Doanh nghiệp phá sản nhưng ngân hàng lãi ‘khủng’
Doanh nghiệp phá sản nhưng ngân hàng lãi ‘khủng’
Sáng 10.6, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên mở rộng thẩm tra sơ bộ báo cáo kinh tế, xã hội 5 tháng đầu năm 2021 và giải pháp cho 6 tháng cuối năm…
Sáng 10.6, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên mở rộng thẩm tra sơ bộ báo cáo kinh tế, xã hội 5 tháng đầu năm 2021 và giải pháp cho 6 tháng cuối năm; tình hình thực hiện các kết quả kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020. Đây là cuộc họp chưa từng có tiền lệ, bởi thông thường, báo cáo 5 năm đã được Quốc hội xem xét trước khi bầu cử.
“Bất ngờ” vì Doanh nghiệp lớn cũng rời khỏi thị trường
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho biết kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng chỉ tăng 1,29%, thấp nhất kể từ năm 2016, tạo dư địa trong điều hành giá theo mục tiêu dưới 4%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá ổn định, tín dụng phục hồi, tăng 4,67% so với cuối năm 2020; mặt bằng lãi suất cho vay giảm; thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được bảo đảm.
Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 49,7% dự toán, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu có tốc độ tăng cao, 5 tháng tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s S&P và Fitch) đồng loạt nâng điểm triển vọng lên “tích cực”.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu chỉ ra các vấn đề đáng lo lắng, đặc biệt là về việc số doanh nghiệp (DN) rời bỏ thị trường và số DN tạm ngừng kinh doanh tăng cao (lần lượt tăng 20,7% và 23%). Đại biểu Trần Văn Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ – Môi trường của Quốc hội, đặt vấn đề sản xuất kinh doanh đình trệ, DN rút khỏi thị trường nhiều, nhưng tín dụng lại tăng cao thì tín dụng chảy vào đâu? Có vào các kênh tiềm ẩn nợ xấu như bất động sản, chứng khoán hay không? Đây cũng là mối quan tâm của đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Sinh, ĐB Nguyễn Anh Trí.
Trả lời các băn khoăn về việc nhiều DN rút khỏi thị trường, ông Trần Quốc Phương “đồng tình với nhận định của các ĐB”. “Có tín hiệu khiến chúng tôi bất ngờ là DN lớn rút khỏi thị trường. Đây là lần đầu tiên điều này xảy ra, chúng tôi cũng đang rất lo. Hiện Bộ trưởng (Nguyễn Chí Dũng) cũng đang yêu cầu tìm hiểu xem vấn đề là gì, nhưng có một nhận định chung là sức khỏe của DN đang yếu. Họ bị Covid-19 “đánh” cho tan hoang, mất nửa phổi rồi, thì không thở tiếp được, rất nhiều DN chắc đang “ECMO”, ông Trần Quốc Phương ví von.
Không chỉ thế, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT còn cho biết Bộ “thực sự lo lắng” về đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong 5 tháng đầu năm, số vốn cam kết vẫn tăng 0,8%, đạt 14 tỉ USD, nhưng số DN đăng ký giảm đến 50%. “Chúng tôi rất lo ngại. Dù có thể chúng ta đang tái cơ cấu để chuyển đổi từ đón “chim sẻ” sang đón “đại bàng”, nhưng chúng tôi thấy sức hấp dẫn của VN với các nhà đầu tư nước ngoài đang giảm sút. Điển hình vừa rồi có một số DN đi rồi. Chúng tôi tiếc lắm, tổ chức kiểm điểm lẫn nhau xem mình có sai cái gì không mà họ đi, nhưng họ có cái quyền là quyền lựa chọn”, ông Phương nói thêm.
Doanh Nghiệp phá sản mà ngân hàng lãi khủng có “phản cảm”?
Cũng liên quan đến “số phận” các DN trong bối cảnh đang bị Covid-19 “đánh” cho tan tác, tại buổi tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia đóng góp vào các báo cáo này (cũng do Ủy ban Kinh tế tổ chức hôm 9.6), ĐB Đỗ Văn Sinh đã đặt câu hỏi: “Cả năm 2019, 2020 và đầu 2021, một số ngân hàng lãi rất lớn, đặc biệt là Vietcombank, Vietinbank, trong khi DN phá sản, nền kinh tế đang trì trệ, thì có phản cảm không? Chính sách tiền tệ có vấn đề hay không? Đâu là vai trò của nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ, bởi vì DN chết thì ngân hàng lấy gì mà sống, thu ngân sách ở đâu?”.
Trả lời câu hỏi này, chuyên gia Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo của BIDV, cho biết rất nhiều người đã hỏi ông câu này, cả báo giới và Chính phủ. Tuy nhiên, theo ông Lực, báo cáo lợi nhuận của hệ thống ngân hàng chưa phản ánh đầy đủ, bởi vì vào cuối năm các ngân hàng mới trích lập đủ dự phòng rủi ro, khi đó các khoản lãi sẽ giảm.
“Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng chưa phải chuyển nhóm nợ với các khoản nợ cơ cấu lại, khoảng 357.000 tỉ, để cho DN tiếp cận được vốn vay. Đó là chính sách tôi cho là khá nhân văn. Ngân hàng Nhà nước đã bàn với Bộ Tài chính 5 tháng trời để đặt vấn đề có phải trích lập dự phòng rủi ro cho số nợ này không, và câu trả lời là có, sẽ phải trích lập 40.000 – 44.000 tỉ đồng cho nợ xấu tiềm ẩn, nên số tiền này sẽ trừ đi từ lợi nhuận của hệ thống ngân hàng”, ông Lực cho biết và cho rằng “hiện lãi suất không phải là điểm nghẽn”.
“Chưa bao giờ lãi suất hấp dẫn như bây giờ. Nếu giảm nữa có 2 hệ lụy. Một là lạm phát. Tín dụng của chúng ta tăng trưởng đều 14,4%/năm, cao nhất khu vực châu Á. Thứ hai là đồng tiền không đi vào sản xuất, kinh doanh. DN sẽ cố đi vay, nhưng không đầu tư, vì đầu ra có đâu. Họ sẽ đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, và 5 năm nữa chúng ta sẽ chịu hệ lụy. Một số DN đã đi vay chỗ này vì được hưởng chế độ khách hàng A – vay lãi suất 5%, để đi gửi chỗ khác 7%, là ngồi mát ăn bát vàng. Giảm lãi suất không phải là bài toán thông minh”, ông Lực nói.
Trong cả 2 ngày 9 và 10.6, các ĐB và chuyên gia đã dành rất nhiều tranh luận về vấn đề này, về việc hỗ trợ DN làm sao cho trúng, cho đúng, để họ “sống sót”, bởi DN có sống sót mới có việc làm, mới có thu ngân sách và mới có tăng trưởng. Các ý kiến đều cho rằng cần có gói hỗ trợ mới, nhưng hỗ trợ thế nào, hỗ trợ cho ai vẫn đang là vấn đề cần bàn thảo, trước khi các báo cáo được trình ra kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 7.
VŨ HÂN
TNO