TP.HCM cần hơn 970.000 tỉ đồng vốn cho giao thông trong 10 năm tới
TP.HCM cần hơn 970.000 tỉ đồng vốn cho giao thông trong 10 năm tới
UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch thực hiện đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030.
Thêm hàng ngàn km đường giao thông
Theo nội dung đề án, TP.HCM đặt chỉ tiêu trong 10 năm (2020 – 2030), phát triển thêm 652,11 km đường bộ, 211,97 km đường sắt, BRT, 365,56 km đường thủy nội địa; Xây dựng 81 dự án cầu lớn, 15 nút giao thông lớn, 31 dự án giao thông tĩnh; Triển khai 7 dự án thuộc chương trình đô thị thông minh và đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường cao tốc, quốc lộ kết nối TP.HCM với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo quy hoạch được phê duyệt. Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đến năm 2030 ước đạt 17,8%, gấp hơn 2 lần so với hiện nay. Mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố khi đó ước đạt 3,10km/km2.
Tổng mức đầu tư dự kiến là 970.654 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách khoảng 399.729 tỉ đồng; nguồn vốn khác (Trung ương, ODA, PPP…) khoảng 570.925 tỉ đồng.
Trong năm 2021, TP.HCM dự kiến hoàn thành các công trình sau: Xây dựng hoàn thành 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ thiêm; Cầu Thủ Thiêm 2; Mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy); Sửa chữa và nâng cấp đường Tỉnh lộ 9 (Đặng Thúc Vịnh); Đầu tư hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Xây dựng cầu vượt trước Bến xe miền Đông mới trên Xa lộ Hà Nội; Cầu Long Kiểng; Xây dựng mới cầu Hang Ngoài, quận Gò Vấp; Cầu Vàm Sát 2, huyện Cần Giờ…
Tập trung cho các công trình trọng điểm, cấp bách
Các dự án trọng điểm, cấp bách lập, trình thông qua chủ trương đầu tư trong năm nay gồm: Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài; Khép kín đường Vành đai 2; Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa); Mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh; Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu); Xây dựng nút giao An Phú; Làm cầu đường Nguyễn Khoái, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, cầu Cát Lái, cầu đường Bình Tiên, cầu Rạch Dơi, cầu Bình Quới, cầu Bình Quới – Rạch Chiếc và xây dựng 2 cầu trên tuyến đường N2, đường N4 để kết nối giao thông với lô đất ký hiệu 7-1 thuộc khu chức năng số 7 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm…
Đồng thời, trình thông qua chủ trương làm đường trên cao số 1 (từ nút giao Cộng Hòa đến đường Ngô Tất Tố); Đường trên cao số 5 (đoạn Nút giao Trạm 2 – An Sương); Các tuyến đường trục chính, xuyên tâm: xây dựng hoàn chỉnh trục đường Bắc – Nam (đoạn từ Nguyễn Văn Linh – cầu Bà Chiêm); xây dựng hoàn chỉnh mặt cắt ngang Vành đai 2 (đường Võ Chí Công) từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Nguyễn Duy Trinh – Vành đai 2…
Tổng số vốn TP.HCM cần huy động để thực hiện các dự án trên là 137.638 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách khoảng 63.750 tỉ đồng, vốn khác (Trung ương, ODA, PPP…) khoảng 73.888 tỉ đồng. Tổng vốn ngân sách thành phố đề xuất giao Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông và các đơn vị thuộc Sở GTVT trong năm 2021 khoảng 4.905 tỉ đồng.
Từ nay đến 2025, TP.HCM cũng sẽ tập trung hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành – Suối Tiên); Triển khai xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 (tuyến Bến Thành – Tham Lương) và tuyến số 5 giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn); Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – cảng hàng không quốc tế Long Thành. Song song, hoàn thiện cụm cảng trung chuyển – ICD, phường Long Bình, TP.Thủ Đức; cảng cạn ICD khu vực Củ Chi (trung tâm Logistics Củ Chi); Bến xe hàng… để phát triển giao thông thủy. Nhu cầu vốn cho giai đoạn 2021 – 2025 dự kiến là 553.515 tỉ đồng.
HÀ MAI
TNO