Giới quan sát hy vọng hướng đi và chính sách tiếp theo của CHDCND Triều Tiên sẽ được hé lộ sớm nhất vào ngày 1.1, thời điểm nhà lãnh đạo Kim Jong-un đọc thông điệp năm mới. Hơn bao giờ hết, các bên liên quan như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao sự kiện này để phân tích, mổ xẻ từ nội dung bài phát biểu đến cách chọn trang phục của ông Kim nhằm chuẩn bị cho những bước đi trong năm 2019. Thanh Niên đã tiếp xúc với các chuyên gia Mỹ và Hàn Quốc, những người làm việc tại các viện chính sách đóng vai trò cố vấn cho chính phủ hai nước về vấn đề Triều Tiên.
Những mối đe doạ chực chờ
Trong số các chuyên gia, ông David Maxwell là một người đặc biệt. Chuyên gia cấp cao về Triều Tiên và Đông Á của Quỹ bảo vệ các nền dân chủ (FDD) tại Washington D.C đã phục vụ trong quân đội Mỹ suốt 30 năm, với hơn 20 năm tại châu Á, trước khi về hưu với hàm đại tá lực lượng đặc nhiệm. Trong 5 lần được điều động đến bán đảo Triều Tiên, ông tham gia hoạch định kế hoạch về sự bất ổn và nguy cơ sụp đổ của chính quyền Bình Nhưỡng. Khi trao đổi với Thanh Niên, ông cho rằng dù nhiều người Mỹ cổ súy cho sự sụp đổ của giới lãnh đạo Triều Tiên, nhưng đó thực sự là viễn cảnh vô cùng tồi tệ và có thể đẩy bán đảo đến bờ vực huỷ diệt.
Chuyên gia Maxwell (ảnh) phân tích rằng việc liên quân Hàn – Mỹ thời gian qua liên tục hủy bỏ các cuộc tập trận chung để thuyết phục Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán sẽ ảnh hưởng đến năng lực sẵn sàng tác chiến của các bên. Chẳng hạn, cuộc tập trận Người bảo vệ tự do Ulchi vô cùng quan trọng. Ông chỉ ra dù hoạt động này chủ yếu dựa trên các mô hình máy tính, nhưng nó cho phép cấp tư lệnh của Hàn Quốc và Mỹ hoạch định, diễn tập các viễn cảnh bảo vệ Hàn Quốc trước nguy cơ tấn công từ miền Bắc. Cấp chỉ huy của 3 lực lượng trên bán đảo Triều Tiên, bao gồm lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, Bộ Chỉ huy LHQ và lực lượng liên quân Mỹ – Hàn, thiếu hẳn sự chuẩn bị trong trường hợp xấu nhất, mà theo ông Maxwell là “một sự hy sinh to lớn” chỉ để làm hài lòng ông Kim Jong-un.
|
Theo đại tá Maxwell, chính quyền do ông Kim Jong-un lãnh đạo chỉ có thể sụp đổ nếu xuất hiện hai điều kiện: thứ nhất Bình Nhưỡng mất đi sự ủng hộ của quân đội và thứ hai là gia tộc họ Kim không còn đủ khả năng lãnh đạo nước này. “Nếu như xảy ra, ông Kim Jong-un có thể cho rằng đã đến lúc phát động chiến tranh vì đây là sự lựa chọn duy nhất trong tình cảnh đó”, đại tá Maxwell nhận định. Chuyên gia Mỹ cũng đề cập đến nguy cơ chiến tranh tái diễn trên bán đảo Triều Tiên và khẳng định sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây giúp ngăn chặn chiến tranh bùng nổ, đồng thời lý giải nguyên nhân Bình Nhưỡng kiên trì phát triển vũ khí hạt nhân.
Giáo sư Gregg Brazinsky, Giám đốc chương trình nghiên cứu châu Á của Đại học George Washington, đặt ra một câu hỏi có tính then chốt: Triều Tiên trên thực tế trong tình trạng chiến tranh suốt 70 năm và phải đối mặt với đối thủ nắm trong tay quân đội mạnh nhất thế giới, rơi vào tình trạng bị cô lập suốt từng ấy năm, và vũ khí hạt nhân là phương tiện duy nhất mà họ có thể trông cậy vào, thì liệu quốc gia ấy có muốn từ bỏ không. “Tôi cho rằng họ có thể, nhưng (Mỹ và đồng minh) cần phải thay đổi không khí an ninh tại Đông Bắc Á. Tuy nhiên, tôi không nghĩ họ sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân trong 2 năm, mà cần đến 20 – 30 năm kiên trì xây dựng lòng tin”, Giáo sư Brazinsky nhận định với Thanh Niên. Qua những gì đã và đang diễn ra, ông cho rằng Triều Tiên đang bắn đi các tín hiệu cho thấy họ sẵn sàng đi theo hướng này. Tuy vậy, ông lo ngại chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng cách tiếp cận quá cứng rắn như buộc phải giải giới hạt nhân trước khi dỡ bỏ cấm vận, thì khó phá bỏ được thế giằng co như lâu nay.
Chờ đợi gì trong năm 2019 ?
Giám đốc Viện Asan về nghiên cứu chính sách, tiến sĩ James Kim cho hay hiện tại Mỹ dường như tập trung vào nỗ lực tìm kiếm đối thoại với Triều Tiên. Tuy nhiên, quyết định có ngồi vào bàn đàm phán hay không lại tùy thuộc vào Bình Nhưỡng. Theo tiến sĩ Kim: “Không sớm thì muộn chính quyền Tổng thống Trump sẽ nói rõ với đối phương rằng cánh cửa thời gian cho đàm phán sẽ không mở ra mãi mãi”. Ông cũng cho rằng mọi việc phụ thuộc vào phản ứng của Bình Nhưỡng về các cuộc đối thoại và cả cuộc gặp lần hai giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un”. Tờ Dong-A Ilbo của Hàn Quốc ngày 24.12 cũng dẫn nguồn tin chính phủ cho biết Mỹ quyết định thử tìm kiếm đối thoại một lần cuối cùng với Triều Tiên và dành thêm 3 tháng cho nỗ lực này.
Về phần mình, đại tá Maxwell cho rằng khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh kế tiếp giữa ông Trump và ông Kim dường như khá khẩm hơn viễn cảnh thiết lập được kênh làm việc chính thức để thảo luận các điều khoản chi tiết nhằm thực thi tuyên bố chung tại Singapore hồi tháng 6. Ông Maxwell đánh giá lãnh đạo Kim, Tổng thống Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in đang tiến hành một mô hình ngoại giao “không chính thức, phi truyền thống, mới mẻ và trong giai đoạn thực nghiệm”. Bản thân chủ nhân Nhà Trắng là nhà thương thuyết tài ba và ông Kim Jong-un nghĩ rằng có thể đạt được điều mình muốn bằng cách đàm phán trực tiếp với tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, đại tá Maxwell cho đây là kết luận sai lầm.
Theo chuyên gia này, ông Trump sẽ không ký kết thỏa thuận mà chưa qua sự thẩm định của giới chuyên môn, nhóm chịu trách nhiệm hoạch định các khâu nền tảng cho việc đàm phán, xây dựng khung hành động, vạch ra nghị trình làm việc. Tất cả đều là công việc của tổ thương thuyết hai bên, và họ cần phải gặp nhau nếu muốn thảo luận thật sự chi tiết về các điều khoản liên quan. “Kênh làm việc đóng vai trò vô cùng then chốt, và việc hai bên chưa ngồi lại với nhau là điều đáng phải suy ngẫm. Trách nhiệm đang đè nặng trên đôi vai của ông Kim Jong-un và bước đi đầu tiên cần phải làm chính là thiết lập kênh này”, đại tá Maxwell nói với Thanh Niên.
THUỴ MIÊN