App cho vay nặng lãi giao dịch qua tài khoản ngân hàng
App cho vay nặng lãi giao dịch qua tài khoản ngân hàng
Các app cho vay nặng lãi thường giấu mặt nhưng vẫn phải sử dụng tài khoản ngân hàng hay ví điện tử để yêu cầu khách hàng thanh toán. Các ngân hàng có trách nhiệm như thế nào trong việc “chặn” các giao dịch tín dụng đen?
Lãi vay 80,4% trong 5 ngày
Vụ việc đang gây xôn xao dư luận khi cá nhân vay nặng lãi qua app nhưng trả qua ngân hàng. Cụ thể, tháng 9.2020, chị Lâm Thị Tố Oanh vay từ app 5 khoản, mỗi khoản 1,1 triệu đồng, và phải trả lại 2 triệu đồng sau 7 ngày. Tổng vay 5,5 triệu đồng, trả 10 triệu đồng sau 7 ngày. Chị Oanh trả được vài khoản, vài khoản không trả được thì app lại gợi ý vay tiếp các app khác (cũng cùng hệ thống) để trả. Và lãi suất của các app sau còn cao hơn các app trước. Có những app cho vay số tiền 2.328.000 đồng và phải trả 4.200.000 đồng sau 5 ngày. Như vậy lãi suất vay trong 5 ngày lên đến 80,41%. Chỉ từ khoản tiền vay đầu tiên là 5,5 triệu đồng, trong 6 tháng chị Oanh đã trả hơn 600 triệu đồng và còn nợ hơn 300 triệu đồng. Số nợ này tiếp tục sinh lãi. Các app khủng bố chị Oanh, thậm chí còn mạo danh công an ra lệnh truy nã và gửi tin cho toàn bộ danh bạ điện thoại của chị Oanh.
Theo sao kê của tài khoản ngân hàng VCB của chị Oanh, người phụ nữ này đã thực hiện 158 giao dịch trả tiền cho các app cho vay nặng lãi với tổng giá trị hơn 451,8 triệu đồng đến các tài khoản 90200XXXXXXX Lam Thi To Oanh (WOORI) Woori Bank Viet Nam. Là người đại diện cho chị Oanh, ông Lâm Minh Chánh cho rằng: “Một điều làm tôi rất ngạc nhiên là theo sao kê của VCB, thì tổng số tiền mà cô Oanh trả cho các app được chuyển vào Woori Bank khá nhiều. Tôi tin rằng Woori Bank không có thực hiện việc cho vay nặng lãi. Thế nhưng, theo như sao kê từ tài khoản VCB của cô Oanh, thì dòng tiền trả nợ cho app vay nặng lãi của cô Oanh đã có đến 158 giao dịch tại Woori Bank, với tổng giá trị là 451,8 triệu đồng. Tôi nghĩ rằng, dòng tiền của các app cho vay nặng lãi là khá đặc thù, khác biệt do với các dòng tiền khác. Các ngân hàng nếu thật sự quan tâm thì có thể phát hiện ra và loại trừ các tài khoản liên quan đến các app cho vay nặng lãi. Nếu được như vậy thì nạn cho vay nặng lãi của các app sẽ bị hạn chế. Người dân sẽ đỡ bị hại”.
Dòng tiền tín dụng đen ra vào tài khoản ngân hàng
Trong các công văn Woori Bank phản hồi ông Chánh đề cập, ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp mở tài khoản thanh toán tại Woori Bank, khách hàng có thể đăng ký nộp tiền (deposit ID) gắn liền với tài khoản thanh toán của mình cho mục đích quản lý các khoản phải thu là không trái quy định pháp luật hiện hành. Mã nộp tiền nói trên không phải là một tài khoản thanh toán được mở cho cá nhân gắn với mã nộp tiền đó. Trong trường hợp này, Woori Bank với tư cách là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chỉ thực hiện đúng nghĩa vụ của bên cung cấp dịch vụ. Woori Bank không can thiệp, kiểm soát hay có bất kỳ liên kết nào khác với vịệc sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng đã được mở hợp pháp tại ngân hàng.
Woori Bank cho rằng, “Woori Bank không tham gia và/hoặc tiếp tay cho bất kỳ ứng dụng cho vay nặng lãi nào. Woori Bank đã và đang thực hiện các biện pháp hữu hiệu cần thiết để ngăn chặn hành vi lợi dụng của các ứng dụng cho vay nặng lãi để gây hại đến người dân Việt Nam. Trong mọi trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có hành vi đáng ngờ, chúng tôi đã và sẽ ngay lập tức báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật, chấm dứt cung cấp dịch vụ cho các bên liên quan”.
Ông Lâm Minh Chánh đặt vấn đề Woori Bank đã và đang thực hiện các biện pháp hữu hiệu cần thiết nào để ngăn chặn hành vi lợi dụng của các ứng dụng cho vay nặng lãi? Nếu có các biện pháp đó thì tại sao lại có đến 158 giao dịch trả tiền cho các app cho vay nặng lãi với giá trị 451,8 triệu đồng đến các tài khoản 90200XXXXXXX Lam Thi To Oanh (WOORI) Woori Bank Viet Nam? Woori Bank Viet Nam đã “báo cáo cơ quan có thẩm quyền” chưa? Woori Bank Viet Nam đã “chấm dứt cung cấp dịch vụ cho các bên liên quan” chưa?
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Giám đốc Công ty luật Nghiêm & Chính, phân tích những kẻ cho vay qua app và thu lợi như trên chính là “tín dụng đen” với lãi suất cắt cổ, vi phạm pháp luật. Theo quy định hiện hành, các ngân hàng đều phải có trách nhiệm báo cáo dòng tiền ra vô có dấu hiệu đáng ngờ hằng tháng với Ngân hàng Nhà nước. Liệu có tài khoản nào mà hằng tháng có rất nhiều cá nhân nộp tiền trả lãi vay nhưng không phải là công ty tài chính được cấp phép hay không? Ngân hàng đã báo cáo chưa? Các ngân hàng nào nói rằng mình không liên quan trong việc các app cho vay nặng lãi vẫn thu tiền qua ngân hàng là vô trách nhiệm với khách hàng. Hơn nữa, nếu trường hợp có khách hàng khiếu nại thì dù chưa biết rõ đúng sai, ngân hàng cũng phải tạm dừng tài khoản đó để xác minh hoặc báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên. Điều đó mới thể hiện được trách nhiệm của ngân hàng trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Đó là chưa kể nếu như khách hàng chỉ có tên trong ngân hàng mà không biết chuyển tiền đó cho ai thì họ có quyền khiếu nại đòi ngân hàng phải trả lại tiền cho mình.
“Nếu các ngân hàng cho rằng mình vô can trong khi vẫn thu lợi từ các app cho vay nặng lãi thì không ai chấp nhận được. Khách hàng kiện ra tòa là chính xác và tôi nghĩ rằng ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm của mình trước pháp luật”, luật sư Bùi Quang Nghiêm nói thêm.
THANH XUÂN – MAI PHƯƠNG
TNO