17/11/2024

Hồi hộp thử nghiệm ‘hộ chiếu vắc xin’

Hồi hộp thử nghiệm ‘hộ chiếu vắc xin’

Vietnam Airlines đã trở thành hãng hàng không đầu tiên tại VN ký thoả thuận với Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) để thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khoẻ điện tử IATA Travel Pass.
Việc đẩy nhanh tiêm vắc xin kết hợp với “hộ chiếu vắc xin” sẽ thúc đẩy lộ trình mở cửa trở lại thị trường du lịch quốc tế /// Ảnh: Ngọc Thắng - IATA
Việc đẩy nhanh tiêm vắc xin kết hợp với “hộ chiếu vắc xin” sẽ thúc đẩy lộ trình mở cửa trở lại thị trường du lịch quốc tế   ẢNH: NGỌC THẮNG – IATA

Thử nghiệm trong 2 tháng

Trao đổi vớiThanh Niên hôm qua (31.5), ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines, cho biết Chính phủ đã đồng ý cho Vietnam Airlines, thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu IATA Travel Pass ngay trong tháng 6, dự kiến thời gian thử nghiệm sẽ kéo dài trong 2 tháng. “Dù tại thời điểm này, Việt Nam chưa có kế hoạch mở cửa trở lại các đường bay quốc tế, song việc đẩy nhanh tiêm vắc xin trong nước kết hợp với các giải pháp như “hộ chiếu vắc xin” sẽ thúc đẩy lộ trình mở cửa trở lại thị trường quốc tế, đặc biệt là du lịch”, ông Tuấn cho hay.
IATA Travel Pass tích hợp một số giải pháp số hàng đầu như du lịch không tiếp xúc, dữ liệu sinh trắc học, chứng nhận sức khỏe điện tử như kết quả xét nghiệm, tiêm vắc xin phòng Covid-19, đặc biệt thuận tiện và hiệu quả khi có thể thay thế cho các loại thủ tục bằng giấy tờ hiện nay. Đây được coi là chìa khóa mở cửa biên giới, tạo điều kiện cho hành khách đi lại thuận lợi giữa các quốc gia, đồng thời đáp ứng mọi yêu cầu nhập cảnh của các cơ quan chức năng và chính phủ tại điểm đến.
Hiện tại Singapore, Panama và Estonia là 3 quốc gia đã chính thức đồng ý cho phép hành khách sử dụng ứng dụng này khi nhập cảnh. Tại các điểm làm thủ tục trước khi khởi hành ở sân bay Changi (Singapore), hành khách chỉ cần cung cấp tình trạng đã được xác nhận (kết quả xét nghiệm Covid-19, chứng nhận tiêm chủng) trên ứng dụng cho nhân viên hãng hàng không Singapore (SIA). Tuy nhiên, để phù hợp với các quy định phòng, chống dịch hiện hành, khách hàng cũng cần mang theo giấy chứng nhận y tế của phòng khám thực hiện xét nghiệm Covid-19.
Tại Hàn Quốc, Korean Air cũng tham gia thử nghiệm này với các chuyến bay từ Incheon đến Los Angeles (Mỹ), sau khi thử nghiệm nội bộ vào tháng 4. Một số hãng hàng không khác như Air New Zealand, Qatar Airways và Malaysia Airlines cũng thông báo sẽ bắt đầu thử nghiệm IATA Travel Pass.
Tuy nhiên, việc còn ít quốc gia đồng ý IATA Travel Pass có thể khiến hiệu quả việc áp dụng hộ chiếu này trong thực tế không cao. Trước vấn đề này, theo ông Tuấn, dù số lượng các nước chính thức áp dụng chưa nhiều, song theo số liệu từ IATA, hiện có hơn 70 nước đã đồng ý về mặt chủ trương sẽ tham gia thử nghiệm Travel Pass. Số lượng các nước thử nghiệm và chấp thuận IATA Travel Pass càng nhiều thì hiệu quả càng lớn. Song việc áp dụng liên quan đến dữ liệu công dân từng nước cũng như kết nối hệ thống giữa các chính phủ nên vẫn cần lộ trình.
Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, giải pháp hộ chiếu sức khỏe điện tử như IATA Travel Pass nên được các chính phủ cho phép và công nhận rộng rãi, giúp nhanh chóng khôi phục vận tải hành khách quốc tế thường lệ. Mục tiêu quan trọng nhất là khôi phục niềm tin của hành khách khi đi máy bay và đảm bảo trải nghiệm du lịch an toàn và liền mạch cho tất cả mọi người.
Hiện tại Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT báo cáo các cấp có thẩm quyền triển khai cơ chế này để đẩy nhanh việc mở lại các đường bay quốc tế thường lệ chở khách đến Việt Nam.

Vẫn chờ công nhận để miễn cách ly

Cũng theo ông Đặng Anh Tuấn, kết quả thử nghiệm sẽ được Vietnam Airlines báo cáo lên các cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc có áp dụng chính thức hay không còn tùy thuộc vào lộ trình tiêm vắc xin trong nước cũng như việc sẽ áp dụng thời gian cách ly bao lâu với khách nhập cảnh. Mặt khác, việc áp dụng “ hộ chiếu vắc xin” cũng sẽ gặp khá nhiều rào cản. “Trên thế giới, giữa các nước vẫn chưa thống nhất về các loại vắc xin, có nước chấp nhận loại này nhưng có nước lại không chấp nhận. Thời gian cách ly bao lâu cũng cần tính toán, vì nếu theo quy định cách ly của Việt Nam hiện nay là 21 ngày để đảm bảo quy trình chống dịch chặt chẽ, thì có thể sẽ chưa thể thu hút khách du lịch”, ông Tuấn nói.
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), đánh giá việc Vietnam Airlines thông báo thử nghiệm IATA Travel Pass là tín hiệu bước đầu để thiết lập nền tảng triển khai chương trình “hộ chiếu vắc xin” của Việt Nam. Tuy nhiên, IATA Travel Pass mới chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ cho quan hệ giữa hành khách với hãng hàng không để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu kiểm soát dịch bệnh của mỗi quốc gia trong hành trình. Nói cách khác, đây chỉ là một giải pháp mang tính kỹ thuật, kết nối, cung cấp thông tin kết nối giữa hàng không, hành khách, hệ thống kiểm soát dịch bệnh của các nước. Muốn công cụ này thực sự có ý nghĩa, phát huy hết vai trò thì phải có cơ sở pháp lý, Chính phủ phải chính thức công nhận “hộ chiếu vắc xin”, miễn cách ly đối với những người đã tiêm chủng. Do đó, song song với việc hãng hàng không thử nghiệm, Chính phủ Việt Nam cần xúc tiến việc thỏa thuận với các tổ chức, quốc gia, khối quốc gia để đi đến thống nhất công nhận vắc xin, công nhận “hộ chiếu vắc xin”, dần mở cửa quốc tế.
Theo ông Nam, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thời gian từ nay cho tới khi Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng phạm vi quốc gia thông qua việc phổ cập tiêm phòng vắc xin có thể còn xa, kéo dài ít nhất đến giữa năm 2022. Từ giờ đến lúc đó, không thể “bó gối” ngồi nhìn doanh nghiệp hàng không và du lịch ngắc ngoải mà phải tìm cho mình những cánh cửa để sống, làm việc, kinh doanh.
“Thái Lan đang trong những ngày tháng khó khăn nhất từ đầu dịch bệnh đến giờ, nhưng họ vẫn quyết định tháng 7 tới sẽ chính thức mở cửa Phuket, chào đón du khách đã có “hộ chiếu vắc xin”. Có thể hình dung, từ nay đến lúc đó, họ đã hoàn thành hoặc tương đối hoàn thành chương trình tiêm vắc xin cho đại đa số người dân tại Phuket, để yên tâm đón du khách đã có kháng thể. Tương tự, nếu Chính phủ Việt Nam có chủ trương triển khai “hộ chiếu vắc xin”, muốn sáng tạo, hiệu quả hơn trong việc hồi phục kinh tế trong và sau khi phổ cập vắc xin thì cần có kế hoạch cụ thể để sắp xếp thứ tự ưu tiên đối tượng tiêm phòng cũng như chuẩn bị đầy đủ hành lang pháp lý cho “tấm thẻ xanh” đặc biệt này”, ông Nam đề xuất.
MAI HÀ – HÀ MAI
TNO