Nỗi buồn shipper mùa dịch
Nỗi buồn shipper mùa dịch
“Em đang trông chờ từng ngày để được chạy lại. Chưa bao giờ em nghỉ làm lâu thế này”, Hoàng Mỹ (23 tuổi), tài xế ứng dụng giao hàng Now, nói khi chúng tôi hỏi chuyện công việc.
Điêu đứng vì thất nghiệp
Gần 2 năm chạy xe giao hàng cho ứng dụng Now, từ công việc chỉ chạy khi rảnh rỗi, Hoàng Mỹ dần trở thành một shipper chuyên nghiệp. Một ngày cô dành từ 8 – 10 tiếng đồng hồ lang thang khắp các tuyến đường Sài Gòn, kiếm được khoảng 15 triệu đồng/tháng để chi trả cho các nhu cầu của bản thân và phụ giúp bố mẹ.
Thời điểm TP.HCM bắt đầu hạn chế tụ tập đông người sau những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên xuất hiện ngoài cộng đồng được coi là giai đoạn bận rộn của các shipper. Các đơn hàng online nhiều hơn, shipper chạy miệt mài không xuể. Nhưng đến ngày 9.7, khi TP.HCM chính thức áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhu cầu đặt hàng giảm mạnh.
“Trước, tụi em chủ yếu giao đồ ăn sáng, ăn trưa, trà sữa và đơn đặt hàng trên Shopee cho các anh chị dân văn phòng. Giờ doanh nghiệp ngưng hoạt động, trụ sở các công ty đóng cửa, dịch vụ ăn uống cũng phải nghỉ để đáp ứng yêu cầu dịch nên bọn em thành “ế”. Sau đó để phòng chống dịch, TP còn siết thêm, tài xế không được giao hàng liên quận nên em nghỉ luôn, thất nghiệp. Bạn bè em có mấy đứa cố chạy nhưng giấy tờ rắc rối, thỉnh thoảng còn bị phạt nên cũng ở nhà rồi. Em còn có ba mẹ quay về “ăn bám” cũng đỡ, có mấy đứa vay tiền ngân hàng mua xe, mua điện thoại để làm công việc này nhưng giờ phải nghỉ, trông chờ hết vào số tiền tích lũy trong thời gian qua để trang trải tiền nhà, tiền điện nước… Điêu đứng luôn!”, Mỹ trải lòng.
Tương tự, anh Lê Thanh Hải (ngụ Q.8, TP.HCM), chạy GrabBike, từ lao động chính của gia đình hơn 3 năm nay bất ngờ thất nghiệp. Trước đây, anh Hải chở khách từ sáng đến tối, tính ra cũng được khoảng 600.000 đồng/ngày (chưa trừ phí chiết khấu của ứng dụng, thuế, tiền xăng). Kể từ khi TP.HCM yêu cầu ngưng mọi hoạt động vận chuyển hành khách, anh chuyển qua làm giao nhận, trừ hết các khoản chi phí, mỗi ngày cũng kiếm được gần 200.000 đồng lo tiền sữa, bỉm cho con trai hơn 2 tuổi ở nhà. Dịch bệnh bùng phát, thêm nhiều quy định siết dịch vụ giao nhận hàng hóa nên thu nhập teo tóp thêm. Có những bác tài, cả ngày không được cuốc xe nào.
“Ai ngờ, khu nhà tôi bị phong tỏa nên phải nghỉ luôn. Cùng lúc đó thì vợ tôi làm công nhân ở Khu công nghệ cao phát hiện dương tính, đưa đi điều trị tập trung tại Bệnh viện dã chiến TP.Thủ Đức. Cả 2 vợ chồng bỗng thành thất nghiệp. Khó khăn vô cùng. Nhiều khi nghĩ lẩn thẩn, nằm trong khu phong tỏa thế này lại thành hay, phường hỗ trợ thực phẩm, ít ra còn đỡ tiền ăn hằng ngày”, anh Hải cười buồn, chia sẻ.
“Nhiều người cần mình lắm”
Nghỉ ở nhà được khoảng 1 tuần thì Hoàng Mỹ phát hiện mình có triệu chứng nhiễm Covid-19. Test nhanh ở nhà, Mỹ bàng hoàng nhận kết quả dương tính. Mỹ bình tĩnh liên hệ với cơ sở y tế, tự động cách ly và điều trị tại nhà. Sau một thời gian điều trị, test PCR đã cho kết quả âm tính. “Lúc còn đi làm, em kỹ lắm, xịt cồn, xịt khuẩn liên tục mà không hiểu sao vẫn dính. Thế mới thấy, tiền kiếm được không bao nhiêu, nguy cơ lây nhiễm bệnh lại cao như vậy nên có đến gần 80% tài xế phải chấp nhận ngừng chạy”, cô gái 23 tuổi tâm sự.
Trước câu hỏi nếu giờ TP nới lỏng giãn cách, có vì sợ Covid-19 mà nghỉ chạy không, Mỹ chẳng do dự: “Không chị ơi, sợ thì có sợ nhưng mở ra là bọn em chạy lại ngay. Chưa bao giờ em nghỉ làm lâu như thế này. Ngoài chuyện tiền, đi làm còn có bạn bè. Trước, ngày nào các nhóm shipper cũng chat chit, trao đổi đủ chuyện công việc, đơn hàng… Từ ngày TP đóng cửa chống dịch, các nhóm cũng giãn cách theo luôn, chẳng ai tương tác gì. Chạy quen tay quen chân, giờ ở nhà buồn lắm, nhớ nghề lắm!”.
Ra đường giờ này, không ai không sợ, nhưng có đi mới thấy nhiều người cần mình lắm
Shipper Tiến Toàn (32 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
Cùng nỗi lòng với Hoàng Mỹ, anh Tiến Toàn (32 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) bảo “sẽ chạy đến khi nào không thể chạy được nữa thì thôi”. Gần 6 năm làm hướng dẫn viên du lịch tự do, dịch bệnh bùng phát từ cuối 2019, hoạt động du lịch gần như đóng băng khiến anh Toàn bất ngờ “không chốn dung thân”.
“Đầu quân” cho Gojek Việt Nam từ đầu năm 2021, anh Toàn mới chạy xe ôm công nghệ được mấy tháng thì dịch bùng phát. Hoạt động của shipper từng bước bị siết lại, anh Toàn vẫn nhất quyết không nghỉ việc vì ở TP có một mình, không đi làm thì cũng không biết làm gì cho hết ngày. Khoe tấm bảng tên cùng băng tay xanh mới được công ty cấp, anh Toàn vui mừng vì đã có đủ điều kiện để tiếp tục làm công việc giao hàng.
|
“Ra đường giờ này, không ai không sợ, nhưng có đi mới thấy nhiều người cần mình lắm. Bữa tôi nhận đơn hàng giao đồ ăn từ Bình Thạnh đi Tân Bình. Vừa tới nơi đã thấy trước cửa nhà để 1 túi đồ, bên trong lỉnh kỉnh hộp nhựa đựng thức ăn. Một chị gái đeo khẩu trang kín mít từ trong nhà nói vọng ra: “Mừng quá, em chờ hơn 1 tiếng đồng hồ mới có anh nhận cuốc. Mẹ em ở một mình bên Tân Bình mà nay bà bị ngã, không đi lại nấu ăn được. Anh mang đến, cứ để trước cổng nhà, em sẽ nhờ hàng xóm mang vào cho cụ nhé. Không có anh, em không biết làm sao luôn”. Lúc đó mình cũng xúc động, cảm thấy có gì đó tự hào nên tự nhủ quyết sẽ không tắt app nếu không phải bắt buộc”, anh Toàn kể, khoe thêm cả giấy chứng nhận vừa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 hôm 6.8 vừa qua.
Mở thêm cửa hoạt động cho shipper
Liên tục kiến nghị phải ưu tiên vắc xin cho lực lượng giao nhận hàng hóa tại TP.HCM từ những ngày đầu giãn cách xã hội, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn đô thị TP.HCM, khẳng định lực lượng shipper thực chất là một công cụ sống không thể thiếu đối với người dân trong điều kiện giãn cách xã hội. Người dân dù trong hoàn cảnh nào cũng cần phải mua lương thực, thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Do đó, cần tiếp tục đẩy nhanh tiêm vắc xin cho tài xế, tạo điều kiện để các shipper hoạt động bình thường trở lại, để người dân mua online rồi shipper đem đến sẽ tốt cho mục tiêu phòng chống dịch.
Mới đây, Công ty TNHH Grab Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Sở GTVT và Sở Y tế TP.HCM đề xuất phương án tận dụng xe GrabCar vận chuyển vật tư y tế và bệnh nhân cấp cứu, hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại TP.HCM. Đơn vị này đề xuất tận dụng một số lượng xe hợp đồng điện tử GrabCar để triển khai 2 loại hình GrabCar y tế và GrabCar cấp cứu. Trong đó, GrabCar y tế là phương tiện hỗ trợ ngành y tế vận chuyển thiết bị, vật tư y tế, mẫu xét nghiệm cho các khu vực cách ly, phong tỏa, cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, cơ sở xét nghiệm… GrabCar cấp cứu nhận nhiệm vụ vận chuyển người dân, bệnh nhân cần di chuyển đến các cơ sở y tế.
Trong khi đó, ứng dụng Be cũng phối hợp với Sở GTVT và Sở Y tế Hà Nội thành lập đội xe phản ứng nhanh, nhận chuyên chở miễn phí mẫu xét nghiệm Covid-19 từ các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã về CDC Hà Nội. Tại Quảng Ninh, hoạt động chuyên chở miễn phí người nhập cảnh hoàn thành cách ly tập trung về cách ly tại nơi cư trú cũng đang được hãng xe này phối hợp triển khai, chuẩn bị chính thức vận hành…
Theo TS Lương Hoài Nam, TP.HCM nên tận dụng thêm cả xe công nghệ 4 bánh để hỗ trợ giao nhận hàng hóa, giao nhận thiết bị y tế, vận chuyển người bệnh… vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, giảm tải cho lực lượng y tế, vừa giải bài toán công ăn việc làm cho tài xế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
HÀ MAI
TNO