23/11/2024

Tiến thoái lưỡng nan với ‘3 tại chỗ’

Tiến thoái lưỡng nan với ‘3 tại chỗ’

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, thực tế các doanh nghiệp áp dụng phương án “3 tại chỗ” vẫn chưa thực sự an toàn như kỳ vọng.
Nhiều nhà máy đã "vào guồng" 3T ngay từ những ngày đầu có quy định /// ĐỘC LẬP
Nhiều nhà máy đã “vào guồng” 3T ngay từ những ngày đầu có quy định ĐỘC LẬP

“3 tại chỗ” lại thành ổ dịch mới

Ngày 29.7, UBND tỉnh Tiền Giang có công văn yêu cầu tạm ngừng hoạt động với các doanh nghiệp (DN) trong cụm, khu công nghiệp (KCN) đang có phương án “3 tại chỗ” (3T). Lý do theo công văn này nêu là trong tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19 và thực tế việc “thực hiện 3T của các DN trong cụm, KCN đã để phát sinh nhiều ổ dịch trong các nhà máy”. Thế nên, từ ngày 5.8 tới đây, tỉnh này quyết định cho toàn bộ DN trong các KCN tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh cho đến khi có thông báo mới. Yêu cầu chậm nhất đến ngày 4.8, các DN trong cụm, KCN phải sắp xếp hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu hoạt động của DN và tổ chức xét nghiệm tầm soát Realtime RT-PCR cho toàn thể công nhân và người quản lý trước khi tạm dừng hoạt động.
Trước quy định mới này của UBND tỉnh Tiền Giang, một số DN sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản trong các KCN tại Tiền Giang cho biết, họ có đến 6 ngày để xoay xở trước khi ngưng hoạt động nhưng không dễ. Đại diện một DN đang sản xuất thức ăn chăn nuôi tại KCN ở Tiền Giang cho biết: “Năng lực một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi không thể “chạy dồn” sản lượng cung ứng cho khách hàng đủ dùng cho 3 – 4 tuần tới. Bởi mỗi nhà máy có đến 30 – 40 sản phẩm thức ăn dùng cho chăn nuôi, điều này là vượt hoàn toàn ngoài khả năng của các nhà máy. Mà nếu như vậy, hai sản phẩm thức ăn chăn nuôi và thủy sản trong thời gian tới lại càng khó khăn, thiếu hụt hơn”.
Hôm qua (30.7), trên diễn đàn của các hội chăn nuôi truyền nhau văn bản của Hội Chăn nuôi tỉnh Tiền Giang gửi Sở NN-PTNT tỉnh này về việc đóng cửa KCN (trong đó có nhà máy thức ăn chăn nuôi). Hội chăn nuôi tỉnh này lo lắng, thức ăn chăn nuôi là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất chăn nuôi, được cung ứng hằng ngày, là mặt hàng thiết yếu phục vụ chăn nuôi không thể thiếu. Hiện tại KCN Mỹ Tho là nơi có nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi phục vụ nhu cầu sản xuất trong địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Thế nên, việc đóng cửa KCN làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi cho tỉnh nhà. Chưa kể các phương tiện lưu thông bằng xe cá nhân chở vật tư chăn nuôi, thuốc thú y, tinh heo… không di chuyển đến trang trại để phục vụ kịp thời cho sản xuất. Từ những lý do trên, Hội Chăn nuôi tỉnh Tiền Giang đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh xem xét kiến nghị UBND tỉnh có hướng tháo gỡ khó khăn, giúp ổn định sản xuất.
Tương tự, tại TP.HCM, DN tổ chức sản xuất theo 3T, khi xét nghiệm vẫn ra 43 ca F0, buộc phải đóng cửa, ngưng hoạt động như từng xảy ra với bộ phận đóng gói, pha lóc của Công ty CP Vissan. Nhà máy giết mổ của Vissan cung cấp khoảng 10% lượng thịt heo ra thị trường TP.HCM, tuy nhiên, hơn 1 tuần qua, công ty này không cung cấp thịt pha lóc, đóng vỉ mà chỉ đưa heo mảnh (heo làm xong xẻ đôi, bỏ đầu) ra thị trường với sản lượng cũng giảm mạnh. Mới đây, tại Bình Dương và Đồng Nai, một số DN áp dụng sản xuất theo 3T cũng có hàng trăm công nhân xét nghiệm có kết quả dương tính.

Nâng cao ý thức công nhân

Tổ chức được sản xuất theo phương án 3T là nỗ lực không nhỏ của DN. Thế nhưng, trong quá trình hoạt động, một số bị bùng phát các ca F0 buộc phải đóng cửa để thực hiện lại các công tác phòng chống dịch. Nhiều DN đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan” khi bỏ ra số tiền không nhỏ để đầu tư tổ chức sản xuất 3T, nay nhà máy đóng cửa, đơn hàng vẫn bị chậm.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh, nêu quan điểm, thực tế việc áp dụng 3T hoặc “1 cung đường – 2 điểm đến” vẫn rất hiệu quả nếu ý thức của một công nhân, tính kỷ luật của DN được nâng cao. Ông kể: “Có nhà máy đối tác của chúng tôi với quy mô 200 công nhân, tổ chức sản xuất theo mô hình 3T được 1 tuần, phát hiện 178 ca F0. Qua trích camera thì thấy công nhân tuy được tổ chức ăn, nghỉ, làm việc trong nhà máy, nhưng vẫn đặt hàng ăn bên ngoài. Người giao thức ăn lại không giao tại cổng, có quy tắc 5K rất chặt chẽ mà là giao ở hàng rào nhà máy. Nhà máy hàng rào dài mênh mông, mỗi ngày giờ trưa, tan tầm, công nhân vẫn lén mua thức ăn, nước uống giao qua hàng rào như vậy, thậm chí vừa lấy hàng vừa trao đổi nói chuyện. Covid-19 lọt vào nhà máy có thể từ những tiếp xúc này mà thôi. Như vậy, công tác quản lý công nhân không chặt cho dù tổ chức 3T vẫn bị hậu quả ngoài mong muốn”, ông Tống chia sẻ.

3T kéo dài khiến nền sản xuất tê liệt, đứt gãy

Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA) mới đây đề xuất giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch SACA, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, cho biết toàn bộ các dự án của tập đoàn và nhiều DN xây dựng khác tại TP.HCM đều phải ngừng thi công do không thể đáp ứng được các điều kiện đưa ra để thực hiện theo phương châm “3 tại chỗ” và “1 cung đường -2 điểm đến”. Từ ngày 1.8, TP.HCM cho phép F0 không có triệu chứng và F1 cách ly tại nhà. Chính sách nay đã khác rất nhiều so với lúc trước là khoanh vùng, truy vết, dập dịch. Như vậy, cách quản lý với DN cũng sẽ khác. Phương án 3T đang không giải quyết hoàn toàn việc chống dịch mà giá phải trả quá lớn là khiến nền kinh tế tê liệt, sản xuất đứt gãy.
“Theo tôi, không nên giãn cách xã hội theo cách cũ là đưa hết dân vào trong khu tập trung, hoặc rào chắn các xóm, hẻm biệt lập nữa mà nên sử dụng hệ thống giám sát những người cách ly tại nhà qua tổ trưởng tổ dân phố, gia đình hàng xóm người đang là F0, tự cách ly ở nhà. Công nhân F0 tự báo cáo, cách ly tại nhà với hệ thống giám sát tại địa phương cùng sự phối hợp của DN. Có thể thay “3 tại chỗ” bằng 3T khác, đó là tự phát hiện, tự cách ly và tự chăm sóc. Biện pháp mạnh đã làm tê liệt gần như toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không giúp giảm rủi ro về lây nhiễm dịch và thực tế chúng ta chấp nhận có F0, F1 ngoài bệnh viện, khu cách ly. Chúng ta cần chuyển sang trạng thái mới, không thể siết theo cách cũ”, ông Lê Viết Hải chia sẻ.
Ông Đỗ Phước Tống ngược lại vẫn ủng hộ phương án 3T và cho rằng các DN đã làm, thực hiện rất tốt. Tỷ lệ DN bị tái F0 trong khi áp dụng 3T rất ít so với số DN đang tuân thủ phương án 3T. Song ông Tống cũng cho rằng nếu gần 20 tỉnh thành phía nam áp dụng 3T mà có F0 là đóng cửa nhà máy thì nền sản xuất đứt gãy hoàn toàn. “Nên học nước Nhật, Hàn để nâng tính tự giác của công nhân. Đó là khi phát hiện có ca F0, công nhân báo cáo và tự cách ly tại nhà với sự giám sát của địa phương. Có thể cho gắn camera ở khu phố, nhà hàng xóm giám sát người đang có trách nhiệm tự cách ly, tự ý ra ngoài, gọi điện báo công an ngay… Cho công nhân tự cách ly với sự hỗ trợ của DN, phải cam kết và tự giác, cách làm vậy nhẹ nhàng hơn và nâng cao ý thức mỗi cá nhân với cộng đồng nhiều hơn. Bên cạnh đó, DN phải nâng cao trách nhiệm quản lý 3T hiệu quả hơn, điều này phù hợp trong tình hình mới”, ông Tống nói.
Theo SACA, TP.HCM chiếm đến hơn 20% GDP của quốc gia và đóng góp gần 30% ngân sách cả nước. Nếu vẫn áp dụng theo cách chống dịch như cũ, thời gian ngưng trệ các hoạt động kinh tế kéo dài một cách không xác định, mặt khác vì chúng ta phải chấp nhận rủi ro lây lan do không còn kiểm soát triệt để F1, F0 được nữa, thì cả hai mục tiêu chúng ta đều không đạt được. Thậm chí, nếu thời gian áp dụng giãn cách kéo dài (theo nhận định mới nhất của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thì phải mất đến hàng tháng nữa), thì nhiều DN, đặc biệt DN vừa và nhỏ; những hộ kinh doanh, người buôn bán, công nhân xây dựng sống bằng thu nhập hằng ngày không thể trụ được. Riêng ngành xây dựng thì 3 năm vừa qua cũng đã gặp rất nhiều khó khăn. Giãn cách nếu kéo dài hơn nữa và không xác định thời hạn, hết lần này đến lần khác thì hậu quả sẽ khó lường.
NGUYÊN NGA
TNO