Xăng A95 tăng giá, xăng E5 nơi có nơi chưa
Trong khi xăng E5 (xăng mới) vẫn chưa được bán rộng khắp tại các trạm thì xăng A95 (xăng cũ) đã tăng 810 đồng/lít.
Xăng A95 tăng giá, xăng E5 nơi có nơi chưa.
Trong khi xăng E5 (xăng mới) vẫn chưa được bán rộng khắp tại các trạm thì xăng A95 (xăng cũ) đã tăng 810 đồng/lít.
“Tôi cũng không biết xăng E5 hay A95 loại nào tốt hơn, nhưng loại nào rẻ thì tôi sẽ đổ. Nghe nói xăng E5 tốt cho môi trường nên tôi sẽ đổ xăng E5
Khách hàng NGUYỄN VĂN SINH (TP.HCM)
Sáng 5-1, như lệ thường, anh Lê Tuấn Hưng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vào cây xăng quen thuộc đổ xăng. Anh ngạc nhiên khi biết loại xăng mà mình đổ cả tháng nay là xăng sinh học E5 mới được cho dùng đồng loạt trên toàn quốc từ ngày 1-1-2018.
Anh Tuấn Hưng giải thích: do chạy xe số nên mỗi lần vào cây xăng anh thường đổ loại xăng rẻ hơn nên không để ý.
TP.HCM: người dân thân thiện với xăng E5
Anh Hưng giải thích về trường hợp của mình: theo thói quen, anh vẫn thường vào trụ xăng quen thuộc để đổ, không chú ý ở đó đã ghi “E5-A92”, vì vậy nhiều người tiêu dùng không phân biệt được.
Song anh vẫn hài lòng: “Cũng vô tình mà dùng E5 gần tháng nay rồi, tôi không phân biệt được sự khác nhau giữa E5 với A92 vì xe vẫn chạy đều, không gặp vấn đề gì về chất lượng”.
Không như anh Tuấn Hưng, ông Nguyễn Hải Hà (Q.1) chủ động lựa chọn xăng cho mình. Ngay khi có xăng E5, ông đã chuyển sang dùng loại này cho cả xe số lẫn xe tay ga bởi “xăng E5 đã được dùng ở nhiều quốc gia và an toàn, không gây ra vấn đề gì cho động cơ xe cả”.
Ông nhận định: “Tôi nghĩ rằng người ta cứ thổi phồng nguy cơ của loại xăng này lên chứ thực tế bản thân tôi chưa gặp vấn đề gì về xe với xăng E5 cả” – ông Hà nói.
Tuy nhiên, ông Hà cũng cho rằng đây là loại xăng mới, thông tin trên mạng nhiều chiều nên cần phải nói rõ hay tư vấn cho khách hàng hiểu hơn: “Lẽ ra với loại xăng mới thì cây xăng nên có một người ở trụ xăng E5 để tư vấn hay phục vụ khách thì hợp lý hơn”.
Người dân không tỏ ra “kỳ thị” với xăng E5 nhưng hầu hết các cây xăng lớn như Petrolimex, Sài Gòn Petro… trên địa bàn TP.HCM, số lượng trụ xăng E5 không đáng kể.
Chưa kể vẫn có cây xăng không bán xăng E5, như cửa hàng xăng dầu 270 (nhượng quyền thương mại của Petrolimex Sài Gòn) tại số 270B Lý Thường Kiệt, P.6, Q.Tân Bình. 6 trụ bơm tại cây xăng này chỉ bán duy nhất loại xăng A95.
Khi khách hỏi xăng E5, một nhân viên bán xăng nói: “Muốn mua xăng E5 em chịu khó sang cửa hàng khác, ở đây vài ngày nữa mới có”.
Tại cửa hàng xăng dầu Sài Gòn Petro (Q.5, TP.HCM), nơi có 5 trụ bơm xăng nhưng chỉ có một trụ bơm bán xăng E5, anh Nguyễn Văn Sinh (Q.1) sau khi đổ 50.000 đồng xăng E5, nói: “Vài ngày gần đây tôi cũng có nghe nói tới việc ngừng bán xăng A92, thay vào đó là xăng E5. Tôi cũng chưa tìm hiểu xem E5 hay A95 loại nào tốt hơn, nhưng loại nào rẻ thì tôi sẽ đổ. Nghe nói xăng E5 tốt cho môi trường nên tôi đổ xăng E5”.
Các tỉnh: nơi tốt, nơi chưa
Tại Bình Dương, đã có nhiều cây xăng bán xăng E5, bắt đầu từ cuối năm 2017. Công ty Xăng dầu Sông Bé (tỉnh Bình Dương) cho biết qua thống kê sơ bộ những điểm bán xăng E5 đều có mức tiêu thụ khoảng 30.000 lít/tháng. Hiện công ty này đã có lộ trình bán xăng E5 tại 500 điểm bán thuộc hệ thống phân phối.
Ông Lê Hoàng Mãnh, Sở Công thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết đến nay hầu như toàn bộ 369 cây xăng trên địa bàn đều đã bán xăng E5.
Trong khi đó một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giải thích cây xăng của ông chưa bán xăng E5 vì đang chờ phản ứng của người tiêu dùng.
Vị này nhận định: giá cả sẽ là lợi thế của xăng E5. Từ năm 2011, gần 20 cửa hàng của PV Oil Vũng Tàu đã kinh doanh xăng E5. Trong đó, năm 2016 tổng lượng xăng E5 do PV Oil Vũng Tàu bán ra đạt 15.000m3.
Trong khi đó tại Đồng Nai, tình hình èo uột hơn. Ngay tại TP Biên Hòa hoặc huyện Vĩnh Cửu có một số nơi không bán xăng E5 như quy định.
Vì sao không bán xăng E5? Người phụ trách cây xăng tại một bến xe ở TP Biên Hòa giải thích: chọn xăng A95 vì cơ sở hạ tầng trước đây thiết kế bồn dầu và bồn xăng, không thể đưa xăng sinh học E5 vào hầm đã được thiết kế.
Trả lời PV Tuổi Trẻ về tình trạng một số cây xăng trên địa bàn có dấu hiệu không tuân thủ quy định về việc bán xăng E5, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cho biết tỉnh đã chỉ đạo các công ty kinh doanh xăng dầu nghiêm túc bán xăng sinh học E5.
Ông cho biết: “Các cây xăng lấy lý do này, lý do khác mà không tuân thủ quy định bán xăng E5 thì chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý”.
Tỉnh Long An cũng có tình trạng tương tự. Nhân viên tại một cửa hàng xăng dầu không bán xăng E5 ở xã Long Hiệp, huyện Bến Lức cho biết: “Bây giờ chủ yếu bán xăng A95 vì người dân ít ai yêu cầu xăng này xăng kia, mà đưa xe vào đổ xăng gì cũng được. Ít người biết đến xăng E5”.
Hiện Đà Nẵng có khoảng 100 cửa hàng có bán xăng E5. Theo một lãnh đạo Sở Công thương TP Đà Nẵng, việc đón nhận và tiêu thụ xăng E5 của người dùng rất khả quan, chưa có phản ảnh nào về chất lượng xăng E5 đối với máy móc, lượng xăng E5 bán ra hiện ngang với xăng A95, bình quân gần 7 triệu lít/tháng mỗi loại.
Tại Quảng Nam, ông Nguyễn Quang Lâm – trưởng phòng quản lý thương mại Sở Công thương – cho hay trên địa bàn hơn 160 cây xăng ở đồng bằng đều bán song song hai loại xăng A95 và E5 để người tiêu dùng lựa chọn.
Tuy nhiên, vùng cao miền núi còn một số cửa hàng chỉ bán duy nhất loại xăng A95, người dân ở các vùng này không có quyền lựa chọn, phải chấp nhận xăng A95 giá cao hơn 1.800 – 2.000 đồng/lít.
Ở các tỉnh, tình hình bán xăng E5 cũng tương tự: người dân chưa biết nhiều về xăng E5 và doanh nghiệp cũng chưa thật sự mặn mòi hoặc chưa có hạ tầng đáp ứng việc bán loại xăng này.
Chưa đánh giá được mức độ tiêu thụ xăng E5
Ông Cao Hoài Dương – tổng giám đốc PV Oil – cho biết do mới chuyển đổi trên quy mô toàn quốc chưa được một tuần nên rất khó đánh giá mức tiêu thụ cụ thể xăng E5.
Nhưng từ những báo cáo ban đầu của các đại lý kinh doanh thì một số cây xăng tại TP.HCM lượng A95 bán ra tăng so với trước.
“Sơ bộ lượng E5 bán ra tương đương với A92 bán ra trước đây. Tuy nhiên để có phân tích chính xác hơn thì cần thống kê cụ thể sau một vài tuần” – ông Dương nói.
Cũng theo ông Dương, việc kiểm soát công tác phối trộn cồn sinh học với xăng khoáng A92 tại PV Oil diễn ra chặt chẽ, được kiểm soát kỹ để đảm bảo chất lượng xăng E5.
“Thực ra đây không phải là công nghệ gì phức tạp cả. Thế giới người ta đã dùng đến E20-E25 rồi chứ có phải VN là nước đầu tiên đâu. Vậy nên theo tôi những lo lắng về chất lượng E5 chủ yếu là do người dân quá thận trọng với loại xăng mới” – ông Dương cho hay.
Xăng E5 là gì?
Xăng sinh học là hỗn hợp của xăng truyền thống (từ dầu mỏ) và cồn sinh học (ethanol). Tại VN, cồn sinh học được sản xuất chủ yếu từ khoai mì.
Tùy vào tỉ lệ thể tích pha trộn mà có các loại xăng sinh học có tên gọi khác nhau như E5, E10, E20… Xăng E5 là hỗn hợp của 95% thể tích xăng A92 và 5% thể tích cồn sinh học (ethanol).
VN mới bắt đầu sử dụng đại trà xăng E5 từ 1-1-2018 để thay thế xăng A92, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng xăng sinh học từ lâu với tỉ lệ ethanol cao hơn nhiều như E10, E25, thậm chí có quốc gia dùng tới E85.