Việt Nam đã có ý kiến với Campuchia việc giải tỏa nhà nổi có đông người Việt sinh sống
Việt Nam đã có ý kiến với Campuchia việc giải tỏa nhà nổi có đông người Việt sinh sống
Liên quan tới việc Campuchia ra lệnh giải tỏa, di dời nhà nổi nơi có người Việt sinh sống ở sông Tonle Sap (hoặc Biển Hồ), Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 10-6 cho biết đã nêu ý kiến với phía Campuchia.
Trước đó vào ngày 2-6, chính quyền thủ đô Phnom Penh thông báo việc giải tỏa nhà nổi, bè nuôi cá trên sông Tonle Sap, gần thủ đô Phnom Penh. Được biết lý do cho việc ban hành lệnh di dời này nằm ở lo ngại gián đoạn, ảnh hưởng nguồn nước, phá hủy hệ sinh thái, lượng cá suy giảm do đánh bắt…
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia xác nhận có kế hoạch di dời này, và cho biết khu vực ảnh hưởng có cả các công trình của người gốc Việt.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 10-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam rất quan tâm tới thông tin này. Và ngày 7-6 vừa qua, tại cuộc gặp song phương giữa Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Vương quốc Campuchia Prak Sokhonn, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã đề nghị Campuchia tiếp tục quan tâm giải quyết vấn đề địa vị pháp lý cho người gốc Việt tại Campuchia.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị các cơ quan chức năng của Campuchia trong quá trình triển khai chính sách, cần lưu ý có lộ trình hợp lý, bảo đảm quyền lợi và an sinh của người gốc Việt, tạo điều kiện cho những người bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống, duy trì hoặc chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, và tiếp cận đầy đủ các dịch vụ thiết yếu.
Trước đó vào ngày 4-6, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh cũng trực tiếp tới thăm hỏi, động viên bà con gốc Việt tại khu vực bị di dời.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã có trao đổi với phía Campuchia, đề nghị tạo điều kiện thuận lợi, có các biện pháp hỗ trợ thiết thực cho bà con tái định cư, đảm bảo tính nhân đạo và quyền lợi chính đáng của người dân.
Theo người phát ngôn Thu Hằng, phía Campuchia đã ghi nhận các ý kiến của phía Việt Nam, khẳng định Chính phủ Campuchia sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho sinh viên, doanh nghiệp, những người Việt Nam học tập, làm ăn và người gốc Việt sinh sống ổn định tại Campuchia.
“Việt Nam thông hiểu chính sách phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ cảnh quan môi trường của Campuchia, đồng thời mong rằng việc di dời được triển khai theo lộ trình hợp lý, khả thi, có bố trí khu vực tái định cư với đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu, giúp người dân thuộc diện di dời sớm ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội”, bà Thu Hằng nói.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho hay trong thời gian qua, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia cũng đã hỗ trợ hội Khmer Việt Nam tại Campuchia, giúp nhiều hộ dân người gốc Việt chuyển đến nơi ở mới theo chủ trương của chính quyền Campuchia. Và đến nay, cuộc sống của một số bà con đã di dời bước đầu đi vào ổn định, theo người phát ngôn Thu Hằng.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình triển khai kế hoạch di dời của Campuchia, và tình hình của cộng đồng người gốc Việt tại đây, phối hợp với Hội Khmer Việt Nam tại Campuchia để kịp thời có các biện pháp hỗ trợ cần thiết.
Tờ Khmer Times cho biết lệnh di dời này buộc người sống trên làng nhà nổi phải rời đi trong vòng 7 ngày. Thời hạn gấp rút này đẩy nhiều gia đình ngụ tại đây vào tình cảnh khó khăn.
Được biết khoảng 700 hộ gia đình nghèo đã chịu ảnh hưởng từ lệnh nêu trên, và đã kêu gọi sự giúp đỡ từ Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Trả lời Khmer Times, các hộ gia đình này nói rằng họ sẵn sàng tuân lệnh di dời, nếu chính quyền hoặc Thủ tướng Hun Sen tìm giải pháp tái định cư.
Sông Tonle Sap dài 120km, nối hồ Tonle Sap với sông Mekong. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á.