Tìm cách giữ chân người lao động
Tìm cách giữ chân người lao động
Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, người lao động đã và đang lên kế hoạch về quê nên nhiều tỉnh, thành phía nam đã đưa ra nhiều chính sách an sinh xã hội dành cho người lao động để giữ chân họ ở lại.
TP.HCM chuẩn bị chiến lược lâu dài
Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM mở rộng vừa qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu chuẩn bị chiến lược lâu dài bảo vệ sinh kế người dân, sức sống doanh nghiệp (DN), tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phục hồi kinh tế, xã hội ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Ngay sau đó, UBND TP đã quyết định hỗ trợ đợt 2 với tổng kinh phí hơn 900 tỉ đồng từ ngân sách. Các đối tượng được thụ hưởng gồm: người lao động tự do (NLĐTD), hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ lao động nghèo sống trong nhà trọ, khu lưu trú công nhân (CN)… được nhận 1,5 triệu đồng hoặc phần quà tương đương. Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan yêu cầu 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức tập trung giải ngân với mục tiêu hoàn thành trước ngày 10.8.
Theo bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân, quận đang tập trung giải ngân gói hỗ trợ cho NLĐTD, CN khu nhà trọ, NLĐ khó khăn bởi dịch bệnh, cố gắng hoàn thành trong hôm nay (10.8). Ngoài ra, Q.Bình Tân đã thành lập Trung tâm an sinh xã hội và đang triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho CN, NLĐ trong các khu công nghiệp (KCN), DN lớn.
Về các chính sách cụ thể, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch LĐLĐ Q.Bình Tân, cho biết trao đổi với một số đơn vị có đông CN, đặc biệt là Công ty TNHH PouYuen VN (khoảng 56.000 CN) khi cho CN nghỉ việc vì dịch Covid-19 thì phải thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách theo quy định. Các DN đang hoạt động thì chuyển lương đúng thời gian để NLĐ có chi phí sinh hoạt. LĐLĐ quận cũng hỗ trợ 3 triệu đồng/NLĐ mắc Covid-19 và 1,5 triệu đồng đối với NLĐ là F1, các trường hợp khó khăn thì hỗ trợ 500.000 đồng. Hiện Q.Bình Tân đang triển khai chương trình tặng quà đến hơn 26.000 CN làm việc tại Công ty PouYuen VN ở trọ trên địa bàn.
|
Các tỉnh, thành: Hỗ trợ tiền nước, tiền nhà trọ đến thực phẩm
Hôm qua 9.8, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản yêu cầu Sở NN-PTNT giảm tiền nước (7% trên hóa đơn sử dụng nước sạch sinh hoạt nông thôn) cho toàn bộ người dân đang sử dụng nước sạch trên địa bàn trong tháng 8 và tháng 9.2021, trong đó có CN. Trước đó, Bình Dương cũng triển khai gói hỗ trợ 260 tỉ đồng cho khoảng 500.000 CN nhà trọ ở lại Bình Dương trong thời gian giãn cách xã hội. HĐND tỉnh Bình Dương đã ra nghị quyết hỗ trợ một lần số tiền 300.000 đồng tiền nhà trọ cho tất cả CN nhà trọ. Hiện LĐLĐ Bình Dương đang chi tiền hỗ trợ cho CN bị F0 là 1,5 triệu đồng/người, CN F1 là 1 triệu đồng/người và F2 là 500.000 đồng/người. Sở LĐ-TB-XH Bình Dương chi tiền hỗ trợ cho 93.825 người theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, dự kiến số tiền gần 320 tỉ đồng và đến nay đã chi được cho trên 62.467 người với số tiền đã chi gần 83 tỉ đồng. Theo số liệu của Ban Quản lý (BQL) các KCN Bình Dương trong đợt tiêm vắc xin Covid-19 từ ngày 6 – 10.8 có 1.182 DN trong KCN đăng ký tiêm cho 130.540 CN.
Tại Đồng Nai, theo BQL các KCN Đồng Nai, hiện có 1.140 DN tổ chức thực hiện “3 tại chỗ” với số lượng 135.530 CN. LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho biết đã triển khai chương trình “Nghĩa tình công đoàn” (từ ngày 20.7) để hỗ trợ miễn phí thực phẩm thiết yếu cho CN trong các khu vực bị phong tỏa. Đến nay đã hỗ trợ hơn 10.000 phòng trọ CN, mỗi phòng một phần thực phẩm gồm 5 kg gạo, 1 thùng mì và thực phẩm. Tổng kinh phí của chương trình hơn 3 tỉ đồng. Liên quan đến chính sách hỗ trợ tiêm vắc xin cho CN, ngày 9.8, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho hay trong số 311.260 liều vắc xin Covid-19 tiêm trong đợt 4 (từ 29.7 – 15.8), Đồng Nai phân bổ 142.203 liều cho các DN trong KCN và 26.534 liều cho các DN ngoài KCN. Ngày 9.8, ngành y tế Đồng Nai tiêm vắc xin mũi 1 cho khoảng 8.500/42.000 CN Công ty TNHH Changshin VN (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) theo kế hoạch từ nay đến hết ngày 13.8. Trước đó, nhiều CN trong KCN ở Đồng Nai cũng đã được tiêm vắc xin.
Ông Nguyễn Văn Luận, Phó giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp, thông tin tỉnh có 431 DN hoạt động công nghiệp với hơn 54.000 CN, nhưng đến nay chỉ còn 105 DN hoạt động với 14.335 CN. Để CN yên tâm bám trụ sản xuất, các DN đã hỗ trợ triển khai test nhanh kháng nguyên sàng lọc Covid-19 hoặc xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp cho 100% CN. Hiện Sở đã tổng hợp đề xuất của các địa phương và BQL khu kinh tế tỉnh về nhu cầu tiêm vắc xin cho CN của 136 DN đang hoạt động với gần 15.900 CN và đã tiêm được gần 12.700 CN, đạt tỷ lệ hơn 80%.
Đề nghị phân bổ vắc xin cho công nhân
Ông Tăng Quốc Lập, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, cho biết để chương trình hỗ trợ đúng và kịp thời, LĐLĐ đã kêu gọi đoàn viên cơ sở trong khu phong tỏa tham gia lực lượng cộng tác viên, trực tiếp đi khảo sát, tìm hiểu hoàn cảnh và lên danh sách những CN ở trọ đang gặp khó khăn cần hỗ trợ lương thực. LĐLĐ cũng cử cán bộ xuống tận nơi phối hợp cùng đoàn viên cơ sở đi khảo sát và phân phát lương thực cho CN.
|
Ngày 9.8, UBND tỉnh Bình Dương đã gửi văn bản hỏa tốc đến Bộ Y tế. Theo UBND tỉnh Bình Dương, TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một và TX.Tân Uyên tập trung trên 1,2 triệu lao động và số lượng lớn nhà máy, xí nghiệp sản xuất hàng hóa trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, để đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa và đảm bảo kiểm soát dịch trong tháng 8, UBND tỉnh Bình Dương đề nghị Bộ Y tế phân bổ thêm vắc xin cho Bình Dương chống dịch.
Khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động sau khi khống chế dịch là rất lớn
Trả lời Thanh Niên ngày 9.8, ông Phạm Anh Thắng, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH phía nam, Thường trực Tổ công tác đặc biệt của Bộ LĐ-TB-XH, cảnh báo tại 19 tỉnh, thành phía nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, có 195 KCN, 1 khu công nghệ cao, 97 cụm công nghiệp với tổng số NLĐ khoảng 2,6 triệu người. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát và áp dụng Chỉ thị 16, số lượng lớn lao động phải ngưng việc, mất việc đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lao động vẫn ở lại để tìm kiếm cơ hội việc làm nhưng chưa được hỗ trợ kịp thời, rất nhiều lao động đã trả phòng trọ về quê tránh dịch và tìm việc làm mới. Do vậy, khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động sau khi khống chế được dịch đối với khu vực phía nam là rất lớn.
Đức Nguyễn
Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM cũng ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 cho NLĐ để sẵn sàng quay lại sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát. Ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch thường trực LĐLĐ TP.HCM, nhìn nhận việc giữ chân NLĐ là một phần trong chuỗi cung ứng lao động của TP và lớn hơn là chiến lược nguồn nhân lực của quốc gia. Trong đó, việc cần ưu tiên trước mắt là giúp NLĐ duy trì được cuộc sống ổn định. Ở góc độ LĐLĐ TP.HCM, công đoàn các cấp tuyên truyền NLĐ cùng chung tay chống dịch, phối hợp tổ chức tiêm vắc xin tạo tiền đề miễn dịch cộng đồng, từng bước khôi phục sản xuất.
Để giải quyết khó khăn trước mắt, ông Trung cho hay, Tổng LĐLĐ và LĐLĐ TP.HCM đã tích cực hỗ trợ NLĐ khó khăn đang sinh sống ở các khu nhà trọ; vận động chủ nhà trọ giảm giá hoặc miễn phí nhà trọ cho NLĐ; đề nghị TP miễn, giảm tiền điện, nước để qua đó giúp đỡ NLĐ ở trọ. Ngoài ra, LĐLĐ TP.HCM phát động DN chuẩn bị phương án sản xuất, đặc biệt là các khu vực có đông lao động để quay lại sản xuất an toàn trong điều kiện bình thường mới.
THANH NIÊN
TNO