18/11/2024

‘Giải cứu’ Gò Vấp

‘Giải cứu’ Gò Vấp

Sau 2 ngày giãn cách xã hội, các chốt kiểm soát dịch ở Q.Gò Vấp, TP.HCM đã bộc lộ nhiều lúng túng, cần sự hỗ trợ từ TP.HCM và các quận giáp ranh.
Ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại chốt kiểm soát dịch trên đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp, TP.HCM) sáng 1.6
Ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại chốt kiểm soát dịch trên đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp, TP.HCM) sáng 1.6
Giờ cao điểm sáng 1.6 tái diễn cảnh cả ngàn người chôn chân tại nhiều chốt kiểm soát người và phương tiện ra vào Q.Gò Vấp. Tại chốt kiểm soát trên đường Phan Văn Trị đã xảy ra “lớn tiếng” giữa người dân với lực lượng thực thi công vụ. Trước luồng phương tiện nối dài, nhiều nơi buộc phải xả chốt, giống như ngày đầu tiên (31.5).

Địa phương lúng túng

Theo lý giải của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng áp dụng toàn quốc, bây giờ TP.HCM chỉ áp dụng cho Q.Gò Vấp và P.Thạnh Lộc (Q.12) trong khi nhu cầu giao dịch, di chuyển giữa người dân từ nơi khác đến Gò Vấp (và ngược lại) rất lớn nên bước đầu sẽ gặp khó khăn. Trước tình huống “vỡ trận” của Q.Gò Vấp, UBND TP.HCM đã lập đoàn công tác do Phó chủ tịch Dương Anh Đức làm trưởng đoàn cùng các sở ngành xuống lắng nghe khó khăn để có biện pháp xử lý, đặc biệt là vấn đề giao thông, lưu chuyển hàng hóa.
Tại buổi làm việc với UBND TP.HCM chiều 1.6, ông Đỗ Anh Khang, Phó chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, nhìn nhận việc giám sát người và phương tiện ra vào quận trong 2 ngày qua “chưa thể làm tròn” theo đúng, đủ các yêu cầu của Chỉ thị 16 do đây là lần đầu tiên áp dụng. Lý do được đưa ra là quận có dân số đông (gần 700.000 người) cùng với khoảng 31.000 hộ kinh doanh cá thể (hơn 60.000 lao động) và hơn 20.000 doanh nghiệp (DN – khoảng 174.000 lao động). Từ tối 30.5, sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND TP.HCM, quận đã gửi văn bản đến các DN yêu cầu các DN tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Với yêu cầu của Chỉ thị 16 là không được “ngăn sông cấm chợ”, người dân ở một số lĩnh vực thiết yếu vẫn đi làm nên vào lúc cao điểm, phương tiện giao thông dồn về đông, buộc phải xả chốt.
'Giải cứu' Gò Vấp - ảnh 2
Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, thừa nhận địa phương lúng túng khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 bởi đây là công việc khó và chưa có tiền lệ. Ngoài giải quyết nhu cầu đi lại cho gần 700.000 người dân của quận, lực lượng chức năng còn phải đảm bảo nhu cầu của khoảng 300.000 người đi qua các tuyến đường của địa bàn trong khi tổng số cán bộ, công chức, viên chức… chỉ có 4.000 người. Mặt khác, sau khi lấy mẫu xét nghiệm tầm soát diện rộng, số ca nhiễm ngày càng tăng khiến quận rất băn khoăn, nếu không giải được bài toán này thì vừa không hoàn thành nhiệm vụ thành phố giao, vừa mắc cỡ với người dân.

Linh hoạt các giải pháp

Tại buổi làm việc, Q.Gò Vấp đề nghị TP.HCM hỗ trợ lực lượng trực chốt, điều chỉnh lại vị trí các chốt cho phù hợp, hướng dẫn cụ thể loại hình sản xuất, kinh doanh nào là thiết yếu để địa phương làm cơ sở hạn chế người và phương tiện không thuộc các lĩnh vực đó ra vào.
Thiếu tướng Cao Đăng Hưng, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết sẵn sàng chỉ đạo công an các địa phương và phòng chuyên môn hỗ trợ Q.Gò Vấp trong việc kiểm soát người và phương tiện. Theo ông Hưng, các chốt kiểm soát giao thông có thể nằm ở các quận giáp ranh thay vì nằm tại Q.Gò Vấp.
Ông Dương Anh Đức khẳng định việc lập chốt kiểm soát là cần thiết nhưng cần điều chỉnh, phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần sự phối hợp với các quận giáp ranh (Q.12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình) để giảm áp lực giao thông tại các vị trí lập chốt. Ông Đức nhấn mạnh quận giáp ranh cần xem đây là nhiệm vụ chứ không phải Q.Gò Vấp “nhờ vả” để kiểm soát dịch trên toàn TP nói chung và Q.Gò Vấp nói riêng, chốt kiểm soát trên địa bàn nào thì địa phương đó chịu trách nhiệm.
Về phương pháp kiểm soát người và phương tiện qua các chốt, ông Đức cho rằng cần thiết lập 2 hệ thống chốt khác nhau, ngoài chốt lớn ở các cửa ngõ thì có thêm chốt nhỏ ở các khu vực có nguy cơ cao như khu vực cách ly, phong tỏa, trong đó các chốt nhỏ cần kiểm soát chặt chẽ hơn.

Kiểm soát qua camera

Chiều 1.6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức làm việc với Q.12 để tháo gỡ các khó khăn sau khi áp dụng Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng tại P.Thạnh Lộc.
Ông Hồ Tấn Thành, Chủ tịch UBND P.Thạnh Lộc, nêu khó khăn của phường là có nhiều đường nhỏ đi ra các nơi khác nên lực lượng chức năng không thể dàn trải để chốt chặn, đồng thời đề nghị tăng cường lực lượng. Ông Thành cho biết đã lấy hơn 11.000 mẫu xét nghiệm trong tổng số hơn 62.000 dân, đêm 1.6 lấy thêm 20.000 mẫu.
Ông Dương Anh Đức đề nghị P.Thạnh Lộc tận dụng hệ thống camera để giám sát việc đi lại qua các tuyến đường, hẻm kết hợp với tuyên truyền, xử phạt nghiêm để răn đe. Địa phương không được “ngăn sông, cấm chợ”, mà phải duy trì các hoạt động sản xuất, hoạt động thiết yếu cho người dân.
Ông Đức giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM và Trung tâm y tế Q.12 rà soát kỹ nguồn gốc của 23 ca dương tính trên địa bàn quận, đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại P.Thạnh Lộc và lấy mẫu thêm ở các khu dân cư của P.Tân Thới Nhất. Ngoài ra, UBND Q.12 cần “chia lửa” với Q.Gò Vấp trong kiểm soát các khu vực tiếp giáp bởi hiện Q.Gò Vấp đang phải chịu áp lực rất lớn, đồng thời hỗ trợ các gia đình khó khăn và người dân trong khu vực phong tỏa, khu cách ly.
Song Mai – Khánh Trần
Ở các chốt chính, lực lượng túc trực kiểm tra theo xác suất dựa trên mật độ lưu thông cụ thể trên các tuyến đường ở từng thời điểm. Vào giờ cao điểm khi lượng phương tiện quá đông, lực lượng chức năng không kịp thời gian xem xét hết thì kiểm tra theo xác suất. Còn khi thấp điểm thì tăng tỷ lệ kiểm soát lên hoặc kiểm soát chặt chẽ 100%. “Cần áp dụng các giải pháp uyển chuyển nhưng phải đảm bảo nghiêm minh”, ông Đức yêu cầu.
Ông Đức đề nghị Q.Gò Vấp rà soát, lập danh mục các hoạt động sản xuất, kinh doanh không cấp thiết cần phải dừng hoạt động, loại hình nào được phép hoạt động thì chủ cơ sở phải cam kết người lao động đi thẳng vào công ty, không la cà sau giờ làm việc.
SỸ ĐÔNG
TNO