24/11/2024

Vì sao hàng trăm tấn hoa Đà Lạt xuất khẩu phải tiêu huỷ?

Vì sao hàng trăm tấn hoa Đà Lạt xuất khẩu phải tiêu huỷ?

Hàng trăm tấn hoa Đà Lạt xuất khẩu đã phải tiêu hủy để làm phân bón do Bộ NN&PTNT ra quy định cấm sử dụng hợp chất glyphosate, trong khi thị trường Úc chỉ cho phép dùng hợp chất này để xử lý chồi hoa trước khi xuất khẩu.

 

Vì sao hàng trăm tấn hoa Đà Lạt xuất khẩu phải tiêu hủy? - Ảnh 1.

Hàng trăm tấn hoa xuất khẩu đã bị tiêu hủy, làm phân bón do vướng quy định về chất xử lý hoa – Ảnh: M.VINH

Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) khẳng định việc loại bỏ hoạt chất glyphosate khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam không phải là quyết định mới mẻ, gây bất ngờ cho doanh nghiệp, mà đã được Bộ NN&PTNT ban hành từ tháng 4-2019 và có hiệu lực từ ngày 30-6-2021.

Tiêu hủy cả trăm tấn hoa xuất khẩu

Trong ngày 15-7, Công ty hoa Dalat Hasfarm (Đà Lạt, Lâm Đồng) tiếp tục mở container hoa để tiêu hủy. Từ đầu tháng 7 đến nay, công ty này đã phải tiêu hủy 3 container, số tiền bị thiệt hại lên đến 126.000 USD (gần 2,9 tỉ đồng).

Hơn một tuần trước đó, công ty hoa này và 40 hộ nông dân trồng hoa tại vùng hoa Đà Lạt phải tiêu hủy (xay làm phân bón) hơn 700.000 cành hoa cúc dù hoa đạt chất lượng xuất khẩu.

Nhiều nông dân trồng hoa tại vùng hoa Đà Lạt khá lo lắng, nhất là những nông dân đang hợp tác với một số công ty để trồng hoa xuất khẩu. Ông Nguyễn Thanh (phường 7, TP Đà Lạt) cho biết trong khi thị trường hoa nội địa ế ẩm do dịch bệnh, nông dân và doanh nghiệp chỉ còn trông chờ vào thị trường xuất khẩu. Thế nhưng xuất khẩu hoa cũng bị tắc, người trồng hoa chỉ còn biết đem hoa đi xay, đốt làm phân bón.

Trước đó, tổ kiểm dịch của Cục BVTV (thuộc Bộ NN&PTNT) đóng tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã không cấp giấy phép cho các lô hàng xuất khẩu qua Úc do được xử lý bằng glyphosate.

Toàn bộ số hoa này đều phải tiêu hủy bằng cách xay nhuyễn để ủ phân bón. Nếu trong tháng tới không xuất khẩu được, Công ty hoa Dalat Hasfarm dự kiến có thêm khoảng 2,2 triệu cành hoa phải tiêu hủy, thiệt hại khoảng 10 tỉ đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân của việc này là theo quy định của Bộ NN&PTNT, không được sử dụng hoạt chất glyphosate để triệt mầm hoa trước khi xuất bán mà phải sử dụng hợp chất thay thế. Tuy nhiên, phía Úc lại yêu cầu hoa cúc và cẩm chướng phải được sử dụng hoạt chất glyphosate để triệt mầm hoa và không chấp nhận hợp chất thay thế khác.

Theo ông Nguyễn Văn Châu – phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, trong khi chờ phía Úc chấp thuận hợp chất thay thế glyphosate, sở đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT cho phép người trồng hoa xuất sang Úc tại Lâm Đồng được sử dụng hợp chất glyphosate dưới sự giám sát của cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, đến nay Bộ NN&PTNT vẫn chưa phản hồi về đề xuất này.

Vì sao hàng trăm tấn hoa Đà Lạt xuất khẩu phải tiêu hủy? - Ảnh 2.

Hoa cúc xuất khẩu sang Úc được trồng theo một quy trình đặc biệt nhằm đạt tiêu chuẩn hoa thương phẩm của thế giới – Ảnh: M.V.

Phải loại chất gây ung thư, có hại môi trường

Ngày 14-7, ông Hoàng Trung – cục trưởng Cục BVTV – khẳng định việc loại bỏ hoạt chất glyphosate ra khỏi danh mục cũng đã có đầy đủ cơ sở, tổng hợp các thông tin từ các báo cáo khoa học từ Mỹ với rất nhiều phiên điều trần.

Phiên phúc thẩm gần nhất vẫn phán quyết đây là hoạt chất gây ung thư, nhà sản xuất bị buộc phải bồi thường cho nạn nhân 25 triệu USD. Như vậy, việc loại bỏ hoạt chất này ra khỏi danh mục là điều cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và bảo vệ môi trường.

“Bộ NN&PTNT làm đúng theo thông lệ quốc tế, khoa học và đảm bảo thời gian để doanh nghiệp thích ứng với quyết định cấm sử dụng hoạt chất glyphosate chứ không thể nói cấm là cấm, khiến doanh nghiệp không trở tay kịp. Hơn nữa, ngay từ tháng 3-2021, Cục BVTV đã có văn bản nhắc nhở các doanh nghiệp chủ động có kế hoạch thích ứng với việc cấm hoạt chất này” – ông Hoàng Trung nhấn mạnh. Đồng thời cho biết đã có nhiều văn bản trả lời và thông báo cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng, các doanh nghiệp ở Lâm Đồng… về vấn đề này.

“Tôi cũng trực tiếp làm việc với Công ty TNHH Dalat Hasfarm và yêu cầu loại bỏ glyphosate, tìm hoạt chất thay thế khác, bởi vì các nước sẽ không cho phép nhập khẩu sản phẩm có chứa hoạt chất này trong thời gian tới” – ông Trung cho biết thêm. Ngoài ra, cục này cũng đã chỉ đạo các đơn vị kiểm định tạo điều kiện tối đa, nhanh nhất để xuất khẩu, đồng thời làm việc với phía Bộ Nông nghiệp Úc, gửi toàn bộ tài liệu sang để phía Úc xem xét, thay thế cho hoạt chất glyphosate.

“Phía Úc đã đồng ý xem xét các hoạt chất thay thế glyphosate. Chúng tôi đang giao cho Phòng hợp tác quốc tế kết hợp với tham tán của Úc tại Việt Nam để đôn đốc Bộ Nông nghiệp Úc chấp thuận hoạt chất thay thế trong thời gian sớm nhất” – ông Trung nói.

Lo mất thị trường xuất khẩu lớn

Mỗi năm, từ Đà Lạt, hoa được xuất bán cho nhiều nước với 300 triệu cành hoa, đạt 60 triệu USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Úc đạt khoảng 5 triệu USD và đây là thị trường nhập khẩu hoa Đà Lạt lớn thứ 2 sau Nhật Bản.

Theo Phòng kinh tế (UBND TP Đà Lạt), Úc nhập khẩu hoa Đà Lạt suốt 23 năm qua, sản lượng đang tăng dần từng năm. Nếu vướng mắc có tính chất “đối đầu” về quy định trên không sớm được tháo gỡ, hoa xuất khẩu Đà Lạt có thể mất thị trường Úc.

MAI VINH – CHÍ TUỆ
TTO