Làng hoa kiểng miền Tây lo vụ tết
Còn hơn 1 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Mậu Tuất, nhưng ngay từ thời điểm này, tại các làng hoa ở miền Tây, nhà vườn đã bắt đầu tất bật chuẩn bị phục vụ thị trường với đủ chủng loại kiểng truyền thống và mới lạ.
Làng hoa kiểng miền Tây lo vụ tết.
Còn hơn 1 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Mậu Tuất, nhưng ngay từ thời điểm này, tại các làng hoa ở miền Tây, nhà vườn đã bắt đầu tất bật chuẩn bị phục vụ thị trường với đủ chủng loại kiểng truyền thống và mới lạ.
Những ngày này, không khí tại các làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), Chợ Lách (Bến Tre), Phó Thọ – Bà Bộ (TP.Cần Thơ) sôi động hẳn lên. Để có những bông hoa đẹp nhất kịp ra chợ tết, nhà vườn phải làm việc không ngơi tay, tỉ mỉ chăm sóc từng luống hoa, tưới nước, tỉa cành… Tuy nhiên, bên cạnh sự tất bật là nỗi lo một mùa vụ không nhiều thuận lợi.
Sản lượng giảm, chi phí cao nên giá tăng
Theo thống kê của Phòng Kinh tế TP.Sa Đéc (Đồng Tháp), diện tích trồng hoa phục vụ tết ở làng hoa Sa Đéc gần 100 ha của khoảng 2.000 hộ dân. Các loại hoa được trồng nhiều nhất là hồng, dạ yến thảo, cát tường, vạn thọ, lan ý mỹ và các loại cúc.
Ông Trần Văn Tiếp, một nhà vườn ở xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc (Đồng Tháp), chuẩn bị khoảng 1.000 chậu dưa pepino. Ngoài ra, ông cho biết sẽ đưa ra thị trường các giống cây kiểng mới lạ như hương thảo, hoành oanh… với giá dự kiến 500.000 – 1 triệu đồng/chậu. Theo ông, năm nay tại TP.Sa Đéc, ngoài những loại hoa truyền thống như cúc mâm xôi, cát tường, hồng, cúc đồng tiền, hồng tam muội, hồng nhung, vạn thọ… cùng các loại kiểng mai vàng, vạn lộc, phú quý, kim phát tài, thịnh vượng, hòn ngọc viễn đông… nhà vườn còn trồng một số loại hoa khó tính như ly, lay ơn… Tuy nhiên, do thời tiết bất thường nên sản lượng hoa bị hao hụt nhiều, chi phí phân – thuốc tăng dẫn đến khả năng giá cả tăng theo. “Hiện nhiều thương lái đã đến đặt mua với giá tăng từ 5 – 10% so với cùng kỳ năm trước”, ông Tiếp nói.
TIN LIÊN QUAN
Trái cây tạo hình chưng tết sẽ hút hàng
Tương tự, bà Hồ Thị Bé Chín đã theo nghề trồng hoa kiểng hơn 15 năm ở P.Tân Quy Đông (TP.Sa Đéc), cho biết: “Gia đình tôi đã chuẩn bị 1.000 chậu cúc tiger và 800 chậu cúc mâm xôi bán tết. Năm nay mọi thứ đầu vào đều tăng, từ giá thuê nhân công đến phân bón, giỏ đựng hoa… trong khi sản lượng giảm nên nhà vườn không lời nhiều. Lúc trước giá giỏ đựng hoa chỉ có 3.000 đồng nay lên 4.500 đồng/giỏ, phân rơm từ 20.000 đồng/bao (20 kg) tăng lên 25.000 – 28.000 đồng/bao, nhân công từ 200.000 đồng/ngày lên 300.000 đồng/ngày…”.
Cách nhà bà Chín không xa, anh Trần Văn có 1.000 chậu cúc vàng chuẩn bị bán Tết Mậu Tuất. Anh cho biết do giá phân rơm, giỏ đựng hoa đều lên nên năm nay anh dự kiến bán cúc vàng tại vườn 27.000 đồng/giỏ, cao hơn năm trước 2.000 đồng/giỏ. Nếu thương lái các tỉnh khác đến đặt hàng yêu cầu chở đến nơi thì giá bán tăng thêm từ 3.000 – 5.000 đồng/giỏ. Còn ông Trương Văn Khương (P.Long Tuyền, Q.Bình Thuỷ, TP.Cần Thơ) cho biết năm nay gia đình ông chuẩn bị 2.000 giỏ cúc Đài Loan, vạn thọ… xuất bán ra thị trường tết. Giá cả tùy thuộc giống hoa, chậu lớn hay nhỏ, nhưng nhìn chung đều tăng 5 – 10% so với tết năm rồi… Đến thời điểm này, các giống hoa phát triển tốt, ông đang xử lý liều lượng phân bón, nước tưới để hoa nở đúng dịp tết.
Canh cánh lo mai nở sớm
Năm nay nhuần 2 tháng 6 âm lịch cộng với thời tiết bất thường, mưa trái mùa kéo dài đến tháng 11 âm lịch khiến nhiều nhà vườn trồng mai tết canh cánh nỗi lo mai nở sớm, gây thất thu lớn. Dọc quốc lộ 57, đoạn từ TT.Chợ Lách đến xã Vĩnh Thành (H.Chợ Lách, Bến Tre), đã có mai vàng trổ hoa lác đác. Trong khi đó, một số nhà vườn trồng mai ở Đồng Tháp, Cần Thơ và Vĩnh Long cũng đang gặp tình trạng mai bung nụ nở sớm.
TIN LIÊN QUAN
Ông Đặng Văn Bảy (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) có trên 5.000 cây mai, dự định tết này cung ứng ra thị trường với giá 500.000 – 5 triệu đồng/cây. Thế nhưng tính đến thời điểm hiện nay, vườn mai tết của ông đã bị thất thu 20 – 30% do mai nở sớm hoặc có nguy cơ nở muộn. “Từ nay đến tết, nếu thời tiết tiếp tục xấu thì người trồng và người bán đều có thể thất thu vì chất lượng hoa không đạt yêu cầu. Tâm lý người chơi mai bao giờ cũng thích những cây hoa to, rực rỡ và nở đúng giao thừa. Do đó, những cây nở sớm hoặc nở muộn đều bị khách hàng từ chối”, ông Bảy lo lắng.
Theo ông Nguyễn Khoa Nam, một người trồng mai có kinh nghiệm ở làng mai Vĩnh Phú, H.Chợ Lách (Bến Tre), muốn có một cây mai đẹp chưng tết, người trồng phải mất từ 2 – 3 năm vô phân, tưới nước, cắt tỉa, uốn sửa, tạo dáng vô cùng vất vả. “Niềm vui lớn nhất của người trồng là cuối năm mai nở đúng ngày, được giá. Năm nào thời tiết không thuận lợi, chất lượng mai kém thì nhà vườn xem như mất tết”, ông Nam thấp thỏm.
Đặng Ngọc – Duy Tân