27/11/2024

Bất động sản ‘hút’ dòng tiền nào trong thời gian qua?

Bất động sản ‘hút’ dòng tiền nào trong thời gian qua?

Bộ Xây dựng mới công bố Báo cáo thị trường bất động sản quý 2 vừa qua, trong đó đáng chú ý là thông tin về dư nợ tín dụng bất động sản và tình hình phát hành trái phiếu trong lĩnh vực này.
Tín dụng bất động sản trong quý 2 tăng không nhiều so với quý 1 /// Ảnh Lê Quân
Tín dụng bất động sản trong quý 2 tăng không nhiều so với quý 1  ẢNH LÊ QUÂN

Tín dụng bất động sản tăng chậm

Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, Báo cáo thị trường bất động sản quý 2 của Bộ Xây dựng nêu, tính đến 30.6, dự nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 672.200 tỉ đồng, tăng hơn không nhiều so với con số hơn 661.100 tỉ đồng tính đến 31.3.
Cụ thể, dư nợ tín dụng đối với các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà đạt trên 166.500 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 24,8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. Tiếp đó, dư nợ tín dụng trong các dự án văn phòng cho thuê đạt gần 55.000 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 8,2% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng tại các dự án nhà hàng, khách sạn đạt hơn 53.500 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 8% tổng dư nợ tín dụng trong kinh doanh bất động sản. Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán đạt hơn 99.500 tỉ đồng, chiếm 14,8% tổng dư nợ tín dụng trong kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng cho vay mua quyền sử dụng đất đạt hơn 53.100 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 7,9% tổng dư nợ tín dụng trong kinh doanh bất động sản. Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt gần 27.500 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 4,1% tổng dư nợ tín dụng đối với kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng trong các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt trên 26.200 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 3,9% tổng dư nợ tín dụng đối với kinh doanh bất động sản. Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt hơn 190.700 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 28,3% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu chỉ ít hơn ngân hàng

Về tình hình phát hành trái phiếu trong lĩnh vực bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, theo Vụ Tài chính ngân hàng thuộc Bộ Tài chính, lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt hơn 192.200 tỉ đồng. Trong đó, TPDN phát hành riêng lẻ là hơn 176.800 tỉ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020. Khối lượng phát hành TPDN ra công chúng là hơn 15.300 tỉ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020.
Bất động sản ‘hút’ dòng tiền nào trong thời gian qua? - ảnh 1

Doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh phát hành trái phiếu khi vốn từ ngân hàng bị siết chặt  ẢNH LÊ QUÂN

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng dẫn số liệu báo cáo của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam cho biết, nhóm TPDN phát hành trong nước, nhóm ngân hàng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt hơn 18.400 tỉ đồng; nhóm các doanh nghiệp bất động sản đứng ở vị trị thứ 2 với tổng giá trị phát hành đạt gần 5.000 tỉ đồng.
Nổi bật là các doanh nghiệp bất động sản như: đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng trong nước với tổng giá trị 500 tỉ đồng của Công ty CP Glexhomes; đợt phát hành ra công chúng giá trị 1.500 tỉ đồng của Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC).
Ngoài ra, trong quý có 2 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế gồm: Tập đoàn Vingroup (500 triệu USD) và trái phiếu xanh của Công ty CP Bất động sản BIM (200 triệu USD).
Trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng thì có 26% trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phần, cổ phiếu. Lãi suất phát hành trái phiếu bất động sản chủ yếu dao động trong khoảng 9,5 – 11%/năm.
Vào cuối quý 2, trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp phát hành tăng cao, trong đó nhóm ngành bất động sản thể hiện nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu lớn.
Bộ Xây dựng cho biết, Vụ Tài chính ngân hàng thuộc Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư TPDN riêng lẻ, tìm hiểu kỹ các điều kiện, điều khoản của trái phiếu và tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành.
Đặc biệt, cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ; doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo và nhà đầu tư cá nhân nên thận trọng với việc chào mời và cam kết của các tổ chức phân phối trái phiếu trong đó có việc xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không mua TPDN chỉ vì lãi suất cao và rủi ro cho nhà đầu tư cũng sẽ tiềm ẩn lớn khi thị trường bất động sản có biến động tiêu cực.
Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, dẫn số liệu của Bộ KH-ĐT, Báo cáo thị trường của Bộ Xây dựng nêu, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20.6 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,27 tỉ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 liên tục bùng phát, tốc độ tăng tín dụng của nhiều ngành đều chậm, trong đó có bất động sản. Bên cạnh đó, tín dụng bất động sản cũng chịu tác động từ chính sách siết chặt giám sát từ phía ngành ngân hàng nên khó gia tăng. Đồng thời, trong thời gian dài, số lượng dự án bất động sản mới không nhiều nên ít phát sinh nhu cầu. Trong tương lai, khi dịch bệnh Covid-19 bị đẩy lùi, cùng với những cơ chế chính sách mới, tốc độ tăng tín dụng của bất động sản sẽ gia tăng mạnh hơn.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cho biết khi dòng vốn từ nguồn chính là các ngân hàng bị siết thì từ năm 2019, 2020 các doanh nghiệp bất động sản cần vốn, buộc đẩy mạnh tìm kiếm nguồn vốn mới. Trong đó, đáng kể nhất là từ phát phát hành trái phiếu, FDI. Tuy nhiên, trong phát hành trái phiếu còn tiềm ẩn rủi ro về trái phiếu riêng lẻ, lãi suất cao nhưng không có tài sản đảm bảo…
LÊ QUÂN
TNO