24/11/2024

Ngân hàng Thế giới: Xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng vẫn quan trọng ở Việt Nam

Ngân hàng Thế giới: Xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng vẫn quan trọng ở Việt Nam

Lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) có cuộc họp báo trực tuyến với giới truyền thông khu vực Đông Á – Thái Bình Dương về chủ đề khôi phục kinh tế từ đại dịch COVID-19 vào sáng 15-7, giờ Việt Nam.

 

Ngân hàng Thế giới: Xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng vẫn quan trọng ở Việt Nam - Ảnh 1.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở TP.HCM ngày 9-7 – Ảnh: AFP

Phát biểu mở đầu họp báo, Chủ tịch WB David Malpass cho biết khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đang vật lộn với cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ, đó là đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tín hiệu lạc quan là WB vẫn dự đoán khu vực này tăng trưởng khoảng 4% trong năm 2021, dù tỉ lệ tăng trưởng giữa các khu vực và các quốc gia là không đồng đều.

Chủ tịch Malpass cho biết WB khuyến nghị mạnh mẽ các nền kinh tế phát triển đẩy nhanh cung cấp vắc xin cho các nước đang phát triển, đồng thời kêu gọi các nền kinh tế G20 tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển.

“Tình trạng thiếu hụt vắc xin trên toàn cầu và các vấn đề logistics có thể khiến nhiều quốc gia trong khu vực không thể bao phủ vắc xin cho phần lớn dân số cho đến năm 2024, trong bối cảnh các biến thể virus mới xuất hiện”, ông Malpass cảnh báo.

Tại buổi họp báo, phóng viên Tuổi Trẻ đặt câu hỏi về việc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại TP.HCM ảnh hưởng đến nhiều khu công nghiệp và các thành phần doanh nghiệp, WB có tư vấn gì cho thành phố cũng như Việt Nam nói chung để giảm thiểu tác động dịch bệnh, khôi phục sản xuất và đảm bảo mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế”.

Chủ tịch WB David Malpass cho biết trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh đang diễn ra ở nhiều quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, giải pháp tốt nhất cho các nước vẫn là nỗ lực tiếp cận vắc xin càng nhiều càng tốt, cũng như phân phối nhanh các nguồn vắc xin hiện có.

Ngân hàng Thế giới: Xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng vẫn quan trọng ở Việt Nam - Ảnh 2.

Hai lãnh đạo WB – ông David Malpass và bà Victoria Kwakwa – trao đổi với báo chí khu vực Đông Á – Thái Bình Dương sáng 15-7, giờ Việt Nam – Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Trả lời sâu hơn về câu hỏi của Tuổi Trẻ, bà Victoria Kwakwa – phó chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương – cho biết Việt Nam đã chống dịch rất tốt trong năm 2020, qua đó giúp Việt Nam cùng Trung Quốc nằm trong số ít quốc gia duy trì tăng trưởng dương năm ngoái.

Tuy nhiên, theo bà Kwakwa, sự xuất hiện của các biến thể mới của virus corona đã gây ra rất nhiều khó khăn cho nhiều nước, bao gồm Việt Nam, trong việc kiểm soát đại dịch.

“Việc tiếp cận vắc xin là vấn đề ngày càng cấp bách để đối phó với những biến thể nguy hiểm như Delta. Tôi nghĩ nếu Chính phủ Việt Nam có thể tiếp cận các nguồn vắc xin nhanh chóng, các đơn hàng được giao đúng hạn, và viện trợ vắc xin liên chính phủ kịp thời, Việt Nam cần ưu tiên các loại vắc xin cho các khu công nghiệp và công nhân”, bà Kwakwa đưa ra khuyến nghị.

Bà Kwakwa cho rằng trong lúc đợi nguồn vắc xin dồi dào về, các biện pháp dập dịch như cách ly, khoanh vùng, xét nghiệm mà Việt Nam đang làm rất hiệu quả “vẫn tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng”.

Phó chủ tịch WB tin rằng nếu có thể kiểm soát đợt dịch lần này, Việt Nam có thể thu lại rất nhiều lợi ích sau đó, đặc biệt là thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng điện tử.

“Dĩ nhiên Chính phủ Việt Nam cũng cần phải thực hiện tiếp tục các cải cách để tạo nền tảng cạnh tranh vững chắc cho nền kinh tế”, bà Kwakwa nhấn mạnh.

Cung cấp 20 tỉ USD cho các nước đang phát triển mua vắc xin

Chủ tịch Malpass đang phụ trách nhóm hành động của WB về cung cấp vắc xin cho các nước đang phát triển. Tham gia nhóm hành động này còn có Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Theo chủ tịch WB, ngân hàng này cam kết cung cấp các gói tài chính trị giá 20 tỉ USD cho các nước đang phát triển để mua vắc xin COVID-19. Cho đến nay, WB đã cung cấp 1,1 tỉ USD cho các quốc gia Campuchia, Indonesia, Lào, Mông Cổ, Papua New Guinea, và Philippines.

QUỲNH TRUNG
TTO