24/11/2024

Đông Nam Á điêu đứng với ‘sóng thần’ Covid-19

Đông Nam Á điêu đứng với ‘sóng thần’ Covid-19

Diễn biến dịch Covid-19 tại nhiều nước Đông Nam Á đang xấu đi nhanh chóng, trong khi giới chức Mỹ cảnh báo dịch bùng phát mạnh ở những vùng có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp.
Công việc chôn cất bệnh nhân Covid-19 tử vong ở Indonesia cũng đã trở nên quá tải /// REUTERS
Công việc chôn cất bệnh nhân Covid-19 tử vong ở Indonesia cũng đã trở nên quá tải REUTERS

Tâm chấn Đông Nam Á

Indonesia hiện đã trở thành một trong những tâm dịch của thế giới khi liên tục ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất ở châu Á và toàn cầu. Với hơn 50.000 ca nhiễm và hơn 1.000 ca tử vong mỗi ngày, Bộ trưởng Indonesia phụ trách đầu tư và hàng hải Luhut Pandjaitan xác nhận nước này đang trong kịch bản xấu nhất về đại dịch Covid-19. Ông cho hay chính phủ Indonesia đã chuyển đổi nhiều tòa nhà thành cơ sở cách ly, huy động nhiều bác sĩ mới ra trường để điều trị cho bệnh nhân Covid-19, nhập khẩu ô xy và thuốc, theo Reuters.
trong khi đó, Thái Lan hôm qua tiếp tục ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm mới và 141 ca tử vong vì Covid-19 trong vòng 24 giờ, mức cao kỷ lục từ khi dịch bệnh bùng phát, theo tờ Bangkok Post. Trước tình trạng dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng do biến thể Delta của SARS-CoV-2 gây ra, chính phủ Thái Lan đã bắt đầu áp dụng lệnh cấm tụ tập đông người ở nơi công cộng trên toàn quốc và đang cân nhắc thắt chặt việc đi lại của người dân, dù lệnh phong tỏa một phần ở Bangkok và 9 tỉnh đã được áp dụng trong tuần này. Những người vi phạm lệnh cấm có thể đối diện hình phạt tối đa 2 năm tù giam hoặc mức phạt lên tới 40.000 baht (khoảng 28 triệu đồng) hoặc cả hai, theo Reuters.
Biến thể Delta cũng khiến ca nhiễm mới ở Malaysia và Campuchia tăng vọt. Bộ Y tế Malaysia hôm qua ghi nhận thêm 12.528 ca nhiễm, đánh dấu ngày thứ 5 liên tiếp nước này ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức 5 con số. Ở Campuchia, Bộ Y tế cùng ngày ghi nhận hơn 830 ca nhiễm mới trong ngày thứ 5 liên tiếp. Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Or Vandine cảnh báo biến thể Delta có thể dẫn tới thảm kịch y tế công và khiến nước này vượt quá “lằn ranh đỏ”, theo tờ Khmer Times. Trong khi đó, Philippines vừa ghi nhận những ca nhiễm biến thể Delta đầu tiên trong cộng đồng, buộc giới chức tái áp dụng những biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt tại một số khu vực.

“Đại dịch của người không tiêm vắc xin”

Biến thể Delta đã lan rộng ra khoảng 100 quốc gia và hiện trở thành biến thể thống trị trên toàn cầu, theo Reuters dẫn lời chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci. Ông cảnh báo “chúng ta đang xử lý một biến thể khủng khiếp” của Covid-19. Biến thể Delta được cho là đã làm tăng trở lại số ca nhiễm Covid-19 và chiếm hơn 80% tổng số ca nhiễm mới ở Mỹ trong thời gian gần đây, theo AFP.
Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ Rochelle Walensky hôm qua cho hay số ca nhiễm Covid-19 tăng 70% trong tuần trước đó và số ca tử vong tăng 26%, với các ổ dịch xuất hiện ở những khu vực có tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 thấp. “Tình trạng này đang trở thành một đại dịch của những người không tiêm vắc xin”, bà Walensky cảnh báo. Bà cho biết thêm 97% số người nhập viện vì Covid-19 ở Mỹ chưa tiêm vắc xin, nên bà kêu gọi người Mỹ tiêm chủng.
Trước tình trạng biến thể Delta hoành hành trong khi nhiều nước thiếu vắc xin, các nhà lãnh đạo APEC hôm 16.7 đã cam kết mở rộng việc chia sẻ và sản xuất vắc xin, theo Reuters. “Dịch bệnh tiếp tục gây ra tác động mang tính tàn phá đối với con người và kinh tế trong khu vực của chúng ta. Chúng ta sẽ chỉ vượt qua tình trạng khẩn cấp y tế này bằng cách tăng tốc việc tiếp cận bình đẳng đối với những vắc xin Covid-19 an toàn, hiệu quả, đảm bảo chất lượng và giá cả chấp nhận được”, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh trong tuyên bố chung sau cuộc họp trực tuyến do New Zealand chủ trì.
WHO kêu gọi kiểm tra phòng thí nghiệm Vũ Hán
Tờ The Guardian hôm qua đưa tin trong cuộc họp kín với đại diện các nhà nước thành viên ngày 16.7, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đề xuất 5 ưu tiên cho giai đoạn kế tiếp của cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19. Trong những ưu tiên đó có việc kiểm tra các phòng thí nghiệm liên quan và các viện nghiên cứu hoạt động ở những khu vực có ca nhiễm đầu tiên được xác định vào tháng 12.2019. Ông Tedros còn kêu gọi nghiên cứu thêm các chợ bán động vật trong và xung quanh TP.Vũ Hán (Trung Quốc), nơi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được công bố và là nơi tọa lạc của Viện Vi rút học Vũ Hán. Ông nhấn mạnh WHO muốn Trung Quốc hỗ trợ giai đoạn điều tra kế tiếp bằng cách chia sẻ tất cả dữ liệu liên quan trong tinh thần minh bạch.
VĂN KHOA
TNO