Thực phẩm, hàng hoá vẫn khó lưu thông, 8 tỉnh bị Cục Chăn nuôi ‘điểm danh’
Thực phẩm, hàng hoá vẫn khó lưu thông, 8 tỉnh bị Cục Chăn nuôi ‘điểm danh’
Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) nêu đích danh 8 địa phương vẫn còn tình trạng thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, hàng hoá khó lưu thông, vận chuyển do vướng quy định kiểm soát phòng dịch Covid-19.
Chia sẻ tại hội nghị sản xuất chăn nuôi 6 tháng cuối năm 2021, do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 1.9, có sự tham gia của đại diện Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, ông Nguyễn Văn Trọng, Cục phó Cục Chăn nuôi, chỉ đích danh nhiều địa phương vẫn gây khó khăn trong vận chuyển, lưu thông thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và vật tư nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, những khó khăn trong vận chuyển hàng hóa trong giai đoạn đầu mới thực hiện giãn cách xã hội được Chính phủ, cùng các bộ ngành chỉ đạo, đã tháo gỡ được nhiều quy định bất cập giúp lưu thông cung ứng sản phẩm tiêu dùng thuận lợi hơn.
Đến nay, các quốc lộ và tỉnh lộ cơ bản thông suốt nhưng một số địa phương ở huyện, xã, thôn vẫn gây khó khăn cho lưu thông hàng hóa.
Cụ thể ở cấp tỉnh, Quảng Ngãi và Lâm Đồng vẫn là những địa phương có nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn đang gặp khó khăn lưu thông thức ăn chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi.
Còn ở các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Thuận, Bến Tre và An Giang hiện không cho vận chuyển tinh để phối giống tái đàn vật nuôi.
Theo quy định của Bộ Y tế, giấy xét nghiệm PCR hoặc test nhanh đối với người ngồi trên phương tiện vận chuyển có hiệu lực trong 72 giờ. Nhưng một số địa phương lại áp dụng quy định, ngồi trên phương tiện vận chuyển bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm PCR không chấp nhận test nhanh và chỉ chấp nhận kết quả trong 24 giờ hoặc 48 giờ. Điều này là không thống nhất với quy định phòng chống dịch Covid-19 Bộ Y tế đã hướng dẫn, làm khó doanh nghiệp và gây tăng chi phí cho sản xuất.
Kiểm soát lưu thông hàng hóa phải thống nhất theo quy định của Bộ Y tế
Ông Trọng cũng cho rằng, trong khi sản xuất chăn nuôi được duy trì tương đối ổn định nhưng khâu vận chuyển, lưu thông sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu mua của thương lái. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng dồn ứ vật nuôi ở vùng sản xuất. Trong khi đó, ở các khu vực đô thị lại xuất hiện tình trạng khan hiếm cục bộ, giá thực phẩm tăng cao.
Theo khảo sát của Cục Chăn nuôi, khó khăn trong vận chuyển, lưu thông ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giao thương của thương lái khiến nguồn cung thực phẩm ra thị trường giảm từ 20 – 30% so với trước thời điểm chưa áp dụng giãn cách xã hội.
Theo đó, đại diện Cục Chăn nuôi đề nghị sở NN-PTNT các địa phương vẫn còn khó khăn trong vận chuyển, lưu thông thực phẩm, hàng hóa chủ động kiến nghị đến ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo thống nhất xuống cấp huyện, xã, thôn. Nếu phương tiện vận chuyển và người đi cùng đủ điều kiện phòng chống dịch Covid-19 thì cho phép vận chuyển, lưu thông, không nên phát sinh thủ tục hành chính.
Trong kiểm soát vận chuyển hàng hóa, các địa phương cần thống nhất theo quy định của Bộ Y tế trên phạm vi toàn quốc, đối với người trên phương tiện vận tải sử dụng một trong hai phương pháp test nhanh hoặc xét nghiệm PCR đều có giá trị và thời gian thống nhất là 72 giờ.
PHAN HẬU
TNO