Đủ chiêu lừa trong mùa dịch
Đủ chiêu lừa trong mùa dịch
Bán bộ kit test nhanh Covid-19 dỏm, lấy tiền bán thực phẩm rồi biến mất hay lừa đảo xin từ thiện… đang diễn ra nhiều nơi trong những ngày cả nước căng mình ứng phó dịch bệnh.
Lợi dụng mùa dịch bệnh
Trong vòng 3 ngày qua, nhiều người đã bị lừa “niềm tin” vì câu chuyện giả mạo “Bác sĩ Khoa”. Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM đã ra quyết định xử phạt 2 người dùng mạng xã hội đưa thông tin giả này. Tuy nhiên, câu chuyện chưa dừng lại ở đó mà có thể còn hé lộ việc một số cá nhân lợi dụng nhiều người để xin tiền từ thiện. Hay cách đây 2 ngày, Công an tỉnh Thanh Hóa thông báo vừa bắt giữ 6 nghi phạm để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền gần 5 tỉ đồng.
Theo điều tra, từ cuối tháng 4 đến khi bị bắt, các nghi phạm dù không phải cán bộ, công chức hay đại diện cho cơ quan có trách nhiệm nhưng đã câu kết với nhau đến gặp rất nhiều hộ dân trên địa bàn các huyện Thọ Xuân, Thường Xuân, tự xưng có thể giúp các hộ làm hồ sơ nộp cho ngân hàng (NH) để nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiền hỗ trợ người nghèo, người cao tuổi… Sau khi lấy được giấy tờ tùy thân của nhiều gia đình, các nghi phạm đã làm hợp đồng tín dụng, vay tiền của Công ty tài chính FE Credit, Công ty tài chính TNHH MTV Home Credit VN với tổng số tiền gần 5 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, hàng loạt chiêu trò lừa đảo lợi dụng mùa dịch khác đã và đang phát tán nhiều nơi. Mới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết lợi dụng tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, trên mạng xã hội và các website, ứng dụng thương mại điện tử rao bán bộ kit test nhanh Covid-19 với giá từ 300.000 – 800.000 đồng. Các chủ hàng quảng cáo sản phẩm xuất xứ từ nhiều nước như Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… cho kết quả nhanh, lấy mẫu “cực kỳ dễ dàng”.
Tuy nhiên, các kit test trên chủ yếu là hàng trôi nổi, xách tay, không có hóa đơn chứng từ, chưa được phép lưu hành tại VN. Đáng chú ý, khi TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, người dân bị hạn chế ra đường, chỉ được đi mua thực phẩm theo ngày… nên việc mua sắm chủ yếu là trực tuyến. Lợi dụng tình hình này, nhiều cá nhân lên mạng rao bán thực phẩm và yêu cầu khách hàng chuyển khoản trước nhưng sau đó biến mất. Chị T.H tại Q.4 chia sẻ vào cuối tháng 7, chị chuyển tiền cọc mua thịt heo cho một cá nhân tên Ngân và hẹn một ngày sau giao hàng. Qua hôm sau không thấy, nhắn tin hỏi thì người bán trả lời “đang đi xét nghiệm tiêm vắc xin” nên hẹn lại.
Nhưng sau đó tất cả tin nhắn rao bán hàng đã bị xóa bỏ và người bán cũng không liên lạc được. Hoặc việc những kẻ lừa đảo mạo danh các nhãn hàng, các đơn vị bán lẻ như Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Điện Máy Xanh, Shopee… gửi cho nhiều người các chương trình tặng quà, trúng thưởng và link kèm mã độc nhằm phát tán, thu thập và chiếm quyền kiểm soát tài khoản của khách hàng. Những tin nhắn lừa đảo đó càng phát tán nhiều hơn khi các cửa hàng đang tạm ngừng hoạt động, khách hàng cần mua qua mạng…
Đánh cắp ví điện tử, tài khoản ngân hàng
Hàng loạt NH liên tục cảnh báo các chiêu trò đánh cắp tài khoản của người dùng nhưng những chiêu lừa đảo này vẫn đang diễn ra và vẫn có người sập bẫy. Cuối tháng 7, Vietinbank cảnh báo một số khách hàng của nhà băng này bị kẻ gian mời chào vay vốn trực tuyến rồi yêu cầu cung cấp các thông tin, hình ảnh như chứng minh nhân dân, số thẻ NH, mật khẩu OTP. Sau khi lấy được những thông tin này, kẻ gian thực hiện mở ví điện tử (VĐT) đối với khách hàng chưa từng mở ví rồi trộm tiền về VĐT và mua sắm, chuyển qua VĐT khác để chiếm đoạt. Hay khách hàng sẽ nhận được các tin nhắn, cuộc gọi giả mạo cán bộ, nhân viên NH thông báo tài khoản liên kết với VĐT có vấn đề phát sinh, yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân để xử lý nhưng thực chất là trộm tiền trong ví…
Đầu tháng 8, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cũng đã cảnh báo về hàng loạt thủ đoạn lừa đảo trong lĩnh vực NH – tài chính. Các hình thức lừa đảo chủ yếu là qua email mạo danh cán bộ NH đề nghị người tiêu dùng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản để đăng nhập lại tài khoản đã bị khóa hoặc để nhận một khoản tiền thưởng lớn, nộp phí để nhận thưởng. Kế đến là sử dụng tin nhắn qua điện thoại cũng với nội dung thông báo từ NH. Sau đó là lừa đảo qua cuộc gọi có chức năng giả mạo đầu số điện thoại, giả mạo số điện thoại, mạo danh cán bộ của cơ quan chức năng hoặc các tổ chức cung cấp dịch vụ thu tiền điện, tiền nước gọi điện để gây sức ép, đe dọa và yêu cầu người tiêu dùng phải chuyển một số tiền lớn vào một tài khoản do các đối tượng này cung cấp. Kẻ gian còn giả mạo người thân, bạn bè, đối tác cung cấp đường link giả mạo các trang web giả NH, dịch vụ chuyển tiền quốc tế; Chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo; Tạo lập các trang cá nhân bán hàng online, yêu cầu khách hàng chuyển khoản đặt cọc nhưng không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ông Võ Khánh Thiên (Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena) phân tích do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp và nhiều người chủ yếu giao tiếp qua mạng, các hình thức mua bán giao dịch đều tiến hành trên nền tảng online nên số người bị lừa đảo cũng nhiều hơn. Hơn nữa, do đang trong thời gian thực hiện giãn cách nên hiện nay nhiều cá nhân bị mất tiền cũng không có điều kiện hoặc gặp khó khăn khi nhờ cơ quan chức năng can thiệp, xử lý, nên những kẻ lừa đảo càng táo tợn và hoạt động mạnh với nhiều chiêu trò theo sát diễn biến hằng ngày, nhất là liên quan đến việc phòng chống dịch bệnh, mua bán thực phẩm. Do đó, người dùng cần thận trọng hơn nữa. “Nếu những kẻ có ý đồ lừa đảo, ngay từ đầu sẽ rất e ngại hình thức gọi video và có thể đưa ra những lý do nào đó để thoái thác. Điều đó cũng giúp hạn chế được việc bị lừa. Còn trước đó thì nên tham khảo thêm người quen, chọn mua những nơi được đánh giá uy tín. Các cuộc gọi, tin nhắn nghi ngờ thì phải kiểm tra lại ngay với tổ chức liên quan…”, ông Võ Khánh Thiên chia sẻ thêm.
MAI PHƯƠNG
TNO