Thí sinh tốt nghiệp đặc cách được xét tuyển đại học thế nào?
Thí sinh tốt nghiệp đặc cách được xét tuyển đại học thế nào?
Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn về công tác tuyển sinh 2021 trong tình hình dịch Covid-19, trong đó quy định cụ thể việc xét tuyển sinh đối với thí sinh tốt nghiệp diện đặc cách, vì không dự thi tốt nghiệp cả 2 đợt do Covid-19.
Chiều nay, 30.7, Bộ GD-ĐT đã gửi công văn tới các cơ sở đào tạo hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021 trong tình hình dịch Covid-19. Trong công văn, ngoài nội dung điều chỉnh lịch tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các trường thực hiện xét tuyển với thí sinh thuộc diện đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2021.
Theo Bộ GD-ĐT, để đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh thuộc diện đặc cách xét công nhận tốt nghiệp do không thể tham dự 2 đợt thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (sau đây gọi là thí sinh đặc cách) được tham gia xét tuyển ĐH, các trường sẽ thực hiện điều chỉnh, bổ sung phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh dành riêng cho đối tượng thí sinh đặc cách.
Về chỉ tiêu tuyển sinh, các trường xác định khu vực xét tuyển chủ yếu làm căn cứ tính toán; dành lại một số chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành, chương trình đào tạo tương ứng tỷ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH.
Sau khi hoàn thành tổ chức đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT sẽ công bố danh sách các học sinh thuộc diện đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2021 và các số liệu cần thiết khác của các địa phương để các trường có căn cứ tính toán.
Đối với các ngành, chương trình đào tạo có nhu cầu lớn, điểm chuẩn các năm trước thường cao (do trường xác định và chịu trách nhiệm giải trình) và các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, trường có thể xét tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định sau lịch xét tuyển chung dựa trên kết quả 2 đợt thi tốt nghiệp THPT, đồng thời được bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh cho mỗi ngành, chương trình đào tạo này tương ứng tỷ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH (thuộc khu vực xét tuyển chủ yếu của trường).
Sẽ dùng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển
Các trường căn cứ lịch tuyển sinh được điều chỉnh và tình hình thực tiễn để xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung phương thức xét tuyển phù hợp với yêu cầu của mình và tạo thuận lợi cho thí sinh, trong đó có phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT, dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của 2 đại học quốc gia (dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 9) và các phương thức khác do trường quyết định và chịu trách nhiệm giải trình.
Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với 2 đại học quốc gia và các địa phương tính toán, xác định thời gian, địa điểm thi đánh giá năng lực cho nhóm đối tượng thí sinh đặc cách. 2 đại học quốc gia sẽ công bố các thông tin để thí sinh đăng ký dự kỳ thi đánh giá năng lực, kèm theo đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các cơ sở đào tạo có sử dụng kết quả kỳ thi.
Các trường công bố đề án tuyển sinh đã được bổ sung, điều chỉnh trước 10.8; tổ chức cho thí sinh đặc cách đăng ký nguyện vọng xét tuyển theo phương thức tuyển sinh của trường. Trong trường hợp có sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của 2 đại học quốc gia, trường chủ động liên hệ và phối hợp với hai đại học quốc gia trong việc tổ chức cho thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển và tổ chức xét tuyển.
Các trường xét tuyển riêng với đối tượng thí sinh đặc cách đã được Bộ GD-ĐT công bố trên cơ sở chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh đã xác định theo hướng dẫn nói trên. Việc xét tuyển phải đảm bảo tuân thủ theo quy chế tuyển sinh hiện hành (điều kiện xét tuyển, chính sách ưu tiên, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào…). Trong trường hợp có cùng phương thức và tiêu chí xét tuyển như các đối tượng dự tuyển khác ở các đợt xét tuyển khác trong năm tuyển sinh của cơ sở đào tạo thì điều kiện trúng tuyển phải được xác định là như nhau đối với từng ngành, chương trình đào tạo.
Các trường thuộc khối an ninh, quốc phòng thực hiện theo quy định và hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
QUÝ HIÊN
TNO