Nơi nào sinh tồn tốt nhất nếu xã hội toàn cầu sụp đổ?
Nơi nào sinh tồn tốt nhất nếu xã hội toàn cầu sụp đổ?
Nghiên cứu mới về “tình trạng hiểm họa” từ nền văn minh công nghiệp cho thấy các hòn đảo ôn đới đứng đầu bảng về nơi tốt nhất để sinh tồn nếu xã hội sụp đổ.
Tờ The Guardian ngày 29.7 dẫn nghiên cứu của Viện Bền vững toàn cầu tại Đại học Anglia Ruskin (Anh) cho thấy New Zealand, Iceland, Anh, Tasmania và Ireland là những nơi sinh tồn tốt nhất nếu xã hội toàn cầu sụp đổ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng nền văn minh nhân loại đang trong tình trạng hiểm họa do xã hội gắn kết cao và sử dụng nhiều năng lượng cùng thiệt hại môi trường gây ra bởi những đặc điểm này.
Một sự sụp đổ có thể xảy ra từ những cú sốc nhưng khủng hoảng tài chính trầm trọng, tác động của khủng hoảng khí hậu, hủy diệt thiên nhiên và thậm chí đại dịch còn trầm trọng hơn Covid-19, hoặc tổng hợp các yếu tố trên.
Để đánh giá quốc gia nào chống chọi tốt nhất nếu xảy ra sự sụp đổ trên, nghiên cứu xếp hạng các nước theo khả năng trồng lương thực cho người dân, bảo vệ biên giới trước tình trạng di cư hàng loạt ngoài ý muốn, duy trì mạng lưới điện và một số năng lực sản xuất.
Kết quả cho thấy những đảo quốc nằm trong vùng khí hậu ôn đới và đa số có mật đột dân cư thấp đứng đầu bảng.
Các tác giả cho rằng nghiên cứu làm nổi bật việc các nước phải cải thiện để gia tăng khả năng thích ứng. Theo họ, xã hội toàn cầu hóa tạo hiệu quả kinh tế nhưng làm giảm sức chống chọi và năng lực cần thiết để tồn tại nhờ thực phẩm và các lĩnh vực thiết yếu khác.
Nhiều báo đã đưa tin về việc các tỉ phú mua đất ở New Zealand để xây dựng hầm trú ẩn nếu xảy ra tận thế. “Chúng tôi không ngạc nhiên khi có New Zealand trong danh sách”, theo giáo sư Aled Jones, đồng tác giả nghiên cứu.
New Zealand đứng đầu danh sách trong nghiên cứu nhờ năng lượng địa nhiệt và thủy điện, nhiều đất nông nghiệp và mật độ dân số thấp.
Nghiên cứu cho rằng do hủy hoại môi trường, tài nguyên có hạn và gia tăng dân số, nền văn minh nhân loại đang trong tình trạng nguy hiểm. Theo ông Jones, thiệt hại lương thực toàn cầu, khủng hoảng tài chính và đại dịch đều đã xảy ra trong vài năm gần đây. “Chúng ta may mắn rằng mọi việc không xảy ra cùng lúc, dù điều đó hoàn toàn có khả năng”, ông nhận định.
Theo ông, mọi người cần bắt đầu nghĩ nhiều hơn về khả năng chống chọi trong quy hoạch toàn cầu, dù “điều lý tưởng là một sự sụp đổ nhanh không xảy ra”.
KHÁNH AN
TNO