Vắc xin Trung Quốc hiệu quả đến đâu?
Vắc xin Trung Quốc hiệu quả đến đâu?
Dù vắc xin COVID-19 của Trung Quốc có hiệu quả thấp hơn 7 loại vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới thông qua như Pfizer/BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson, AstraZeneca… nhưng lại mang đến hy vọng cho nhiều nước nghèo và đang phát triển.
Giới chuyên môn đánh giá vắc xin của Trung Quốc “hiệu quả trung bình” nhưng rất hiệu quả trong việc ngăn bệnh nhân COVID-19 trở nặng và tử vong. Đó chính là “chiếc phao cứu sinh” cho nhiều nước nghèo để tránh quá tải hệ thống y tế, trong bối cảnh nguồn cung vắc xin khan hiếm. WHO ước tính chỉ mới có 0,2% dân số ở các nước nghèo được tiêm ngừa COVID-19.
Tạo kháng thể ít, nhưng…
WHO mới đây đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin COVID-19 thứ hai do Trung Quốc sản xuất là CoronaVac của Hãng dược Sinovac Biotech. CoronaVac chỉ có hiệu quả 51% trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, nhưng các nhà nghiên cứu nói nó vẫn có ích nhờ bảo quản được ở nhiệt độ 2 – 8oC, so với vắc xin sử dụng công nghệ mRNA phải trữ ở nhiệt độ âm sâu (-80 đến -60oC).
“CoronaVac là vắc xin an toàn và có hiệu quả trung bình, nó sẽ góp phần quan trọng cho cuộc chiến toàn cầu chống COVID-19” – Murat Akova, nhà nghiên cứu lâm sàng bệnh truyền nhiễm từ Đại học Hacettepe (Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ), đánh giá.
Các nhà nghiên cứu nhận xét mấu chốt nằm ở công nghệ. CoronaVac dùng virus bất hoạt để kích thích hệ miễn dịch sinh ra kháng thể, nhưng kháng thể này đa dạng và không phải loại nào cũng vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 thành công.
Vắc xin bào chế theo công nghệ mới mRNA như Pfizer/BioNTech và Moderna thì mã hóa protein “gai” tương tự của virus dùng xâm nhập tế bào người, từ đó kích thích hệ miễn dịch sinh ra một lượng lớn kháng thể tấn công đúng protein đó. Đây có thể là lý do hiệu quả của nó cao hơn vắc xin truyền thống.
Nhưng sự khác biệt chỉ là một phần, điều quan trọng là các kết quả lâm sàng và hậu lâm sàng cho thấy CoronaVac hiệu quả 100% trong việc ngăn bệnh tiến triển nặng và tử vong. Chẳng hạn một nghiên cứu hậu lâm sàng trên 2,5 triệu người ở Chile ước tính CoronaVac hiệu quả khoảng 67% trong việc ngăn bệnh và 80% hiệu quả ngăn tử vong, bất chấp sự hiện diện của hai biến thể virus nguy hiểm là Alpha (B.1.1.7) và Gamma (P.1).
Còn theo nghiên cứu công bố ở Brazil ngày 1-6, Viện Butantan ở São Paulo ghi nhận CoronaVac giảm đáng kể ca nhiễm, nhập viện và tử vong do COVID-19 ở thị trấn Serrana – nơi gần như toàn bộ người lớn trưởng thành đã được tiêm ngừa.
Nhà virus học người Ấn Độ Gagandeep Kang – hiện là cố vấn của WHO – cho biết hầu hết vắc xin COVID-19 bao gồm 2 liều, hiện các nghiên cứu đang được tiến hành để đánh giá liệu người đã tiêm đủ 2 liều có cần thêm liều bổ sung không. Câu hỏi này đặc biệt quan trọng với những ai xài vắc xin CoronaVac và Sinovac của Trung Quốc vì chúng sinh ra kháng thể ít hơn.
Châu Âu đang xem xét
Ngoài CoronaVac, WHO đã thông qua vắc xin Sinovac (Sinopharm, Trung Quốc) hiệu quả khoảng 79% cách đây hơn một tháng. Cả hai loại vắc xin đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới, chủ yếu là các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latin… Và khoảng một nửa dân số gần 1,4 tỉ người của Trung Quốc đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin nội địa.
Giờ đây với sự cho phép của WHO, hai loại vắc xin Trung Quốc sẽ được phân phối rộng rãi hơn đến các nước có thu nhập thấp thông qua Sáng kiến tiếp cận vắc xin toàn cầu (COVAX).
Thời gian đầu, thế giới có luồng ý kiến thận trọng với vắc xin Trung Quốc vì nước này không công bố đầy đủ dữ liệu lâm sàng, cộng thêm với hiệu quả bị thổi phồng so với thực tế. Nhưng hôm 4-5, Cơ quan Y tế châu Âu (EMA) thông báo đã bắt đầu quá trình xét duyệt với vắc xin Sinovac.
Theo báo The Journal của Ireland, động thái của EMA là bước đầu tiên tiến tới khả năng vắc xin Trung Quốc được duyệt sử dụng ở EU. Một bác sĩ Ireland nhận xét ông “không thấy có lý do gì” EU không cấp phép cho hai vắc xin Trung Quốc, vì ít nhất chúng đã đủ tốt để WHO thông qua.
“Tối thiểu thì các loại vắc xin đã thông qua ở Trung Quốc nên được EU công nhận thông qua Hộ chiếu tiêm chủng điện tử EU, trao cho người đã tiêm ngừa sự công nhận giống như dân châu Âu đã tiêm vắc xin khác” – vị bác sĩ bình luận.
Trả lời The Journal, một chuyên gia của Bộ Y tế Ireland cho biết nước này có thể không cần đến vắc xin Trung Quốc, nhất là nếu người dân lo lắng. Hiện nay nguồn cung vắc xin COVID-19 ở châu Âu đã ổn định nên cần tránh tâm lý ngại vắc xin, chỉ sử dụng những loại có hiệu quả cao và ít tác dụng phụ nhất (như Pfizer).
Tăng sản xuất vắc xin
Theo báo China Daily, Bộ Y tế Trung Quốc cho biết đã cung cấp hơn 350 triệu liều vắc xin COVID-19 nội địa cho các nước và đang tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu của các quốc gia đang phát triển.