Serbia, Argentina sản xuất vắc xin Sputnik V
Serbia, Argentina sản xuất vắc xin Sputnik V
Serbia và Argentina bắt đầu sản xuất vắc xin COVID-19 Sputnik V của Nga, góp phần bổ sung thêm nguồn cung vắc xin vốn đang thiếu hụt trên toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo thiếu 200 triệu liều cho COVAX.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic ngày 4-6 đã tham dự trực tuyến lễ khởi động dây chuyền sản xuất vắc xin Nga – Serbia với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Chúng tôi đang bắt đầu sản xuất 4 triệu (liều) vắc xin Sputnik V” – ông Vucic cho biết.
Sau Belarus, Serbia là quốc gia châu Âu thứ hai ngoài Nga sản xuất vắc xin COVID-19 Sputnik V của Nga.
Theo Đài truyền hình Serbia (RTS), những liều vắc xin Sputnik V đầu tiên, do Viện Virus, vắc xin, và huyết thanh nhà nước sản xuất, sẽ được phân phối đến các điểm tiêm chủng trên toàn Serbia trong vòng 10 ngày.
Bên cạnh đó, theo Hãng thông tấn TASS, ông Putin và người đồng cấp Argentina Alberto Fernandez ngày 4-6 cũng theo dõi lễ khởi động dây chuyền sản xuất vắc xin Sputnik V tại Argentina qua video trực tuyến trong khi tham dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg đang diễn ra ở Nga.
Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) – đơn vị phụ trách việc tiếp thị vắc xin của Nga ra thế giới – cho biết vắc xin Sputnik V sản xuất tại Serbia và Argentina sẽ đáp ứng nhu cầu ở hai nước này trước khi xuất đi nước ngoài.
Cho tới nay, khoảng 1/3 trong số 7 triệu dân của Serbia đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin COVID-19.
Quốc gia châu Âu này đang tiêm chủng toàn dân bằng vắc xin Sputnik V (Nga), vắc xin COVID-19 của hãng Sinopharm (Trung Quốc) cũng như của các hãng Pfizer/BioNTech và AstraZeneca.
Chính phủ Serbia cũng đã tặng vắc xin cho các nước Montenegro, Bosnia và Herzegovina, Bắc Macedonia và Czech.
Trong diễn biến khác, WHO ngày 4-6 cảnh báo việc thiếu hụt khoảng 200 triệu liều vắc xin COVID-19 trong tháng 6 và 7 có thể làm giảm hiệu quả của việc triển khai vắc xin trong chương trình COVAX.
Cho tới nay COVAX – cơ chế được thành lập năm 2020 nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận vắc xin một cách công bằng, nhanh chóng và bình đẳng trên toàn thế giới – đã phân phối hơn 80 triệu liều vắc xin cho 129 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, ông Bruce Aylward, quan chức WHO phụ trách COVAX, cho biết chương trình vẫn còn “thiếu khoảng 200 triệu liều so với dự kiến của chúng tôi”.
“Chúng ta sẽ thất bại nếu không sớm có thêm vắc xin” – ông Aylward tiếp.
COVAX dự tính cung cấp vắc xin cho 30% dân số ở 92 quốc gia và vùng lãnh thổ nghèo nhất thế giới. Nhưng chương trình này đang bị ảnh hưởng vì sự bất bình đẳng và chậm trễ trong phân phối vắc xin trên toàn cầu.
Theo Hãng tin AFP, tính đến ngày 3-6, thế giới đã đạt mốc 2 tỉ liều vắc xin được tiêm cho người dân toàn cầu.
Tuy nhiên, 37% trong số này được tiêm cho người dân ở các nước có thu nhập cao nhưng chỉ chiếm 16% dân số toàn cầu. Chỉ mới có 0,3% người ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, chiếm 9% dân số thế giới, được tiêm vắc xin.