HỎI – ĐÁP về dịch COVID-19: Phụ hồ không hợp đồng có coi là lao động tự do được hỗ trợ?
HỎI – ĐÁP về dịch COVID-19: Phụ hồ không hợp đồng có coi là lao động tự do được hỗ trợ?
Nhiều ý kiến thắc mắc rằng bảo mẫu làm việc tại các trường học; phụ hồ làm việc cho các chủ thầu… không có giao kết hợp đồng lao động có phải là lao động tự do được hỗ trợ theo nghị quyết 09 của HĐND TP hay không?
Đại diện Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM cho biết người lao động làm việc cho chủ sử dụng lao động như bảo mẫu tại các trường học, phụ hồ làm cho các chủ thầu… không có giao kết hợp đồng không phải là lao động tự do. Lao động tự do phải là người tự làm việc bên ngoài như bán hàng rong, bốc vác, bán vé số lưu động…
Do đó các nghề như bảo mẫu tại các trường học, phụ hồ cho các chủ thầu… không nằm trong đối tượng được hỗ trợ theo nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM.
Trường hợp chủ sử dụng lao động không ký hợp đồng lao động với người lao động là vi phạm quy định nhưng người lao động vẫn chấp thuận và làm việc, do đó chủ sở hữu lao động phải có trách nhiệm với lao động của mình.
Về câu hỏi hiện nay các hướng dẫn viên du lịch phần lớn làm tự do, không ký kết hợp đồng lao động (hợp đồng có đóng BHXH), mà chỉ là các dạng hợp đồng thỏa thuận dân sự như hợp đồng hướng dẫn, hợp đồng khoán việc… Như vậy, các dạng hợp đồng này có được chấp nhận trong điều kiện hỗ trợ tại nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM hay không?
Đại diện Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM cho biết theo nghị quyết 09, áp dụng cho lao động tạm hoãn thực hiện lao động, nghỉ việc không hưởng lương và người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, có yêu cầu đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc có tên trong danh sách bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Do đó, những hợp đồng không có đóng BHXH thì không nằm trong nhóm được hỗ trợ. Tương tự như trên, nhóm này cũng không được tính là lao động tự do. Chủ sử dụng lao động không ký hợp đồng lao động với người lao động là vi phạm quy định và phải có trách nhiệm với lao động của mình.
Ngày 25-6, HĐND TP.HCM ban hành nghị quyết về hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19.
Theo nghị quyết này, TP.HCM hỗ trợ 50.000 đồng/ngày đối với người lao động tự do, bị mất việc hoặc người lao động không có thu nhập do thực hiện giãn cách xã hội; người lao động cư trú hợp pháp không có thu nhập hoặc có nhưng thu nhập dưới 4 triệu đồng/tháng; người bán hàng rong; buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố; người thu gom rác; bán vé số; vận chuyển hàng hóa; bán vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe; làm công việc thuộc các lĩnh vực ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động.
Dự kiến có 230.000 người được hỗ trợ, áp dụng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 15 của Thủ tướng.
Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đáp ứng điều kiện về thời gian chấm dứt hợp đồng lao động được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người.
HỎI – ĐÁP về dịch COVID-19
Bắt đầu từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI – ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.
Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định… đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ trong 15 ngày để dập dịch.