Thế giới tăng tốc ứng phó biến thể Delta
Thế giới tăng tốc ứng phó biến thể Delta
Chiến dịch tiêm chủng của nhiều nước trên thế giới đang phải cố gắng không để biến thể Delta của SARS-CoV-2 “qua mặt”.
Trong cuộc họp báo mới đây, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo tốc độ tiêm chủng đang không theo kịp tốc độ biến thể Delta lây lan. Ông nhấn mạnh các nhà lãnh đạo phải đảm bảo ít nhất 10% dân số mỗi nước được chủng ngừa xong trước tháng 9. Các tuyên bố này đưa ra trong bối cảnh biến thể Delta được ghi nhận ở 98 quốc gia, theo tờ The Guardian.
Campuchia tăng cường kiểm soát biên giới
Tờ Khmer Times ngày 4.7 đưa tin tình trạng số ca nhiễm Covid-19 mới/ngày ở Campuchia tăng trong mấy ngày qua dường như chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi Bộ Y tế nước này ghi nhận thêm 933 ca nhiễm mới và 24 ca tử vong. Giới chức Campuchia đang lo ngại biến chủng Delta sẽ khiến tình hình dịch bệnh Covid-19 vượt tầm kiểm soát và ứng phó. Trong bối cảnh này, Thủ tướng Hun Sen đã thông báo một số biện pháp mới, trong đó có việc tăng cường kiểm soát các khu vực biên giới với VN, Lào và Thái Lan, theo tờ The Phnom Penh Post.
Văn Khoa
Tổng giám đốc WHO cũng chỉ ra rằng việc nước giàu chia sẻ vắc xin cho các nước thu nhập thấp đang quá chậm. Thật vậy, các nước đang phát triển có tốc độ tiêm chủng khá khiêm tốn. Malaysia và Indonesia, hai nước đang phải chống chọi với làn sóng lây nhiễm mới, chỉ mới chủng ngừa cho lần lượt là 6,5% và 5% dân số, theo Kyodo News.
Trong khi đó, nhiều nước giàu gần đạt được mức miễn dịch cộng đồng theo định nghĩa mà chuyên gia chống Covid-19 của Nhà Trắng Anthony Fauci đưa ra, tức khoảng 70 – 85% người được chủng ngừa. Theo The Guardian, tính đến ngày 1.7, 66,8% người Mỹ trưởng thành tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19. Tại Israel, 60,4% dân số đã được tiêm mũi đầu tiên và 55,9% người dân đã được chủng ngừa xong, tờ The Times of Israel đưa tin.
Sự mất cân bằng này khiến mục tiêu tiêm ngừa Covid-19 cho 70% dân số mỗi nước trước tháng 7.2022 do WHO đặt ra, tức khoảng 11 tỉ liều vắc xin, trở nên khó khăn hơn. Đến nay, chỉ khoảng 3 tỉ liều vắc xin được sử dụng, chủ yếu ở các nước có thu nhập cao.
Việc đạt được mục tiêu tiêm chủng trên càng quan trọng hơn trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan nhanh, cả ở những nơi có tỷ lệ chủng ngừa cao. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh châu Âu, nơi quản lý dữ liệu của 30 quốc gia, ước tính đến cuối tháng 8, 90% ca mắc Covid-19 ở các nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ do biến thể Delta gây ra. Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại Anh, Mỹ và các nước có tỷ lệ chủng ngừa cao khác.
Trước tình hình này, ông Tedros cho rằng thế giới có 2 cách để đẩy lùi làn sóng lây nhiễm mới. Đầu tiên, các quốc gia phải tiếp tục giám sát chặt chẽ, xét nghiệm có kế hoạch để phát hiện sớm ca bệnh, đảm bảo cách ly và chăm sóc người bệnh. Phương án thứ hai là thế giới phải chia sẻ một cách công bằng đồ bảo hộ, thiết bị ô xy, bộ xét nghiệm, phương pháp điều trị Covid-19 và vắc xin.
Lãnh đạo WHO cũng thúc giục các nhà sản xuất vắc xin như BioNTech, Pfizer và Moderna chia sẻ công nghệ để có thể đẩy nhanh tốc độ cung cấp vắc xin cho thế giới. Tuần trước, IMF, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã cùng WHO kêu gọi “hành động khẩn cấp” để tăng nguồn cung cấp vắc xin.
ĐÔNG A
TNO