‘Hộ chiếu vắc xin’ vẫn gây nhiều tranh cãi
‘Hộ chiếu vắc xin’ vẫn gây nhiều tranh cãi
Một số người tin rằng “hộ chiếu vắc xin” sẽ thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, trong khi số khác lo ngại về nguy cơ phân biệt đối xử đối với những người không sở hữu nó.
Từ khi thế giới tìm ra vắc xin ngừa Covid-19 và bắt đầu tiêm chủng, cuộc tranh luận đã nảy ra tại nhiều nơi về việc có nên thông qua và áp dụng “hộ chiếu vắc xin” để khôi phục các hoạt động xã hội hay không.
“Hộ chiếu vắc xin” là tài liệu chứng nhận một người đã được tiêm phòng vắc xin Covid-19 hay chưa. Người sở hữu tấm “hộ chiếu” này có thể hưởng nhiều lợi ích như được đi lại tự do hơn hoặc tham gia các hoạt động giải trí vốn bị dừng hoạt động trong đại dịch Covid-19.
Giúp phục hồi kinh tế
Một vài nước đã áp dụng các chương trình tương tự và một số nước khác đang lên kế hoạch làm như vậy. Hàn Quốc chưa thông qua “hộ chiếu vắc xin”, nhưng từ ngày 5.5, nước này cho những người tiêm vắc xin đầy đủ được miễn thời gian cách ly 14 ngày nếu từ nước ngoài về hoặc có tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Ngày 9.5, tổ chức vận động hành lang Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI) đã thực hiện một cuộc khảo sát với 838 người trưởng thành, kết quả thu được là 67,4% người tham gia tin rằng “hộ chiếu vắc xin” sẽ giúp phục hồi nền kinh tế, trong khi chỉ có 11,7% cho rằng nó sẽ chẳng giúp ích đáng kể như vậy.
Khi được hỏi về điều họ muốn làm nhất nếu hộ chiếu được thông qua, 36,4% cho biết họ muốn đi ra nước ngoài, 24% tiếp theo mong muốn được đi lại trong nước tự do hơn và 19,3% muốn tham gia các hoạt động văn hóa như tham dự các buổi hòa nhạc hoặc đi xem phim.
|
Giám đốc hợp tác quốc tế Kim Bong-man của FKI cho rằng “hộ chiếu vắc xin” là điều giúp ích cho nền kinh tế, do đó chính phủ nên đẩy mạnh nỗ lực tổ chức các cuộc thảo luận với các quốc gia khác liên quan đến việc di chuyển xuyên biên giới, bên cạnh việc mua và nhập khẩu vắc xin.
Vào đầu tháng 2, chính phủ Đan Mạch cho biết trong vòng 3 đến 4 tháng tới, họ sẽ phát hành “hộ chiếu vắc xin” dạng kỹ thuật số để giúp công dân chứng minh họ đã được tiêm phòng đầy đủ. Israel đã triển khai “thẻ xanh” cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ và cho phép họ được đến những nơi như phòng tập thể dục, khách sạn, nhà hàng và nhà hát.
Không chỉ có các chính phủ mong muốn ban hành “hộ chiếu vắc xin”, mà cả các hãng hàng không cũng đang cân nhắc điều này. Các hãng hàng không của UAE như Etihad Airways và Emirates đều đang có kế hoạch bắt đầu sử dụng hộ chiếu du lịch kỹ thuật số, được phát triển bởi Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA).
|
Gây tranh cãi
Tuy nhiên, ngày càng có những lo ngại về việc ban hành “hộ chiếu vắc xin” có thể gây bất bình đẳng và phân biệt đối xử đối với những người không muốn tiêm chủng, hoặc những người không thể tiêm chủng như phụ nữ mang thai.
“Tôi đang mang thai khoảng 7 tuần, do đó không được phép tiêm. Ngay cả khi chính phủ quyết định tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thai thì tôi cũng không chắc liệu mình có tiêm hay không vì lo lắng về vấn đề an toàn”, The Korea Times dẫn lời Kim Ji-hyun, nhân viên văn phòng 37 tuổi sống tại quận Jungnang, Seoul.
“Thật kinh khủng khi nghĩ đến cảnh nhiều người có thể được vào một nhà hàng nào đó bằng cách xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm phòng còn tôi không thể làm như vậy”, cô Kim nói.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã phản đối việc yêu cầu “hộ chiếu vắc xin” trong di chuyển quốc tế vì chưa chắc việc tiêm chủng có thực sự ngăn chặn sự lây nhiễm virus. Bên cạnh đó, cũng có những lo ngại khác, trong đó là việc phân biệt đối xử với những người chưa thể tiêm vắc xin vì một lý do nào đó.
NGUYỄN LAN HƯƠNG
TNO