mở lại khoảng 50 – 60% và nâng dần công suất cũng như số lượng lao động. DN cũng sẽ khó mở lại hoạt động sản xuất 100% ngay từ đầu vì phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Vì vậy, việc mở cửa kinh tế trở lại sẽ được thực hiện từng bước phù hợp theo điều kiện của mỗi DN và quy định của địa phương nơi DN hoạt động”, ông Phạm Xuân Hồng nói.
Chính sách hỗ trợ cần dứt khoát, mạnh mẽ hơn
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn,
giảng viên Trường đại học Fulbright, đánh giá: “Trải qua kỳ ngủ đông kéo dài, đa số DN đã bị bào mòn năng lực, tạm ngưng hoạt động,
sức khỏe có thể nói đã kiệt quệ. Ngay khi mở cửa, cần có sự hỗ trợ, “bơm máu” kịp thời để giúp DN nhanh chóng hồi sinh. Vì thế, ngay từ lúc này, nhà nước cần thống kê để đánh giá cụ thể từng ngành nghề, từng lĩnh vực xem tình hình của họ hiện như thế nào, phải chịu những gánh nặng ra sao về chi phí hoạt động, chi phí lao động, chi phí tài chính… Từ đó, đưa ra các chính sách hỗ trợ cụ thể như thuế ưu đãi phục hồi, lãi suất ưu đãi, các chi phí tái thiết lập thị trường lao động và chuỗi cung ứng”.
Theo ông Tuấn, thời gian qua, Chính phủ đã và đang xây dựng các gói chính sách tài khóa, tiền tệ… hỗ trợ DN, song quy mô và sức ảnh hưởng vẫn còn rất hạn chế. Có những gói hỗ trợ giá trị rất lớn, lên tới vài tỉ USD, nhưng giải ngân chưa được đến 1/3 do DN trầy trật không thể tiếp cận được. Tâm lý của những nhà làm chính sách thường sợ sai đối tượng sẽ bị quy trách nhiệm dẫn đến quá thận trọng. Phải có sự thay đổi tư duy làm chính sách, tối giản những điều kiện, thủ tục để mở rộng đối tượng tiếp cận.
“Vừa qua, Chính phủ cùng TP.HCM đã triển khai gói hỗ trợ tiền mặt cho người dân có
hoàn cảnh khó khăn do tác động dịch bệnh. Đây là sự thay đổi tư duy rất quan trọng. Với các gói chính sách hỗ trợ DN cũng cần sự mạnh dạn như vậy. Đơn cử, các DN sản xuất đang thực hiện “3 tại chỗ” hiện nay đã có dữ liệu rất chặt, có thống kê đầy đủ phần chi phí tăng lên… Bình quân mỗi người lao động cần thêm 5 triệu đồng/tháng, nếu hỗ trợ mỗi người 50% thì nhân lên với số lao động sẽ ra được số tiền cụ thể, chuyển thẳng vào tài khoản của DN. Tóm lại, với các chính sách hỗ trợ sắp tới, cần làm một cách mạnh dạn hơn, dứt khoát hơn. Quá thận trọng thì sẽ thất bại, cuối cùng, không ai được nhận gì”, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn đề xuất.
“3T” thôi chưa đủ
Chúng tôi mong ngóng từng ngày dịch Covid-19 được kiểm soát để thị trường nhanh chóng trở lại hoạt động. Bởi vì công ty có thực hiện “3T” để sản xuất thôi chưa đủ mà chuỗi cung ứng, vận chuyển, hệ thống đại lý… cũng cần hoạt động thì mới có thể cung cấp hàng hóa cho
người tiêu dùng. THP không bán trực tiếp hàng hóa đến tay người tiêu dùng mà thông qua các đại lý.
Bà Trần Uyên Phương (Phó tổng giám đốc Tập đoàn THP)
Kinh doanh mà đóng cửa thì hạn chế rất nhiều
OCB cũng như các ngân hàng khác đều mong muốn sớm mở cửa hoạt động trở lại, chứ kinh doanh mà đóng cửa thì hạn chế rất nhiều khâu như rà soát đánh giá các khoản vay, khách hàng có nhu cầu rút tiền mặt, giải quyết hồ sơ vay vốn, thủ tục công chứng…
Thời gian qua, số lượng nhân viên ngân hàng làm việc khoảng 10 – 25%, những giao dịch đơn giản thì ngân hàng cấp chữ ký số để họ thực hiện mà không phải đến trụ sở. Để đảm bảo an toàn trong thời gian tới, chúng tôi cũng đã cố gắng thực hiện liên hệ tiêm vắc xin cho cán bộ công nhân viên, những bộ phận nào có thể làm việc từ xa thì tiếp tục như vậy, những quy trình thủ tục nào đưa được lên môi trường số thì thực hiện…
Ông Nguyễn Đình Tùng (Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông – OCB)
Để Doanh nghiệp chủ động phòng chống dịch
Để chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại, công ty đã tiêm vắc xin mũi 1 đầy đủ cho người lao động, có những bộ phận tiếp xúc, đi lại nhiều đã tiêm mũi thứ 2, tuyên truyền 5K nghiêm ngặt, thậm chí chuẩn bị thuốc men để điều trị cho anh em nếu chẳng may có người nhiễm bệnh. Chính quyền nên cho DN chủ động phòng chống dịch, vì hơn ai hết nếu chúng tôi không làm tốt thì sẽ chịu thiệt hại đầu tiên vì không có người làm, hoạt động sản xuất đứt gãy.
Ông Hồ Minh Quang (Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Nam Kim)
Chỉ chờ lệnh “mở cửa” là khởi động ngay
Sau nhiều tháng bị phong tỏa, chúng tôi đang nóng lòng được sớm đi làm trở lại. Hiện công ty cũng đã có kịch bản để khi chính quyền công bố các kế hoạch phục hồi kinh tế chúng tôi sẽ nương theo. Chúng tôi đã nghĩ đến việc phải làm việc gấp đôi gấp ba trước đây để bắt kịp tốc độ cũ. Mọi kế hoạch, kịch bản cho ngày trở lại đã sẵn sàng, làm việc tại văn phòng,
làm việc online, các biện pháp phòng dịch… chỉ chờ lệnh “mở cửa” là chúng tôi khởi động ngay.
Ông Phạm Lâm (CEO Công ty DKRA Việt Nam)
Thanh Xuân – Đình Sơn (ghi)
HÀ MAI – MAI PHƯƠNG
TNO