NÓNG: Trả lời thắc mắc người dân TP.HCM quan tâm về Chỉ thị 10: Dịch vụ nào được hoạt động?
NÓNG: Trả lời thắc mắc người dân TP.HCM quan tâm về Chỉ thị 10: Dịch vụ nào được hoạt động?
Để trả lời câu hỏi nóng mà người dân thắc mắc sau khi UBND TP.HCM ban hành Chỉ thị 10, Sở Y tế TP.HCM đã hướng dẫn cụ thể các loại hình kinh doanh, dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động trong những ngày tới.
Ngày 20.6, Sở Y tế TP.HCM đã hướng dẫn chi tiết để thực hiện Chỉ thị 10 ngày 19.6 của UBND TP.HCM về việc siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid– 19 trên địa bàn. Đây là vấn đề nóng đang được người dân TP.HCM rất quan tâm.
Cụ thể, các loại hình kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được hoạt động gồm:
- Các cơ sở kinh doanh nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; các cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm, thuốc; cơ sở khám, chữa bệnh (trừ các phòng khám thẩm mỹ, bệnh viện thẩm mỹ, các hoạt động thẩm mỹ thực hiện tại các cơ sở: bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa); kinh doanh dược và quốc phòng, an ninh; ngân hàng; các cơ sở kinh doanh trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng, kho bạc; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm), chứng khoán, bưu chính, viễn thông; dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa; tang lễ; dịch vụ thu gom xử lý chất thải, vệ sinh môi trường.
- Các cửa hàng tiện ích, khu vực kinh doanh lương thực thực phẩm và nhu yếu phẩm trong các siêu thị và các chợ truyền thống được hoạt động nhưng phải đảm bảo quy định phòng chống dịch, tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế, điều tiết phân luồng 1 chiều, số lượng người đến mua hàng tại cùng một thời điểm tùy theo điều kiện không gian và đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người mua.
- Đối với các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được hoạt động nhưng không được mở cửa hàng mà chỉ bán hàng thông qua giao hàng trực tiếp cho khách hàng tại công trường, trang trại, nơi sản xuất, chăn nuôi. Bao gồm: kinh doanh vật liệu xây dụng phục vụ các công trình xây dựng; kinh doanh vật tư, trang thiết bị ngành điện, thiết bị ngành nước, đồ kim khí phục vụ cho các công trình xây dựng; kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.
- Các loại hình dịch vụ khác được phép hoạt động như: dịch vụ vận tải chuyên chở hàng hóa, hàng vật tư, nguyên liệu, sản phẩm cung ứng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; các loại hình dịch vụ cung cấp nguyên vật liệu, hàng hóa cho xuất khẩu; dịch vụ cung cấp điện, nước cho sản xuất và đời sống.
- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động nhưng tuyệt đối không phục vụ tại chỗ, chỉ phục vụ hình thức bán hàng mang về, đặt hàng trực tuyến. Người giao hàng phải đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2 m trong khi chờ lấy hàng.
- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ngoài các loại hình trên không được phép mở cửa hoạt động (như cơ sở kinh doanh thời trang, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, điện thoại, mắt kính, kim khí, điện máy nội thất, kinh doanh xe…), các phòng khám thẩm mỹ, bệnh viện thẩm mỹ.
Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác theo hướng dẫn của ngành y tế như để lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, tiêm vắc xin phòng Covid-19…
Tổ chức tang lễ trong thời gian giãn cách xã hội thế nào?
Liên quan đến việc tổ chức đám tang trong thời gian giãn cách xã hội, Sở Y tế hướng dẫn đối với vùng đang cách ly y tế: thi hài phải được xử lý theo Quyết định số 2233 ngày 29.5.2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19. Thời gian tổ chức tang lễ, không quá 3 người đến viếng tại cùng 1 thời điểm và phải đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu 1,5 m. Đối với tang lễ ngoài vùng cách ly y tế, thực hiện theo Quyết định số 2232 ngày 29.5.2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19. Các Tổ Covid cộng đồng và Trạm Y tế phường, xã, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn người dân thực hiện.
SỸ ĐÔNG
TNO