Tổng giám đốc WTO: Đã có tiến triển về bỏ bản quyền vắc xin COVID-19
Tổng giám đốc WTO: Đã có tiến triển về bỏ bản quyền vắc xin COVID-19
Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho rằng thế giới có thể đạt được thoả thuận chung để giúp các nước đang phát triển tiếp cận nguồn vắc xin COVID-19 dồi dào hơn.
Phát biểu trước khi tham gia thảo luận cùng lãnh đạo các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) hôm 12-6, bà Okonjo-Iweala – Tổng giám đốc WTO, cho biết bà hi vọng câu chuyện bỏ bản quyền vắc xin COVID-19 sẽ rõ ràng hơn trong tháng 7 sắp tới.
“Điều này có thể khó khăn vì vẫn còn một số quan điểm còn bất đồng, nhưng lộ trình chung vẫn tồn tại. Tôi rất muốn thấy một số tiến triển (về bản quyền vắcxin) vào tháng 7”, bà Okonjo-Iweala nói.
Hôm 9-6, các quốc gia thành viên của WTO đã bắt đầu đối thoại chính thức về kế hoạch tăng cường nguồn cung vắc xin COVID-19 cho các nước đang phát triển. Thế nhưng giới quan sát nhìn nhận rằng đây sẽ là những cuộc đối thoại khó khăn.
Nam Phi và Ấn Độ muốn bản quyền vắc xin và các phương pháp trị liệu COVID-19 được miễn trừ tạm thời để giúp các nhà sản xuất địa phương đẩy mạnh sản xuất. Nhiều quốc gia đang phát triển khác ủng hộ nỗ lực của hai nước này. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng từng lên tiếng ủng hộ cách làm này.
Tuy nhiên, một số quốc gia phát triển – nơi sở hữu các hãng dược lớn – cho rằng phương án này không chỉ không thể đẩy mạnh sản xuất, mà ngược lại còn phương hại hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Bà Okonjo-Iweala cho biết cuộc tranh luận về vấn đề trên đã có tiến triển và đạt được đồng thuận để bắt đầu đàm phán. “Chúng tôi hi vọng đồng thuận này sẽ trở thành một điều gì đó cụ thể có thể giúp đỡ các nước đang phát triển, đồng thời bảo vệ nghiên cứu và sáng tạo”, Tổng giám đốc WTO tuyên bố.
Bên cạnh vấn đề bản quyền, bà Okonjo-Iweala cũng thông báo các nước đã giảm bớt giới hạn đối với hoạt động xuất khẩu nguyên liệu thô để sản xuất vắc xin, cũng như ủng hộ kế hoạch 50 tỉ USD nhằm đưa vắc xin COVID-19 đến các địa phương trên toàn cầu.
Theo Hãng tin Reuters, WTO sẽ thảo luận về hình thức đàm phán nhằm đưa ra một báo cáo trước ngày 21 và 22-7.
Trước đó, lãnh đạo các quốc gia G7 đã cam kết sẽ mở rộng sản xuất, chia sẻ với thế giới ít nhất 1 tỉ liều vắc xin thông qua các cơ chế hiện có và viện trợ song phương. Đây là một trong các nỗ lực của G7 nhằm chấm dứt đại dịch vào năm 2022.