26/11/2024

Mỹ dùng chiêu “gậy ông đập lưng ông” với Trung Quốc ở Biển Đông

Mỹ dùng chiêu “gậy ông đập lưng ông” với Trung Quốc ở Biển Đông

Điều động tàu tuần duyên vũ trang đến Biển Đông, Mỹ đang sử dụng chính “chiêu thức” mà Trung Quốc thực hiện thời gian qua là tăng cường lực lượng hải cảnh hoạt động.

 

 

Tàu tuần duyên Munro (755) và tàu tuần duyên Philippines (8301) tập luyện chung ở khu vực phía đông Biển Đông ngày 31.8 /// Ảnh: Hạm đội 7
Tàu tuần duyên Munro (755) và tàu tuần duyên Philippines (8301) tập luyện chung ở khu vực phía đông Biển Đông ngày 31.8  ẢNH: HẠM ĐỘI 7

Trang web của Hạm đội 7 – Hải quân Mỹ thông báo tàu tuần duyên nước này Munro (WMSL 755) vừa đến vịnh Subic (Philippines) vào ngày 31.8. Đây là tàu vũ trang có độ choán nước khoảng 4.500 tấn, được trang bị pháo 57 mm với hệ thống hỗ trợ khai hỏa, hệ thống pháo phòng không cận chiến Phalanx, có thể mang theo trực thăng chiến đấu và trực thăng không người lái.

Ứng phó các thách thức an ninh

Theo đó, tàu Munro đã diễn tập cùng lực lượng tuần duyên Philippines tại phía đông của Biển Đông, với nội dung ứng phó thiên tai, chống khủng bố và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Ông Blake L. Novak, chỉ huy tàu tuần duyên Munro, cho hay: “Khi các thách thức an ninh hàng hải trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific) ngày càng trở nên phức tạp, việc hợp tác với Lực lượng Tuần duyên Philippines và các đối tác nghề cá của chúng tôi là rất quan trọng đối với lợi ích chung trong một môi trường hàng hải tự do và cởi mở”.

Trước đó, vào ngày 27.8, tàu tuần duyên Munro đã cùng với khu trục hạm USS Kidd (DDG 100) của Mỹ đã cùng vượt qua eo biển Đài Loan – được xem như một động thái thách thức hải quân Trung Quốc đang gia tăng hoạt động tại khu vực này. Đến ngày 27.8, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng phản đối hoạt động của tàu Munro ở eo biển Đài Loan.

Từ những diễn biến trên, có thể thấy Washington đang đẩy nhanh việc triển khai các hoạt động của Lực lượng tuần duyên Mỹ (USCG) đến Indo-Pacific để đối phó với các hành vi của Trung Quốc.

Răn đe Trung Quốc

Hồi tháng 3, chuyên san USNI dẫn lời đô đốc Karl Schultz, Tư lệnh USCG, khẳng định USCG thực sự tập trung vào khu vực Indo-Pacific nhằm đối phó với lực lượng hải cảnh của Trung Quốc (CCG).

“CCG không chỉ tiến hành tuần tra ven biển thông thường. Lực lượng này còn sở hữu các tàu vũ trang lớn hơn cả tàu tuần dương và mở rộng hoạt động ở chuỗi đảo thứ nhất. Đó là một phần trong chiến lược vươn vòi của chính quyền Trung Quốc”, đô đốc Schultz nhận xét và cho rằng Indo-Pacific là nơi mà Mỹ phải cạnh tranh với Trung Quốc.

Để củng cố cho khả năng đối phó Trung Quốc, vào cuối năm 2020, Mỹ đề ra kế hoạch tích hợp 3 lực lượng hải quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên trở thành lực lượng quân sự chung trên biển nhằm ứng phó các thách thức mới mà trong đó có Biển Đông.

Mỹ dùng chiêu “gậy ông đập lưng ông” với Trung Quốc ở Biển Đông - ảnh 1

Tàu tuần duyên Munro và tàu khu trục USS Kidd vượt eo biển Đài Loan ngày 27.8 ẢNH: HẠM ĐỘI 7

Hồi tháng 10.2020, thông cáo được đăng trên website của Nhà Trắng dẫn lời ông Robert O’Brien, khi đó đang giữ chức Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, thông tin Washington có kế hoạch triển khai các tàu tuần tra phản ứng nhanh tại tây Thái Bình Dương trong tài khóa 2021. Cụ thể hơn, theo ông O’Brien, các tàu này sẽ thực hiện nhiệm vụ an ninh biển như tuần tra theo dõi việc đánh bắt cá, đảm bảo tự do hàng hải, hợp tác hỗ trợ các nước đối tác có năng lực giám sát và thực thi pháp luật hạn chế trên biển.

Nhấn mạnh Mỹ là nước Thái Bình Dương, ông O’Brien tuyên bố tình trạng các tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép và quấy nhiễu tàu thuyền trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đe dọa chủ quyền và ổn định khu vực. Do đó, ông O’Brien khẳng định các nỗ lực của chính quyền Mỹ và USCG đóng vai trò then chốt trong việc chống lại hành động “gây bất ổn và nham hiểm này”.

Thời gian qua, Trung Quốc không ngừng điều động tàu CCG tăng cường hoạt động ở các vùng biển, trong đó có Biển Đông. Không những vậy, đầu năm nay, Trung Quốc cũng đã thông qua luật hải cảnh mới cho phép CCG được quyền tấn công nhằm vào các tàu nước ngoài hoạt động ở vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Việc thông qua luật hải cảnh mới được cho là nhằm phục vụ mưu đồ của Trung Quốc trong việc kiểm soát Biển Đông. Lâu nay, Bắc Kinh thường xuyên sử dụng tàu vũ trang của CCG để đe dọa các nước khác trong khu vực, nhưng núp bóng dưới hình thức là tàu chấp pháp.

Chính vì thế, việc triển khai USCG đến Biển Đông có thể xem là cách đáp trả của Mỹ đối với Trung Quốc tại vùng biển này, bởi về lý thuyết thì thì USCG và CCG có chức năng khá tương đồng nhau.

HOÀNG ĐÌNH

TNO