25/12/2024

Mỹ phát triển siêu vắc xin ‘đánh chặn’ đại dịch hậu Covid-19

Mỹ phát triển siêu vắc xin ‘đánh chặn’ đại dịch hậu Covid-19

Các nhà nghiên cứu của Mỹ cho biết loại vắc xin hạt nano của họ đã kích hoạt phản ứng miễn dịch với một số vi rút corona khi thử nghiệm trên khỉ, mở ra cơ hội phát triển siêu vắc xin đón đầu các đại dịch khác sau Covid-19.

 

 

 

 

Siêu vắc xin được kỳ vọng sẽ không chỉ ngừa Covid-19 /// Reuters
Siêu vắc xin được kỳ vọng sẽ không chỉ ngừa Covid-19  REUTERS

Trong khi nhiều quốc gia vẫn đang phải chạy đua tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19, thì các nhà nghiên cứu tại Viện vắc xin nhân loại – Đại học Duke (DHVI, Mỹ) cho biết họ đã thực hiện một bước quan trọng để phát triển loại vắc xin sẵn sàng chống lại các loại vi rút mà đến nay vẫn chưa được phát hiện.

Theo tờ South China Morning Post, vắc xin “hạt nano” của DHVI có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch không chỉ đối với SARS-CoV-2 và một số biến thể của nó, mà còn với vi rút SARS cùng nhiều loại vi rút corona liên quan được tìm thấy ở dơi nhưng chưa lây sang người.

Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện trên bắt nguồn từ các thử nghiệm ở động vật, vốn được cho là có thể có tác động việc kiểm soát đại dịch Covid-19. Thử nghiệm trên khỉ, vắc-xin hạt nano đã giúp ngăn chặn SARS-CoV-2, vi-rút gây ra bệnh Covid-19. Vắc xin hạt nano cũng tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn, với lượng kháng thể trung hòa chống lại vi rút cao hơn so với các loại vắc xin hiện tại.

Theo các nhà nghiên cứu, nếu được chấp thuận cho người, vắc xin hạt nano có thể được tiêm nhắc lại vào khoảng thời gian nhất định để tăng cường khả năng miễn dịch và chống lại các biến thể mới của các loại vi rút corona trong tương lai.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng siêu vắc xin trên sẽ phát huy hiệu quả trong giai đoạn hiện nay – vốn có thể xem là “thời đại đại dịch” khi thường xuyên bùng phát các bệnh dịch do vi rút từ động vật xâm nhập sang con người.

“Chúng ta đã chứng kiến 2 đợt bùng phát vi rút corona lớn trước Covid-19, một vào năm 2003 có đợt bùng phát SARS và một đợt khác vào năm 2011 khi bùng phát bệnh Mers… và chắc chắn sẽ còn những đợt bùng phát khác”, chuyên san Nature dẫn lời nhà khoa học Bart Haynes, Giám đốc DHVI và là nghiên cứu tham gia phát triển vắc-xin hạt nano.

Ông đặt vấn đề: “Bây giờ là lúc cung cấp các loại vắc xin để có thể kiểm soát các đợt bùng phát và ngăn chúng trở thành đại dịch trong tương lai”.

Từ lâu, khái niệm vắc xin cho “thời đại đại dịch” đã là giấc mơ của các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm. Giờ đây, khi đại dịch Covid-19 đã khiến hàng triệu người mắc bệnh và các nền kinh tế trên đất bị đình trệ, ý tưởng này đang thu hút sự chú ý đáng kể.

Một số ý kiến cũng cảnh báo rằng siêu vắc xin như trên không chắc chắn sẽ đủ sức phòng ngừa toàn bộ những rủi ro liên quan các loại vi rút, nhưng các nhà khoa học tham gia nghiên cứu cũng tỏ ra lạc quan rằng loại vắc xin mà họ đang phát triển có thể giúp chủ động xử lý nhiều đại dịch về sau.

PHÁT TIẾN

TNO