Mỹ – Anh ký hiến chương hợp tác, kêu gọi điều tra Covid-19
Mỹ – Anh ký hiến chương hợp tác, kêu gọi điều tra Covid-19
Trong chuyến công du tại Anh, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cùng Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson ký vào bản Hiến chương Đại Tây Dương mới về thương mại, quốc phòng, tấn công mạng, biến đổi khí hậu và cả Covid-19.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến công du nước ngoài lần đầu tiên từ khi nhậm chức hồi tháng 1. Trong cuộc gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 10.6, hai lãnh đạo đã ký vào bản Hiến chương Đại Tây Dương mới, dựa theo cam kết từng được lãnh đạo 2 nước ký vào năm 1941 khi Thế chiến 2 bắt đầu.
Theo NBC News, bản hiến chương mới vạch ra 8 lĩnh vực trọng yếu mà hai nước dự định hợp tác. Các cam kết gồm bảo vệ nền dân chủ, tái khẳng định tầm quan trọng của an ninh tập thể và đảm bảo hệ thống thương mại toàn cầu công bằng và rộng mở.
Bản hiến chương có cam kết về việc chống lại những thách thức hiện đại như mối đe dọa trên không gian mạng và biến đổi khí hậu, cam kết chấm dứt đại dịch Covid-19. Hai lãnh đạo cam kết sẽ sớm khôi phục đường bay giữa hai nước và tạo ra nhóm chuyên trách về chuyện đi lại.
|
Hiến chương Đại Tây Dương do Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill ký vào năm 1941, vạch ra mục tiêu sau Thế chiến 2. Văn phòng Thủ tướng Johnson miêu tả văn kiện này là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất trong mối quan hệ Anh và Mỹ và đóng vai trò lớn hơn bất kỳ hiệp định nào khác trong việc định hình trật tự thế giới, dẫn đến sự ra đời của Liên Hiệp Quốc và NATO.
Kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19
Mặt khác, sau cuộc gặp ngày 10.6, Tổng thống Biden và Thủ tướng Johnson ra tuyên bố chung nhấn mạnh ủng hộ cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc Covid-19, bao gồm tại Trung Quốc.
“Chúng tôi sẽ ủng hộ quá trình độc lập dựa trên bằng chứng và minh bạch, kịp thời cho giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu về nguồn gốc Covid-19 do WHO thực hiện, gồm tại Trung Quốc, và việc điều tra các đợt bùng phát có nguồn gốc lạ trong tương lai”, tuyên bố chung nêu.
Trước đó cùng ngày, các quan chức lãnh đạo EU cũng kêu gọi tiến hành cuộc điều tra minh bạch và được tiếp cận đầy đủ dữ liệu liên quan.
Vấn đề này dự kiến sẽ là một trong số các trọng tâm tại hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Anh từ ngày 11-13.6. Bloomberg mới đây tiết lộ nội dung tuyên bố chung hội nghị kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19. Các nước cũng cam kết chia sẻ 1 tỉ liều vắc xin Covid-19 cho thế giới chống dịch. Thủ tướng Johnson cho biết một nửa trong số này là phần được Tổng thống Biden thông báo mới đây.
VI TRÂN
TNO