Nâng điều tiết ngân sách lên 23% có lợi gì cho TP.HCM?
Nâng điều tiết ngân sách lên 23% có lợi gì cho TP.HCM?
Việc Chính phủ đồng ý trình Quốc hội đề xuất nâng điều tiết ngân sách lên cho TP.HCM được các chuyên gia nhận định là câu chuyện rất tích cực để TP phát triển hơn nữa.
Trong buổi làm việc với đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 13-5, TP.HCM đã nêu 15 đề xuất, trong đó có kiến nghị rất quan trọng được TP đề cập nhiều năm qua: điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP giai đoạn 2022 – 2025 từ 18% lên 23%.
Với đề xuất này, Thủ tướng khẳng định “tinh thần là ủng hộ tối đa cho TP.HCM, sự ủng hộ tối đa này vừa là khuyến khích, vừa là trách nhiệm”, và lưu ý TP phải tập trung cho ba đột phá chiến lược, các dự án cụ thể có hiệu quả để thực hiện.
Việc Chính phủ đồng ý trình Quốc hội đề xuất nâng điều tiết ngân sách lên cho TP.HCM được các chuyên gia nhận định là câu chuyện rất tích cực để TP phát triển hơn nữa.
* PGS.TS Trần Hoàng Ngân (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM): Sinh lợi, tạo nguồn thu không chỉ cho TP
Sự có mặt của Thủ tướng và đầy đủ các thành viên Chính phủ trong cuộc làm việc với TP.HCM thể hiện một sự quan tâm, chia sẻ đối với những vấn đề bức xúc của đầu tàu kinh tế cả nước. Quan trọng hơn, trước khi có buổi làm việc này, đã có rất nhiều cuộc họp ở Chính phủ để thảo luận giữa các thành viên Chính phủ, giữa các bộ để có sự thống nhất các giải pháp, dẫn đến kết quả cuộc họp có sự thống nhất cao giữa Chính phủ và các bộ ngành đối với những đề xuất của TP.
Đây là cuộc làm việc đầu tiên của Thủ tướng với địa phương, thể hiện nhiều điểm mới, trong đó thời gian phát biểu rút ngắn chỉ 7 phút như Quốc hội, nói thẳng các giải pháp, tìm hướng tháo điểm nghẽn cho TP. Quan trọng hơn, Chính phủ đã xem những vấn đề bức bách của TP là cái chung của đất nước, bộ mặt quốc gia, động lực lan tỏa sự phát triển cho khu vực phía Nam.
Ví dụ, với vấn đề mà TP đã kiến nghị nhiều năm qua là tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP, các bộ ngành đều đánh giá cần thiết cho TP và yêu cầu TP phải tìm nhiều cách để tăng nguồn lực tài chính.
Theo tôi, việc tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách là vấn đề bức bách, đồng thời là nguyện vọng chính đáng cho sự phát triển của TP để giải quyết rất nhiều vấn đề từ cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, y tế, thậm chí là chuyện ngập nước…
Nếu TP được tăng 1% ngân sách giữ lại thì có thêm 2.000 tỉ đồng, tăng 5% TP có thêm 10.000 tỉ đồng, đây là số tiền lớn, song so với nhu cầu phát triển của TP vẫn là một con số khiêm tốn. Tuy nhiên, việc Chính phủ đồng ý trình Quốc hội đề xuất này đã thể hiện sự chia sẻ khó khăn của người dân TP, tạo ra một động lực để thúc đẩy sự phát triển của TP, giúp TP có điều kiện tốt hơn để chăm lo cho đời sống của người dân.
Việc tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách này cũng tạo ra sự hợp lý khi so sánh với các địa phương khác và cần phải nhìn nhận việc tăng tỉ lệ ngân sách cho TP là khoản đầu tư sinh lợi, tạo thêm nguồn thu bền vững cho TP, cho quốc gia.
* TS Huỳnh Thế Du (giảng viên chính sách công Trường ĐH Fulbright VN): “Cái bánh” to lên có lợi cho tất cả
TP.HCM hiện đang có ngân sách rất eo hẹp, chỉ đủ cho những nhu cầu cấp thiết hằng ngày chứ chưa nói đến nhu cầu đầu tư và phát triển. Về nguyên tắc phát triển của các quốc gia, sự cạnh tranh của các quốc gia bản chất chính là cạnh tranh giữa các đô thị lớn, các siêu đô thị.
Với TP.HCM, chúng ta phải cạnh tranh để thu hút các doanh nghiệp lớn, lực lượng lao động có trình độ tay nghề cao, những người khá giả so với các đô thị khác trong khu vực và trên thế giới. Câu chuyện của TP.HCM là câu chuyện cạnh tranh của quốc gia chứ không đơn thuần là câu chuyện của TP.
Trong bối cảnh phát triển của Việt Nam hiện nay, cần phải cho “cái bánh” to lên trước khi nghĩ đến chuyện chia, “cái bánh” to lên thì ai cũng được hưởng lợi và được san sẻ lớn hơn. Muốn thế, cần phải tập trung nguồn lực vào những nơi có lợi thế như TP.HCM. Bài học Trung Quốc cho thấy nước này dành nguồn lực rất lớn cho các đô thị lớn, như chi ngân sách trong thời gian dài của Trung Quốc khoảng 23% GDP, song Bắc Kinh và Thượng Hải được chi bằng khoảng 21% GDP của mình.
Trong khi đó, chi tiêu ngân sách của Việt Nam so với GDP thời gian qua từ 25 – 30%, nhưng chi ngân sách của TP.HCM chỉ tương đương 6 – 8% GDP của mình, bằng 1/4 của cả nước. Ngoài ra, TP.HCM cũng cần có được quyền chủ động hơn về mặt chính sách để có những chính sách đặc thù, trong đó điển hình là TP Thủ Đức.