24/11/2024

Thực phẩm thiết yếu tại TP.HCM vẫn căng thẳng: Bài học từ Bắc Giang, Hải Dương

Thực phẩm thiết yếu tại TP.HCM vẫn căng thẳng: Bài học từ Bắc Giang, Hải Dương

Là “tâm dịch” của cả nước trước khi TP.HCM bùng dịch, Bắc Giang đã có một loạt bài học kinh nghiệm trong việc không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản cho bà con nông dân. Lớn nhất là bài học tiêu thụ vải thiều.
Thành công của Bắc Giang nhờ tỉnh sớm kiến nghị Chính phủ cho phép mở “luồng xanh” cho vải thiều Bắc Giang. /// Ảnh Hoàng Phan
Thành công của Bắc Giang nhờ tỉnh sớm kiến nghị Chính phủ cho phép mở “luồng xanh” cho vải thiều Bắc Giang. ẢNH HOÀNG PHAN
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, năm 2021, sản lượng vải thiều tiêu thụ đạt 215.852 tấn (tương đương tăng 30,8% so với năm 2020). Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.821 tỉ đồng, trong đó từ vải thiều ước đạt 4.274 tỉ đồng.
Thành công của Bắc Giang nhờ tỉnh sớm kiến nghị Chính phủ cho phép mở “luồng xanh” cho vải thiều Bắc Giang. “Luồng xanh” bao gồm giấy xác nhận an toàn Covid-19, cam kết đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch với tất cả hàng hóa, phương tiện, lái xe vận chuyển vải thiều từ tỉnh (mỗi chuyến hàng đều có bộ hồ sơ chứng minh an toàn Covid-19 kèm theo). Bộ GTVT chỉ đạo các hãng hàng không trong nước hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh phân phối vải thiều từ Bắc Giang vào các tỉnh phía nam với mức giá ưu đãi trong thời gian thu hoạch chính vụ mặt hàng này (10.6 – 20.7). Ngoài ra, vải thiều được bán trực tuyến trên nền tảng online, trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế với số lượng lớn nhất từ trước tới nay (trên 6.000 tấn).
Trong khi đó, thời điểm cuối tháng 1, khi đợt dịch thứ 3 bùng phát ở Hải Dương, địa phương này phải thực hiện giãn cách xã hội khiến hàng ngàn tấn nông sản gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực phẩm Hải Dương, chia sẻ: “Khi đó, trong tỉnh xảy ra một nghịch lý: nhiều nơi ở H.Kim Thành, H.Gia Lộc, H.Cẩm Giàng… nông sản chất đầy đường không ai thu mua, trong khi nhiều khu vực phong tỏa đang rất cần rau xanh, thực phẩm. Chính vì vậy, Sở NN-PTNN và Sở Công thương đã đứng ra làm đầu mối để xử lý vấn đề này”.
Theo đó, lãnh đạo 2 sở cử cán bộ liên hệ với người dân, các tổ chức, đoàn thể ở địa phương để thu mua hoặc xin nông sản cung cấp cho những bếp ăn, khu vực cách ly. Để việc tiêu thụ nông sản được thuận lợi, theo bà Kiểm, các ngành nông nghiệp, công thương, công an đã thống nhất nhiều cách làm nhanh, hiệu quả. “Nhiều việc chưa kịp ra văn bản, lãnh đạo Sở NN-PTNN, Sở Công thương, Công an đã thống nhất miệng để anh em cấp dưới thực hiện”, bà Kiểm chia sẻ.
Tỉnh Hải Dương còn tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải lưu thông như ưu tiên tổ chức các đợt xét nghiệm Covid-19 cho lái xe vận chuyển hàng hóa nông sản.
Đến đợt dịch thứ 4, khi cây vải đặc sản vào thời kỳ thu hoạch, nhiều biện pháp hợp lý cũng đã được Hải Dương thực hiện. “Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hải Dương đã yêu cầu bảo vệ an toàn tuyệt đối cho vùng vải. Xe ra vào vùng vải Thanh Hà được kiểm tra, theo dõi y tế chặt chẽ. Chúng tôi còn đẩy mạnh việc đưa quả vải lên các sàn giao dịch điện tử, góp phần phát triển thị trường, mở rộng kênh tuyên truyền, quảng bá”, bà Kiểm chia sẻ.
TIÊU PHONG – LÊ TÂN
TNO