18/11/2024

Trung Quốc phủ bóng Hội nghị thượng đỉnh G7

Trung Quốc phủ bóng Hội nghị thượng đỉnh G7

Trong ngày làm việc thứ 2 của Hội nghị G7, các nhà lãnh đạo được cho là tập trung bàn cách đối phó tầm ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh G7, diễn ra ở Anh từ ngày 11 - 13.6 /// Ảnh: Reuters
Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh G7, diễn ra ở Anh từ ngày 11 – 13.6 ẢNH: REUTERS
Các nhà lãnh đạo của nhóm G7 (gồm Mỹ, Anh, Canada, Đức, Pháp, Ý và Nhật Bản) hôm qua tiếp tục ngày làm việc thứ 2 của Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Cornwall (Anh).
Một số quan chức Mỹ tháp tùng Tổng thống Joe Biden đến dự hội nghị tiết lộ ngày làm việc thứ 2 tập trung bàn cách đối phó tầm ảnh hưởng toàn cầu ngày càng gia tăng của Trung Quốc, theo BBC. Tương tự, CNN dẫn lời một số quan chức Mỹ cho hay các nhà lãnh đạo G7 tập trung vào việc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, với mục tiêu làm cho Mỹ và các đồng minh có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc tốt hơn sau đại dịch Covid-19.

G7 tái phân bố 100 tỉ USD từ IMF cho các nước

Nhà Trắng cho biết Mỹ và nhóm G7 đang xem xét việc phân bổ lại 100 tỉ USD từ quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để giúp các quốc gia gặp khó khăn trong việc đối phó với Covid-19, theo Reuters. Số tiền có thể dùng để giải quyết các nhu cầu y tế, như

vắc xin. Vấn đề sẽ được các lãnh đạo thảo luận trong Hội nghị thượng đỉnh G7 đang diễn ra ở Anh.
Theo Nhà Trắng, SDR sẽ được phân bổ vào cuối mùa hè và Mỹ sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi sau Covid-19 trên toàn cầu bền vững và toàn diện hơn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 10.6 cũng kêu gọi G7 đạt được thỏa thuận về việc tái phân bổ 100 tỉ USD SDR cho châu Phi.
SDR là một dạng tiền dự trữ quốc tế IMF tạo ra vào năm 1969. Loại tiền này có vai trò bổ sung cho dự trữ tiền của các quốc gia thành viên. Các nước có thể cho quốc gia khác vay hoặc tặng dự trữ SDR để sử dụng.
Đông A

Một phần của cuộc cạnh tranh với Trung Quốc sẽ bao gồm sáng kiến “Tái xây dựng thế giới tốt hơn”, được một quan chức Mỹ mô tả là “sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu mới với các đối tác G7 của chúng ta, mang tính bền vững, minh bạch và hướng tới các giá trị”, theo CNN. Sáng kiến sẽ bao gồm việc gây quỹ hàng trăm tỉ USD cho việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở những quốc gia có nhu cầu trước năm 2035. Sáng kiến mới được thiết kế nhằm cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và sẽ được công bố tại Hội nghị G7, theo vị quan chức nói trên.

Ngoài ra, Reuters hôm qua dẫn lời một số quan chức Mỹ cho hay Tổng thống Biden sẽ thúc các nhà lãnh đạo khác trong G7 có hành động cụ thể nhằm chống lại “nạn lao động ép buộc” ở Trung Quốc và đưa nội dung chỉ trích những hành động của Bắc Kinh vào tuyên bố chung của hội nghị. Trước đó ngày 11.6, CNN đưa tin tham dự Hội nghị G7, Tổng thống Biden được cho là sẽ cố gắng thuyết phục các đồng minh cùng Washington thực hiện lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh vì những hành động của họ ở Khu tự trị Tân Cương, Hồng Kông, Biển Đông và những khu vực khác.
Tuy các nước G7 có thể hướng tới một mặt trận thống nhất trong một số lĩnh vực nào đó, nhưng vẫn còn phải chờ xem liệu các nước có sẵn sàng đối mặt nguy cơ làm tổn thương các mối quan hệ song phương với Bắc Kinh hay không. CNN chỉ ra một số nhà quan sát Trung Quốc được Hoàn Cầu thời báo trích dẫn dường như tự tin rằng “những bất đồng cơ bản” của các nước G7 về cách đối phó Trung Quốc sẽ “cản trở họ có bất kỳ động thái đáng kể nào”.
Hôm nay 13.6, ngày cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh G7, các nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục thảo luận về biến đổi khí hậu và đảm bảo đa dạng sinh học toàn cầu nhằm đặt nền tảng cho hội nghị thượng đỉnh về môi trường COP26 ở Scotland vào tháng 11, trước khi đưa ra tuyên bố chung của hội nghị. Sau đó, phần lớn các nhà lãnh đạo G7, trong đó có Tổng thống Biden, sẽ đến Bỉ để tiếp tục dự Hội nghị thượng đỉnh NATO. Các quốc gia thành viên NATO lần đầu tiên sẽ “đề cập thách thức an ninh từ Trung Quốc trong một tuyên bố”, theo CNN dẫn lời một quan chức Mỹ.
VĂN KHOA
TNO