Vì sao Úc yêu cầu dùng chất gây ung thư Glyphosate xử lý hoa tươi nhập khẩu?
Vì sao Úc yêu cầu dùng chất gây ung thư Glyphosate xử lý hoa tươi nhập khẩu?
Glyphosate là chất diệt cỏ gây bệnh ung thư cho con người nhưng phía Úc vẫn yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam sử dụng để ngâm, xử lý hoa cúc, hoa cẩm chướng trước khi đến thị trường này.
Trao đổi với báo chí ngày 14.7, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), chia sẻ thông tin về sử dụng chất Glyphosate để xử lý hoa tươi cắt cành xuất khẩu vào thị trường Úc nhưng từ ngày 1.7, Glyphosate là hoạt chất diệt cỏ bị cấm sử dụng tại Việt Nam.
Ông Hoàng Trung cho biết, trong số gần 20 quốc gia nhập khẩu hoa tươi cắt cành của Việt Nam, chỉ có Úc áp dụng điều kiện, đối với 2 loại hoa cúc, hoa cẩm chướng phải sử dụng Glyphosate với tỉ lệ từ 0,25 – 0,5% pha vào dung dịch ngâm xử lý trước khi đóng gói xuất khẩu. Cơ quan kiểm dịch phía Việt Nam phải ghi rõ “lô hàng đã được xử lý bằng Glyphosate” cấp cho doanh nghiệp và đây là quy định Úc đặt ra.
Theo công bố của Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế IARC thuộc Tổ chức Y tế thế giới, Glyphosate là hoạt chất có khả năng gây ung thư (nhóm 2A) cho con người. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã cấm sử dụng hoạt chất diệt cỏ này.
Gần đây nhất, EU đưa ra yêu cầu đối với cà phê Việt Nam, mức dư lượng Glyphosate tối đa cho phép chỉ là 0,001%, nghĩa là gần như không được phép sử dụng. Nếu vi phạm, EU sẽ không nhập khẩu cà phê từ Việt Nam.
Giải thích vì sao Úc yêu cầu sử dụng chất này đối với hoa tươi cắt cành (hoa cúc, hoa cẩm chướng) từ Việt Nam, ông Hoàng Trung cho rằng, phía Úc lo ngại việc các loài thực vật, sinh vật… ngoại lai thâm nhập vào quốc gia này.
“Họ đã nghiên cứu rất kỹ về 2 loại hoa này, khi được ngâm qua dung dịch Glyphosate sẽ triệt được hoàn toàn các mầm hoa khiến nó không thể này mầm, mọc dễ để trở thành loài thực vật ngoại lai cũng như mang theo các vi sinh vật, dịch hại vào Úc”, ông Trung nói.
Trao đổi với Thanh Niên, một chuyên gia trong ngành kiểm dịch thực vật ủng hộ quy định cấm sử dụng chất diệt cỏ Glyphosate này. “Phía Úc đặt yêu cầu như thế để ngăn chặn, bảo vệ cho lợi ích của họ. Công việc xử lý hoa bằng Glyphosate được thực hiện tại Việt Nam thì trước hết người dân và môi trường nước ta chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoạt chất độc hại này”, chuyên gia này bày tỏ.
Theo ông Hoàng Trung, để tháo gỡ khó khăn xuất khẩu hoa tươi vào Úc khi quyết định cấm sử dụng Glyphosate có hiệu lực, Cục Bảo vệ thực vật đã gửi văn bản, hồ sơ khảo nghiệm của 2 hoạt chất có thể thay thế cho Glyphosate và đang chờ công nhận từ phía Úc.
Cục Bảo vệ thực vật cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, trong đó có Dalat Hasfarm, tạm thời chuyển hướng xuất khẩu những loại hoa này sang các thị trường khác đến khi có hoạt chất mới khi hiện tại, hoa tươi Việt Nam xuất khẩu đến 20 quốc gia vẫn đang duy trì bình thường, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, xuất khẩu hoa tươi cắt cành của Việt Nam vào Úc từ đầu năm đến nay đạt 9 triệu cành, bằng 1/6 so với thị trường Nhật Bản (trên 56 triệu cành).
Trước đó, ngày 9.4.2019, Bộ NN-PTNT ra quyết định công bố loại bỏ Glyphosate ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Trong Thông tư số 10/TT-BNNPTNT ngày 9.9.2020, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu các thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate không được sản xuất, nhập khẩu và chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 30.6.2021.
PHAN HẬU
TNO