Khoảng 8 giờ 30 sáng 31.5, người mua bắt đầu đến các siêu thị và đông dần đến 11 giờ trưa. Ghi nhận của
Thanh Niên tại các siêu thị GO!, BigC, LotteMart, Co.opMart ở Q.10, Q.11, Q.7… cho thấy, hàng hóa nhu yếu phẩm đầy ắp trong siêu thị, giá cả không tăng, thậm chí nhiều thực phẩm thiết yếu giảm giá mạnh. Trưa 31.5, tại LotteMart, móng giò heo từ 114.000 đồng/kg giảm còn 100.000 đồng/kg, gạo Hương Sen Minh Tâm từ 148.000 đồng giảm còn 119.000 đồng/bịch 5 kg, mì gói Omachi 36.000 đồng còn 32.500 đồng/lốc 5 gói. Tại siêu thị Co.opMart trên đường Lữ Gia (Q.11), cà rốt Đà Lạt từ 18.000 đồng xuống 12.000 đồng/kg, thịt cốt lết heo từ 146.000 đồng xuống 124.000 đồng/kg, thịt heo xay từ 165.000 đồng về 142.000 đồng/kg, nhiều mặt hàng trái cây tươi được giảm 15% giá.
Quan điểm của chúng tôi là phải chủ động phục vụ và mang lại dịch vụ tối ưu nhất cho người tiêu dùng trong kỳ giãn cách. Tránh cho người tiêu dùng tâm lý lo lắng thiếu thực phẩm để phải mua dự trữ không cần thiết và không bảo đảm chất lượng tươi như mong muốn.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail (sở hữu chuỗi GO!, BigC) tạiViệt Nam
Đến chiều cùng ngày, thông tin từ nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm, hàng hóa đã được bổ sung nhiều hơn, giá cả vẫn ổn định. Bà Nguyễn Thị Ngọc Thương, phụ trách hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh, cho biết chỉ riêng tại TP.HCM có hơn 400 cửa hàng Bách Hóa Xanh và đang mở cửa hoạt động bình thường. Lượng khách trong ngày đầu tuần cũng tăng so với tuần trước. Trước đó một ngày, sau khi TP.HCM có thông báo sẽ thực hiện giãn cách kể từ 0 giờ ngày 31.5, thì lượng khách hàng mua sắm tại hệ thống tăng đột biến khiến một số mặt hàng như mì ăn liền, bún khô, miến, phở khô… hết sạch. Tuy nhiên đến chiều qua, nguồn hàng đã được bổ sung liên tục và đảm bảo nhu cầu của người tiêu dùng với giá ổn định, một số mặt hàng tăng nhẹ 3 – 5% do nhu cầu tăng cao đột ngột và nguồn cung không kịp. Chẳng hạn, nhóm hàng rau xanh do 2 tuần qua miền Nam vào mùa mưa nên tỷ lệ bị dập nát, hư hỏng tăng cao nên giá đã bắt đầu tăng. Hoặc hàng đông mát như chả giò, nem… khi nhu cầu tăng nên phải tăng sản xuất cũng như việc vận chuyển bằng xe lạnh gặp khó khăn hơn nên giá cũng nhích nhẹ. Tuy nhiên, mức tăng không đáng kể, đa số giá bình ổn và một số mặt hàng cũng được giảm giá để kích cầu.
Hệ thống bán lẻ Bách Hóa Xanh cũng dự báo
đơn mua hàng online sẽ tăng gấp 2 – 3 lần so với ngày thường và đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực để đáp ứng nhu cầu này với khoảng 2.000 đơn hàng/ngày. Tương tự, đại diện chuỗi bán lẻ
VinMart cũng cho hay, lượng đơn đặt hàng online tăng gấp đôi so với ngày thường. Trong đó, nhóm hàng hóa nhu yếu phẩm, đặc biệt là hàng tươi sống như thịt sạch MeatDeli và gà tươi 3F tăng trưởng mạnh nhất, các siêu thị liên tục bổ sung nguồn hàng nhiều lần mới đủ hàng bán cho khách. Hệ thống siêu thị Saigon Co.op cũng dự báo lượng đặt hàng qua điện thoại có thể tăng cao từ 2 – 5 lần nên cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực để tiếp nhận và giao hàng tại nhà cho người dân.
Tăng gấp đôi nguồn hàng dự trữ
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện các chuỗi bán lẻ hiện đại đều khẳng định lượng hàng dự trữ để cung ứng ra thị trường đợt dịch này tăng gấp đôi so với ngày thường.
Đại diện chuỗi siêu thị GO!, BigC cho biết: “Hiện toàn bộ kho hàng của chúng tôi bao gồm cả kho chứa hàng mát, hàng tươi và đông lạnh đều được chuẩn bị đầy đủ. Ngay sản phẩm chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay… dự phòng đủ bán cho 4 tháng tới, tính từ tháng 5. Đặc biệt, thực hiện giao hàng tại nhà miễn phí cho hóa đơn trên 200.000 đồng, trong bán kính 10 km”.
Hôm qua, Tập đoàn
Masan cho biết đã đưa thịt sạch MeatDeli và gà tươi 3F phủ đủ trong 18 siêu thị VinMart và gần 500 cửa hàng VinMart+ tại TP.HCM. Người tiêu dùng đặt hàng qua vinmart.com, sàn thương mại điện tử lazada.vn, sau 4 tiếng đã có hàng tại nhà. “Trong thời đại
công nghệ 4.0, nền tảng công nghệ hiện đại sẽ quyết định thị trường bán lẻ, VinMart ngoài việc tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, luôn chú trọng kết hợp giữa bán lẻ offline và online. Với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, tạo điều kiện tối đa cho khách hàng mua sắm nhanh, gọn, tiện lợi là lối phục vụ mà chúng tôi chú tâm thực hiện”, vị này cho hay.
Còn ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, khẳng định: “Hai nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của Saigon Co.op là đảm bảo an ninh lương thực và đảm bảo môi trường mua sắm an toàn cho người dân, trong đó các phương án vận chuyển hàng hóa, cách ly nếu cần thiết… cũng phải được nhà bán lẻ lên sẵn nhiều kịch bản để hoàn toàn chủ động đối phó dịch. Đồng thời, các mặt
hàng nhu yếu phẩm và thực phẩm sẽ được Saigon Co.op phối hợp với các nhà cung cấp, đối tác luân phiên giảm giá, khuyến mãi để chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng, tăng cường bán hàng qua điện thoại, giao hàng tận nơi. Với nguồn hàng dồi dào và ổn định trong thời gian dài, khách hàng hoàn toàn yên tâm mua sắm”.