Chợ truyền thống kinh doanh theo ngày chẵn – lẻ
Chợ truyền thống kinh doanh theo ngày chẵn – lẻ
Số chợ truyền thống tại TP.HCM liên tục bị đóng vì có ca nhiễm Covid-19 vào chợ ngày càng tăng. Tại Chỉ thị 12 của TP.HCM tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, giảm quy mô chợ còn 30% và hoạt động theo ngày chẵn – lẻ.
Quy mô giảm còn 30%
Ngày 22.7, UBND P.6, Q.10 phát thông báo tìm người đến chợ Nguyễn Tri Phương từ ngày 10 – 21.7, cá nhân đến sạp 24 Thơ bán tôm khô, cá khô liên hệ với trạm y tế để được hướng dẫn khai báo y tế do có ca F0 liên quan tại quầy sạp này. Tháng 6, chợ Nguyễn Tri Phương từng bị tạm đóng để thực hiện khử khuẩn, phòng chống dịch Covid-19 do có ca F0 vào chợ. Đến đầu tháng 7, chợ được mở cửa hoạt động trở lại với hình thức giãn cách, cũng là 1 trong 3 chợ truyền thống được mở lại sớm nhất sau thời gian tạm ngưng hoạt động để phòng dịch nhưng lại tiếp tục ngưng vì ca F0.
Theo Chỉ thị 12 của Thành ủy TP.HCM ngày 23.7, các chợ truyền thống chỉ được phép hoạt động theo mô hình mới, có quy định nghiêm ngặt và kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm không gian mở, thoáng, có màng ngăn giữa người mua và bán, niêm yết giá và khuyến khích bán hàng vào túi sẵn, thực hiện nghiêm giãn cách. Chỉ thị nêu rõ, chợ chỉ được phép kinh doanh lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và quy mô giảm còn khoảng 30%. Các hộ kinh doanh hoạt động luân phiên theo ngày chẵn – lẻ để giảm tối đa lượng người tương tác.
Trước đó, ngày 21.7, Sở Công thương TP.HCM có hướng dẫn cho TP.Thủ Đức, các quận huyện tổ chức hoạt động các chợ đảm bảo an toàn để cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn TP. Trong đó, Sở đưa ra mô hình chợ an toàn như phát phiếu vào chợ để hạn chế người vào, tổ chức cho tiểu thương kinh doanh theo hình thức luân phiên, xen kẽ. Chẳng hạn, phân chia thời điểm, vị trí bán hàng xen kẽ hoặc chia theo ngày chẵn – lẻ… mục đích giảm sự tập trung và đảm bảo giãn cách khi kinh doanh mua sắm. Ngoài ra, Sở yêu cầu các đơn vị quản lý chợ và địa phương nghiên cứu bố trí vách ngăn/màng ngăn trong suốt giữa các hộ tiểu thương, gian bán hàng, giữa người mua và bán, tiểu thương niêm yết bảng giá rõ ràng để khách thuận tiện mua sắm, phát thẻ đi chợ cho người dân 2 – 3 ngày/lần, mỗi hộ được phát 10 – 15 thẻ trong 30 ngày. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động các chợ truyền thống cũng được Sở đề cập như cài app đặt lịch đi chợ đã được thí điểm tại vài chợ khu vực TP.HCM trong thời gian qua.
Vừa bán vừa “to tim” theo Covid-19
Thực tế, mô hình phát thẻ đi chợ cho người dân theo ngày chẵn – lẻ hoặc 2 ngày/lần được nhiều địa phương áp dụng từ năm ngoái đến nay. Tại TP.HCM, trong đợt dịch lần thứ 4 này, nhiều phường tại các quận đều có tổ chức phát phiếu cho người dân đi chợ, đa số giới hạn 2 – 3 ngày/lần đi chợ. Thậm chí có những phường hôm nay phát phiếu, hôm sau chợ đã bị giăng dây, người dân chưa kịp sử dụng phiếu như tại chợ Tân Hưng (Q.Tân Bình).
Thông tin chợ Nguyễn Tri Phương có ca nhiễm trở lại khiến không ít bà nội trợ từng đến chợ trong thời gian qua lo lắng. Ngày 23.7, bà Diệp (ngụ chung cư Hòa Bình, Q.10) cho biết: “Tôi đến chợ vào ngày 20.7, chủ yếu mua rau, không ghé quầy đồ khô theo thông báo của UBND phường, nhưng về tâm lý, hơi e ngại. Chỉ thị 12, tăng cường siết hoạt động chợ, yêu cầu có màng ngăn giữa người mua và bán… rất cần thiết. Dịch lây nhiễm từ các giọt bắn, việc có màng ngăn, cuối ngày xịt khử khuẩn bằng cồn cũng là một cách để phòng chống dịch. Nên thực hiện đồng bộ, vì ngay chợ Nguyễn Tri Phương hôm tôi đi có thấy, không phải quầy hàng nào cũng có vách ngăn, nếu theo quy định của Chỉ thị 12, thì hơn 70% tiểu thương tại chợ này buộc ngưng hoạt động”.
Trưa 23.7, sau khi rời chợ về nhà lúc 11 giờ 30, qua điện thoại, bà Sáu (ngụ đường Hàn Hải Nguyên, Q.11), kinh doanh rau củ quả tại chợ Bình Thới (Q.11), cho hay các thủ tục vào ra chợ nay rất nhiều. Từ sát khuẩn, khai báo, đo nhiệt độ, khoảng cách đến việc tiểu thương chỉ được bán một ngày, nghỉ một ngày để cho người khác bán, theo hình thức luân phiên… “Mất thêm chút thời gian, bán chỉ bằng nửa thời gian so với trước, khách đến chợ cũng đìu hiu hơn, giảm nhiều lắm, nhưng phải ra chợ, phải giữ mối lái, nghỉ lâu quá họ quên mình, mình cũng quên họ luôn, trong khi đây là nghề “đong gạo” cho cả nhà ngày 3 bữa suốt 25 năm qua”. Hỏi đi bán vậy có sợ dịch không? Bà nói ngay: “Vừa kinh doanh vừa thấp thỏm đến “to tim”. Hôm qua nghe chợ bên Q.10 (chợ Nguyễn Tri Phương – PV) mới mở 2 tuần đóng cửa lại vì có Covid-19. Họ làm kỹ đến vậy rồi Covid-19 vẫn lọt vô. Chị em tiểu thương chợ Bình Thới tụi tui tự bảo nhau, đi một đường, về một đường. Mua bán giữ khoảng cách và khẩu trang 24/24 để an toàn, còn có cái mà làm ăn kiếm tiền trong mùa dịch”.
Bà Thiện (68 tuổi, ngụ đường Nguyễn Thị Nhỏ, Q.Tân Bình) được con cháu ví là “kiện tướng” đi chợ, bởi khi không có dịch, sáng đi bộ thể dục về là bà ghé chợ mua thức ăn tươi mỗi ngày. Những ngày dịch Covid-19 tái bùng phát, bà ngày đi, ngày nghỉ. Hôm chợ Tiên Phước có ca F0 vào chợ, chợ tạm đóng. Bà nghỉ ở nhà đúng 4 ngày, sang ngày thứ 5, gọi cháu chở sang chợ Bình Thới, chợ dân sinh duy nhất trong khu vực còn hoạt động, để mua thức ăn. Bà nói: “Không đi chợ thì con cháu không có cái rau mà ăn. Nay 3 – 4 ngày mới đi chợ 1 lần, nhưng nói thật giờ tuổi này rồi, đi chợ hơi ngại. Mấy đứa con không cho đi, từ ngày mai thì ở nhà luôn để nhà nước chống dịch. Có muối ăn muối, có mắm ăn mắm. Mình tuổi cao, đi có mệnh hệ gì hối hận không kịp”.
Áp dụng mô hình chợ an toàn
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương, phân tích: “Có nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong hoạt động chợ, siêu thị ngay mùa dịch do tính chất hoạt động tập trung đông người. Nhưng, không vì vậy mà chúng ta chấp nhận để các địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân tiếp tục đóng cửa. Ngoài áp dụng mô hình chợ an toàn phân luồng theo ngày chẵn – lẽ, các quầy sạp dựng vách ngăn, phân luồng, bán hàng đồng giá… giúp hạn chế tối đa tiếp xúc giữa người mua và bán sẽ đảm bảo an toàn cao nhất. Mở lại các chợ an toàn vừa chia sẻ áp lực cho siêu thị, vừa giảm nguy cơ lây nhiễm trong siêu thị.
Việc TP.HCM tăng cường siết các biện pháp chống dịch, theo chuyên gia môi trường Nguyễn Đăng Anh Thi (Canada) là điều cần thiết. Ông nói việc duy trì được chợ truyền thống tồn tại lâu dài an toàn ổn định hay không trong mùa dịch phụ thuộc phần lớn vào việc tuân thủ khoảng cách, một K trong 5K mà Bộ Y tế quy định. Quan sát cho thấy, đa số người đi chợ tại chợ truyền thống Việt Nam trong mùa dịch chưa thực sự áp dụng nguyên tắc khoảng cách vật lý theo yêu cầu.
Theo Sở Công thương, trong 12 ngày (11 – 22.7) giãn cách toàn TP, Sở đã tổ chức được 798 điểm bán hàng lưu động trên địa bàn các quận huyện, TP.Thủ Đức, tổng lượng hàng hóa cung cấp là 415 tấn thực phẩm các loại và 120.700 quả trứng. Bên cạnh đó là hàng chục tấn rau củ quả các loại được các điểm bưu điện Viettel Post, VN Post tổ chức phân phối rất hiệu quả. Thế nên, trong 15 ngày tới, khi TP tiếp tục nâng mức phòng chống dịch cao hơn hy vọng nguồn hàng hóa phục vụ người dân không bị đứt gãy nhiều nữa.
Trong siêu thị, phòng họp hay vị trí công cộng, nếu giả định tâm vòng tròn và phải duy trì khoảng cách 2 m với người bên cạnh. Lúc đó, diện tích chiếm chỗ của mỗi người chính là diện tích hình tròn 12,5 m2. Nếu một siêu thị dành ra 1.250 m2 cho diện tích lưu thông sẽ chỉ được phép hiện diện tối đa 100 người cùng lúc. Tương tự, chợ cũng vậy, nếu việc duy trì khoảng cách vật lý khó đảm bảo, giải pháp lắp tấm chắn là một trong những biện pháp giúp giảm rủi ro lây truyền vi rút cần áp dụng tại chợ truyền thống lúc này.
NGUYÊN NGA
TNO