Đã 18 tháng từ khi đại dịch
Covid-19 lan rộng khiến hơn 4 triệu người tử vong và hơn 180 triệu người nhiễm bệnh. Trong thời gian đó, vi rút
SARS-CoV-2 đã đột biến nhiều lần, tạo thành các biến thể. Hiện tại, Tổ chức Y tế thế giới (
WHO) đang theo dõi sát sao 4 biến thể đáng lo ngại Alpha, Beta, Gamma và Delta. Trong số này, Delta phát hiện lần đầu ở Ấn Độ đang trên đà trở thành biến thể gây ra nhiều ca nhiễm nhất.
CNBC dẫn lời WHO cảnh báo Delta là biến thể dễ lây lan nhất và sẽ tấn công những người dễ bị tổn thương, đặc biệt là nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Không chỉ vậy, các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới như Israel hay Anh cũng đang chật vật đối phó với biến thể Delta.
Israel hôm qua ghi nhận 146 ca mắc Covid-19, con số cao nhất trong ngày kể từ tháng 4, theo Tân Hoa xã. Ngày 21.6, Israel ghi nhận 125 ca bệnh, trong đó, 70% do biến thể Delta gây ra và 50% người bệnh là trẻ em. Điều đáng lo ngại hơn là 1/3 số ca bệnh ngày 21.6 là những người đã hoàn thành tiêm chủng, theo AFP.
Trong khi Delta vẫn là mối đe dọa lớn nhất với chiến dịch chống
Covid-19 của nhiều nước, người ta đã phát hiện dòng phụ của biến thể này có tên gọi
Delta Plus. Ấn Độ ngày 23.6 phát hiện 40 ca mắc biến thể Delta Plus ở 3 bang và tính đến ngày 16.6, ít nhất 197 ca mắc biến thể Delta Plus được phát hiện tại 11 quốc gia. Trong đó, nhiều nhất là Mỹ (83 ca), Ấn Độ (40 ca) và Anh (36 ca), theo Reuters.
Nguy cơ châu Á chậm thoát dịch
Châu Á là “tâm chấn” đầu tiên của dịch Covid-19, và cũng có thể là khu vực cuối cùng của thế giới thoát khỏi đại dịch, đặc biệt về lĩnh vực du lịch và đi lại. Đó là lời cảnh báo của ông Todd Handcock, Chủ tịch Công ty cung cấp dịch vụ du lịch Collinson Group, khi đề cập đến tốc độ tiêm vắc xin chậm chạp của các quốc gia ở châu lục, theo CNBC ngày 24.6.
Trang thống kê dữ liệu trực tuyến Our World in Data ghi nhận đến nay mới có 22,26% dân số châu Á được tiêm ít nhất một mũi. Để so sánh, số liệu này ở Mỹ là 53,03% và Anh là 63,56%. Tình hình tiêm chủng ở châu Á bị trì trệ một phần do nguồn cung vắc xin Covid-19 bị thiếu và cũng do không ít người ngại tiêm.
H.G
Delta Plus mang đột biến K417N, đột biến trên biến thể Beta giúp nó có khả năng vượt qua hệ miễn dịch. Điều này đồng nghĩa vắc xin và thuốc điều trị bằng kháng thể sẽ giảm hiệu quả với Delta Plus trên lý thuyết. Giới khoa học lo ngại đột biến K417N, cùng đặc tính vốn có của Delta, sẽ khiến Delta Plus lây lan mạnh hơn cả Delta. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, Delta Plus có khả năng lây nhiễm cao hơn, bám vào các tế bào phổi dễ dàng hơn và có thể chống lại liệu pháp kháng thể đơn dòng.
Tuy nhiên, tờ The Economic Times cho biết các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu xem liệu Delta Plus có thể chống lại miễn dịch tốt hơn Delta và Beta không. WHO nói biến thể Delta Plus vẫn chưa lan rộng và mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong các ca mắc biến thể Delta. Theo WHO, Delta và các biến chủng gây lo ngại khác tạo ra rủi ro y tế cộng đồng cao hơn.
Trong khi đó, Giáo sư Shahid Jameel, một trong những nhà vi rút học hàng đầu Ấn Độ, nói không có bằng chứng cho thấy Delta Plus dễ lây lan hơn các biến thể khác. “Chúng ta cần cẩn thận, nhưng không nên hoảng sợ. Sự nguy hiểm của Delta Plus vẫn đang được nghiên cứu”, ông Jameel nói thêm.
Bên cạnh đó, nguy cơ từ các biến thể còn lại vẫn hiện hữu. Theo các nghiên cứu mới, Delta và Gamma (biến thể phát hiện lần đầu ở Brazil) đang thay Alpha trở thành biến thể gây ra nhiều ca nhiễm nhất ở Mỹ. Trong đó, biến thể Gamma tuy không lây lan nhanh nhưng lại có khả năng làm giảm tác dụng của vắc xin và liệu pháp kháng thể.
Biến thể Beta, tìm thấy lần đầu ở Nam Phi, đang lây lan nhanh ở miền Nam Thái Lan, theo tờ Bangkok Post. Beta cũng làm giảm tác dụng của vắc xin, khiến nỗ lực chống dịch của Thái Lan thêm phức tạp.
ĐÔNG A
TNO