Nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, phòng chống những nguy cơ bệnh tật và các tác hại, ngộ độc do rượu Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân không lạm dụng rượu bia, cẩn trọng khi lựa chọn đồ uống ngày tết đảm bảo rõ nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết thêm không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. Đồng thời không để cho trẻ em và vị thành niên uống rượu bia. Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Nhận biết ngộ độc rượu
Cục ATTP cũng lưu ý, vừa qua đã xảy ra các vụ ngộ độc rượu do người dùng uống phải rượu có chứa cồn công nghiệp (metahnol). Đây là rượu do nhà sản xuất không tuân thủ quy định về ATTP. Methanol là cồn gây hại cho cơ thể (gan, thận, thần kinh). Người dùng có thể tử vong nếu không được cấp cứu sớm. Cục ATTP đặc biệt lưu ý người dùng cẩn trọng với các rượu không nhãn mác, không được kiểm định, công bố chất lượng, không rõ nguồn gốc được người bán quảng bá là “rượu quê”, vì các sản phẩm đó không được kiểm soát chất lượng bởi nhà sản xuất và cơ quan quản lý.
Các bác sĩ, chuyên gia về ngộ độc cho biết, người bị ngộ độc rượu chứa ethanol và methanol, từ 12 – 24 giờ sau khi uống, nạn nhân cảm thấy chóng mặt, lú lẫn, yếu cơ, nhức đầu, buồn nôn, nôn và đau bụng. Tuy nhiên, nếu là cồn ethanol thì sẽ gây ngộ độc rượu rồi lại tỉnh nhưng nếu là cồn methanol thì nạn nhân uống say dễ gây tử vong nhanh chóng. Người thân cần biết xử trí đúng cách khi nạn nhân có biểu hiện ngộ độc rượu để tránh những tai biến đáng tiếc.
Uống rượu có kiểm soát để phòng ngộ độc NAM SƠN
|
Khi thấy nạn nhân có biểu hiện ngộ độc rượu, người nhà cần kê gối thấp, cho bệnh nhân nằm nghiêng để có thể nôn hết rượu ra mà không bị sặc vào đường thở. Bệnh nhân nên được cho ăn cháo loãng, nằm nghỉ. Tránh trường hợp để bệnh nhân đói sẽ bị hạ đường huyết nguy hiểm. Nếu bệnh nhân ngủ lâu không tỉnh hoặc không ăn uống được gì hoặc nôn nhiều thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Khi say rượu, không nên uống các loại thuốc chống nôn vì sẽ làm giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc chất độc kịp càng tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ xơ gan, ung thư gan.
Các loại nước mía, nước chanh, cam vắt, nước cà chua, nước ép bưởi, sinh tố chuối, nước các loại đậu ninh nhừ… uống nhiều lần sẽ giải được ngộ độc rượu dạng nhẹ. Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả để cung cấp vitamin và chất chống ôxy hoá, hạn chế tác hại của cồn trong rượu với gan.
Cục ATTP số khuyến nghị: Để phòng ngộ độc rượu, khi uống rượu nên chọn loại có thương hiệu, có nguồn gốc rõ ràng đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đối với người có uống rượu bia trong dịp Tết cổ truyền hoặc dịp lễ hội: kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống. Nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống; Tuyệt đối không điều khiển phương tiện cơ giới sau khi uống rượu bia. Sau khi uống, không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn dễ bị ngã, va chạm, chấn thương…).
Cục ATTP và Chi Cục ATTP các địa phương sẽ tăng cường các đợt thanh, kiểm tra ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội 2019, chú trong các thực phẩm, đồ uống tiêu thụ nhiều trong dịp tết, trong đó rượu, bia là một trong những sản phẩm được chú trọng.
|
NAM SƠN