24/11/2024

Cần 11.500 tỉ đồng mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây lên 8 làn xe

Cần 11.500 tỉ đồng mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây lên 8 làn xe

Để mở rộng 24km đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây từ TP.HCM đến thị trấn Long Thành, Đồng Nai từ 4 lên 8 làn xe cần đầu tư khoảng 11.505 tỉ đồng.

 

Cần 11.500 tỉ đồng mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 8 làn xe - Ảnh 1.

Kẹt xe trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây hướng đi trạm thu phí Long Phước sáng 30-4-2021 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tính toán đó được nêu ra trong báo cáo đầu kỳ kết quả nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng đường cao tốc vừa được Ban quản lý dự án Mỹ Thuận trình Bộ Giao thông vận tải.

Cụ thể, theo nghiên cứu của Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam – đơn vị tư vấn lập báo cáo, phạm vi mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây từ 4 lên 8 làn xe là 24km với điểm đầu tại vị trí sau cầu Bà Dạt, phường An Phú, thành phố Thủ Đức; điểm cuối tại vị trí giao cắt dự kiến với cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, thuộc thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Tư vấn kiến nghị đoạn An Phú – vành đai 2 (dài 4,5km) mở rộng ra mỗi bên 4,75m theo tiêu chuẩn đường đô thị 8 làn xe, chiều rộng nền đường 36m, tốc độ thiết kế là 100km/h.

Đoạn từ vành đai 2 – nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (dài gần 20km) mở rộng ra mỗi bên 7,5m để đạt quy mô 8 làn xe, chiều rộng nền đường 42,5m, tốc độ thiết kế 120km/h.

Riêng cầu Long Thành xây thêm 1 đơn nguyên hoàn chỉnh rộng 19,75m nằm về phía hạ lưu của cầu hiện tại để đạt quy mô tổng cộng 8 làn xe, chiều rộng cầu tổng cộng 52,5m, tốc độ thiết kế 100km/h.

Tổng mức đầu tư dự án mở rộng 24km được dự tính khoảng 11.505 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 8.306 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 405 tỉ đồng, còn lại là dự phòng, chi phí tư vấn và quản lý dự án… Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2021-2025.

Đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe cao tốc đưa vào khai thác từ năm 2015. Sau 5 năm đưa vào khai thác, tuyến cao tốc này đã quá tải, đặc biệt là các dịp lễ, tết luôn luôn xuất hiện tình trạng kẹt xe.

Theo số liệu năm 2019, lưu lượng trung bình đoạn đầu tuyến đoạn Long Phước – quốc lộ 51 của cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây tính theo xe quy đổi thành xe 5 chỗ (PCU) là 52.414 PCU /ngày đêm; ngày lễ tết, cuối tuần lưu lượng đạt gần 57.000 PCU/ngày đêm.

Trong khi đó, với quy mô hiện tại, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đáp ứng được khoảng 44.000 PCU/ngày đêm, không đáp ứng nhu cầu vận tải hiện tại cũng như trong tương lai.

Do đó từ cuối năm 2019, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo nghiên cứu mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (thuộc đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông) để đáp ứng được nhu cầu lưu thông trên tuyến, đồng bộ với sân bay Long Thành khi đi vào khai thác, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và an ninh quốc phòng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

TUẤN PHÙNG
TTO