Vì sao Trung Quốc kiểm hoá 100% trái cây xuất khẩu từ Việt Nam?
Vì sao Trung Quốc kiểm hoá 100% trái cây xuất khẩu từ Việt Nam?
Trung Quốc áp dụng kiểm hoá 100% đối với các lô hàng trái cây xuất khẩu từ Việt Nam trong khi trái cây của Thái Lan tỷ lệ kiểm hóa chỉ có 30%.
Siết chặt từ nguồn gốc đến bao gói, nhãn mác
Thông tin từ Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, theo báo cáo từ các tỉnh biên giới phía Bắc, cơ quan kiểm dịch phía Trung Quốc đang áp dụng chế độ kiểm hóa 100% các lô hàng trái cây xuất khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc. Theo đó, thời gian thông quan mỗi lô hàng sẽ kéo dài hơn so với trước đây.
Tại Quảng Ninh, doanh nghiệp đang gặp khó trong việc giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu do phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, phát sinh thêm chi phí. Ở cửa khẩu cầu Bắc Luân II đang thực hiện nghỉ thứ 7 và chủ nhật nên gây ra phát sinh lưu xe, kho bãi, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp trong nội địa.
Còn tại Lào Cai, từ ngày 5.8, Trung Quốc có thông báo cho các doanh nghiệp nhập khẩu về việc hạn chế nhập khẩu đối với tất cả các mặt hàng được vận chuyển bằng container lạnh nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 lây lan tại khu vực biên giới. Nhưng qua thực tế thông quan tại cửa khẩu, tất cả các mặt hàng trái cây tươi, trong đó có cả các mặt hàng trái cây không vận chuyển bằng xe lạnh (chuối, mít, dưa hấu), phía Trung Quốc cũng không nhận hàng.
Cũng theo đại diện các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn và Quảng Ninh, trong thời gian qua, Trung Quốc liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, đồng thời kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu từ Việt Nam.
Phía Trung Quốc yêu cầu, trái cây, nông sản từ Việt Nam bắt buộc phải thuộc các vườn trái cây hoặc xưởng đóng gói được cơ quan chức năng Việt Nam đăng ký và được Tổng cục Hải quan xác nhận; bắt buộc phải làm thủ tục thẩm định kiểm dịch; khi khai báo phải xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của cơ quan chức năng Việt Nam.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa quan tâm đúng mức đến các yêu cầu này từ phía Trung Quốc.
Chưa ký được nghị định thư về kiểm dịch thực vật
Chia sẻ tại cuộc họp về xuất khẩu nông sản với Bộ NN-PTNT trong ngày 11.8, ông Lương Trọng Quỳnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, kiến nghị cần tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu nông sản, hoa quả thực hiện đóng gói bao bì nhãn mác; thực hiện truy xuất nguồn gốc cũng như ký kết hợp đồng chính thức để xuất khẩu chính ngạch trái cây, nông sản sang Trung Quốc.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, hiện vẫn còn 8/9 loại quả trong danh sách được xuất khẩu vào Trung Quốc nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên Việt Nam và Trung Quốc chưa ký kết được thỏa thuận về kiểm dịch thực vật để giảm thời gian thực hiện các thủ tục kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu.
Các cơ quan chức năng phía Việt Nam đang tích cực trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc ký kết nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với 8 loại hoa quả (thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối, mít) tạo điều kiện thuận lợi trong xuất khẩu trái cây chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Để tháo gỡ khó khăn trong thủ tục kiểm hóa, ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Kinh tế, thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, gợi ý trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, Việt Nam cần có công hàm đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc tổ chức hội nghị trực tuyến với Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương Việt Nam để thảo luận, thống nhất giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản, trái cây.
PHAN HẬU
TNO