Nước Anh trong cuộc đối đầu Trung Quốc ở Biển Đông
Nước Anh trong cuộc đối đầu Trung Quốc ở Biển Đông
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth – biểu tượng của sức mạnh hải quân Anh bắt đầu chuyến đi dự kiến kéo dài 28 tuần, trong đó có đến Biển Đông để phản ứng hành vi của Trung Quốc ở vùng biển này.
Theo thông tin từ Brussels (Bỉ), chiều nay 27.5 (theo giờ VN), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lên thăm tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth đang tham gia cuộc tập trận Steadfast Defender 2021 của khối này. Trước đó, ngày 22.5, Nữ hoàng Anh Elizabeth II cũng đã lên thăm chiếc tàu sân bay mang tên bà.
Sau các hoạt động trên, con tàu được cho là sẽ vượt Địa Trung Hải để tiến về Thái Bình Dương, trong đó có đi qua Biển Đông và biển Philippines, trong hải trình dài khoảng 26.000 hải lý (khoảng 48.000 km) như một thông điệp khẳng định sức mạnh của hải quân Anh.
Thách thức Bắc Kinh
Đối với Anh, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth có một ý nghĩa quan trọng khi sau nhiều thập niên thì nước này – vốn là một cường quốc hải quân – mới sở hữu lại tàu sân bay. Ngay từ năm 2019, khi HMS Queen Elizabeth vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện, London đã tiết lộ sẽ chọn Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng làm điểm đến đầu tiên cho “biểu tượng” sức mạnh này.
Đến cuối năm ngoái và đầu năm nay, Anh tiếp tục nhắc lại kế hoạch vừa nêu, với mục tiêu rất rõ ràng là để phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và các khu vực lân cận. Tối 31.1, tờ Hoàn Cầu thời báo đăng bài bình luận chỉ trích việc Anh dự kiến triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay đến Biển Đông và muốn tham gia “tứ giác an ninh” (Mỹ – Nhật Bản – Úc – Ấn Độ).
Để phản đối Bắc Kinh về Biển Đông, London không chỉ tiến hành các hoạt động quân sự mà còn có biện pháp ngoại giao. Đầu tháng 9.2020, Bộ Ngoại giao Anh công bố lập trường về các vấn đề pháp lý tại Biển Đông và đặc biệt nhấn mạnh đến việc tuân thủ Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) và phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016. Cũng trong tháng 9.2020, Anh cùng Pháp và Đức gửi công hàm lên LHQ phản đối những yêu sách quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Không hề khó hiểu khi London theo đuổi những bước đi dài hơi để thách thức Bắc Kinh ở Biển Đông. Đầu tiên, đây là vùng biển cốt yếu trong hải trình giao thương của Anh. Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2019, khoảng 12% hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển, trong giao thương xuất nhập khẩu của Anh, trị giá khoảng 97 tỉ USD đi qua Biển Đông.
Vì thế, London không muốn Biển Đông bị biến thành “ao nhà” của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, khu vực tây Thái Bình Dương vốn có quan hệ gắn chặt với Anh trong hơn 100 năm qua, nên London không muốn bị “chầu rìa” ở vùng biển này.
Một lý do khác cũng không kém phần quan trọng là Anh phải chủ động “đánh chặn” việc hải quân Trung Quốc có thể vươn xa, đe dọa London. Tháng 10.2020, đô đốc Tony Radakin, Tư lệnh hải quân Anh, cảnh báo rằng biến đổi khí hậu gây băng tan giúp hình thành tuyến hàng hải mới ở Bắc Băng Dương, Trung Quốc có thể đưa hải quân tiến sát châu Âu dễ dàng hơn.
Như thế, Anh đứng trước rủi ro có thể bị 2 mũi giáp công của hải quân Trung Quốc, nhất là khi Bắc Kinh đang tăng cường thực lực tác chiến hải quân viễn chinh. Cho nên, việc điều tàu sân bay đến Biển Đông và tham gia “bộ tứ an ninh” có thể xem là biện pháp “đánh chặn”, lấy công làm thủ của Anh trước nguy cơ từ Trung Quốc.
Mối quan ngại chung của châu Âu
Nhiều nước khác ở châu Âu gần đây đã thể hiện việc không thể đứng ngoài cuộc đối với tình hình Biển Đông, khi Trung Quốc liên tục có nhiều hành động đáng quan ngại.
Tháng 12.2020, Reuters dẫn lời ông Nicolas Chapuis, Đại sứ EU ở Trung Quốc, cho rằng EU và Mỹ nên cùng hợp tác để chống lại những chiêu trò cưỡng chế ngoại giao của Bắc Kinh, đồng thời phối hợp với các bên liên quan vấn đề Biển Đông. Trong một lần trả lời Thanh Niên về động thái của các nước châu Âu đối với Biển Đông, GS luật quốc tế Jonathan G.Odom, thuộc Trung tâm George C.Marshall về an ninh châu Âu tại Garmisch -Partenkirchen (Đức), nhấn mạnh: “Nhiều quốc gia khác, bao gồm cả nhiều nước châu Âu, có lợi ích ở Biển Đông, chứ không phải chỉ tồn tại cạnh tranh Mỹ – Trung ở vùng biển này”.
Tương tự, không chỉ Anh mà nhiều nước châu Âu khác cũng muốn “đánh chặn” việc Trung Quốc trỗi dậy đe dọa trật tự thế giới. Đến đầu tháng 2 vừa qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các thành viên và đối tác thân thiết thắt chặt quan hệ vì sự trỗi dậy của Trung Quốc “gây hậu quả” đối với an ninh xuyên Đại Tây Dương.
HOÀNG ĐÌNH
TNO