15/01/2025

Nhân viên bán hàng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm COVID-19

Nhân viên bán hàng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm COVID-19

Nhân viên bán hàng, người lao động tại các đơn vị sản xuất… là lực lượng có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao. Vì vậy, tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho lực lượng này là nhằm giảm nỗi lo đứt gãy về chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hoá…

 

Nhân viên bán hàng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm COVID-19 - Ảnh 1.

Khách mua sắm tại siêu thị VinMart

Một đề xuất mới đây từ Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam gởi đến Chính phủ kiến nghị nên ưu tiên tiêm vắc xin sớm cho người lao động tại các doanh nghiệp để không xảy ra đứt gãy chuỗi sản xuất – kinh doanh do dịch COVID-19.

Tiêm phòng dịch COVID-19 cho hàng vạn nhân viên trong ngành hàng bán lẻ là nhu cầu rất cấp bách, để vừa đảm bảo hiệu quả ngăn ngừa, đẩy lùi đại dịch, vừa đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi phân phối và nguồn cung hàng hóa.

Bà Nguyễn Thị Phương (phó tổng giám đốc VinCommerce)

Nhiều đề xuất từ các doanh nghiệp

Bên cạnh đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng kiến nghị Thủ tướng có chính sách cho phép doanh nghiệp được hạch toán kinh phí mua vắc xin phòng dịch COVID-19 cho người lao động hoặc kinh phí tài trợ cho Quỹ vắc xin vào chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đang phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mua vắc xin để tiêm cho người lao động tại doanh nghiệp của mình, đồng thời hỗ trợ, tài trợ cho Quỹ vắc xin phòng dịch COVID-19.

Kiến nghị của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phù hợp với nhu cầu và nỗi lo từ chính các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Bởi trước đó, vào ngày 2-6, Công ty cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce đã có công văn gửi Bộ Y tế và Bộ Công thương về xem xét đề xuất được ưu tiên tiêm vắc xin cho cán bộ, nhân viên bán lẻ trong chuỗi hệ thống của VinCommerce.

Theo bà Nguyễn Thị Phương – phó tổng giám đốc VinCommerce (công ty thành viên của Tập đoàn Masan), từ đầu năm 2020 đến nay, trong bối cảnh dịch COVID-19, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, ngay cả trong thời điểm dịch bùng phát, nhiều nơi triển khai cách ly xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp bán lẻ nói chung và VinCommerce nói riêng vẫn luôn mở cửa phục vụ, đảm bảo đầy đủ nguồn cung hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chống găm hàng, chống tăng giá, giữ ổn định tâm lý người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Hiện nay, mặc dù cán bộ, nhân viên trong chuỗi hệ thống 122 siêu thị VinMart, 2.500 cửa hàng VinMart+ của VinCommerce tại 59 tỉnh và thành phố trên cả nước luôn tuân thủ tuyệt đối các biện pháp 5K của Bộ Y tế để bảo vệ người tiêu dùng, góp phần đẩy lùi đại dịch, song có nguy cơ lây nhiễm, phơi nhiễm với dịch COVID-19 rất cao khi 22.206 cán bộ, nhân viên của hệ thống này mỗi ngày phải tiếp xúc hàng triệu lượt khách hàng.

Cùng với đề xuất của VinCommerce, mới đây thêm nhiều doanh nghiệp trong ngành hàng bán lẻ có nguy cơ phơi nhiễm cao thuộc Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)… cũng có đề nghị tương tự, đồng thời bày tỏ thiện chí sẵn sàng chi kinh phí, chủ động tìm vắc xin để tiêm chủng cho người lao động, thông qua cơ quan chức năng và doanh nghiệp đầu mối.

Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa

Từ thực tế người dân đổ xô tới siêu thị, cửa hàng tiện ích để mua sắm thực phẩm, đồ uống, đồ dùng cá nhân… trước thời điểm giãn cách xã hội, cho thấy vai trò to lớn của các hệ thống bán lẻ trong việc cung ứng hàng hóa thiết yếu, đảm bảo ổn định tâm lý xã hội, bình ổn thị trường, nhất là khi dịch bệnh xảy ra.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia về kinh tế và sức khỏe, hoạt động của hàng vạn nhân viên thuộc ngành bán lẻ ở Việt Nam hiện nay đang đối mặt với rủi ro rất cao trước sự lây lan của đại dịch COVID-19. Mặc dù tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, các tiêu chuẩn 5K được đảm bảo yêu cầu tốt hơn, nghiêm ngặt hơn so với việc mua bán tại các khu chợ dân sinh.

Song song với đẩy mạnh mua bán hàng online, thúc đẩy thương mại điện tử thì kênh bán hàng truyền thống trực tiếp vẫn sẽ là kênh phân phối, tiêu thụ chiếm tới 70-80% thị phần ở Việt Nam hiện nay. Điều này cho thấy nguy cơ rủi ro về sức khỏe, khả năng bị nhiễm, phơi nhiễm virus corona với lực lượng nhân sự trong ngành bán lẻ là rất cao và rất đáng lo ngại.

Xuất phát từ thực tế cấp bách này, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị chỉ đạo ưu tiên nguồn vắc xin để tiêm phòng cho lực lượng thuộc hệ thống phân phối và bán lẻ ở nước ta.

Công văn do Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ: Hiện nay dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, một số siêu thị, hệ thống phân phối trong vùng dịch đã xuất hiện ca F0 đến mua sắm dẫn đến phải đóng cửa, ảnh hưởng tới nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu.

Vì vậy, trên cơ sở kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam và các hệ thống phân phối lớn, để đảm bảo đầy đủ, liên tục việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, phục vụ người tiêu dùng trên cả nước, Bộ Công thương đã kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo Bộ Y tế và các cơ quan liên quan chính thức bổ sung nhóm đối tượng là người lao động tại các hệ thống phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi…) và tại các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh các mặt hàng thiết yếu vào danh sách nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước hỗ trợ được ưu tiên tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19.

“Việc bổ sung đối tượng này nhằm bảo vệ đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao do hằng ngày phải tiếp xúc với hàng triệu lượt khách hàng và bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong mọi cấp độ dịch bệnh” – công văn do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ghi rõ.

Bộ Công thương cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, UBND cấp tỉnh tại các địa phương đang có dịch khẩn trương sắp xếp, ưu tiên tiêm gấp vắc xin phòng dịch COVID-19 cho người lao động tại các cơ sở phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu.

Tập đoàn Masan góp 60 tỉ đồng cho Quỹ vắc xin phòng COVID-19

vinmart - 2

Nhân viên VinMart/VinMart+ luôn tuân thủ biện pháp 5K

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, Tập đoàn Masan đã đóng góp 60 tỉ đồng vào Quỹ vắc xin phòng COVID-19. Trước đó, Masan và các công ty thành viên đã đóng góp hàng trăm ngàn sản phẩm thiết yếu đến lực lượng tuyến đầu chống dịch, các khu cách ly, bệnh viện… với giá trị lên đến gần 10 tỉ đồng.

A.Đ.
TTO