Trung Quốc thông báo hàng loạt cuộc tập trận ở Biển Đông
Trung Quốc thông báo hàng loạt cuộc tập trận ở Biển Đông
Các thông báo đăng trên website của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) cho thấy nước này tiến hành ít nhất 5 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có cả tập trận phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Cụ thể, theo thông báo được đăng trên website của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) ngày 4.8, một cuộc tập trận sẽ diễn ra từ 0 giờ ngày 6.8 đến 24 giờ ngày 10.8 ở Biển Đông.
Kết quả đối chiếu các tọa độ giới hạn khu vực tập trận được nêu trong thông báo cho thấy khu vực đó gồm một phần trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Cũng trong ngày 4.8, MSA đăng thông báo rằng một cuộc tập trận sẽ diễn ra ở vịnh Bắc bộ từ ngày 9-12.8. Kết quả đối chiếu tọa độ giới hạn khu vực tập trận cho thấy khu vực đó nằm gần phía Trung Quốc.
Chưa hết, MSA hôm nay 5.8 đăng 3 thông báo về các cuộc tập trận khác nhau ở phía bắc Biển Đông, gồm 1 cuộc diễn ra hôm nay, 1 cuộc diễn ra vào ngày mai 6.8 và một cuộc diễn ra từ ngày 6-8.8.
Tính từ đầu năm đến nay, quân đội Trung Quốc (PLA) tiến hành hoặc lên kế hoạch ít nhất 30 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có 11 cuộc tập trận ở vịnh Bắc bộ, theo các thông báo được đăng trên website của MSA.
Trong năm 2020, PLA tiến hành ít nhất 20 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có 9 cuộc tập trận ở vịnh Bắc bộ và 5 cuộc tập trận trái phép xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, theo các thông báo được đăng trên website của MSA.
Chiều 5.8, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc thông báo tập trận ở bắc Biển Đông, trong đó có bao gồm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Trung Quốc đang vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Bà Hằng khẳng định, việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là “đi ngược lại lại tinh thần tuyên bố ứng cử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông, và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biên Đông”.
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; chấm dứt, và không tái diễn hoạt động vi phạm tương tự làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Cũng theo bà Hằng, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
VĂN KHOA
TNO