27/12/2024

Ổn định chính sách thuế để ‘khoan sức’ doanh nghiệp

Ổn định chính sách thuế để ‘khoan sức’ doanh nghiệp

Tác động sâu rộng của dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp đang rất khó khăn. Hầu hết doanh nghiệp cũng mong Nhà nước không tăng thuế hay ra những sắc thuế mới trong vài năm tới, tiếp tục hỗ trợ về thuế để họ vượt bão.
Miễn giảm thuế, không ra những sắc thuế mới cũng là kiến nghị phổ biến nhất của doanh nghiệp qua khảo sát của VCCI /// Ảnh Tiêu Phong
Miễn giảm thuế, không ra những sắc thuế mới cũng là kiến nghị phổ biến nhất của doanh nghiệp qua khảo sát của VCCI  ẢNH TIÊU PHONG
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp
Báo cáo “Đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới phát hành vừa qua, cho thấy đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng.
Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch toàn cầu này. Năm 2020 có hơn 101.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước. Trung bình mỗi tháng có 8.500 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý 1 năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 1,4%; số rút lui khỏi thị trường tăng 15,5%; số doanh nghiệp quay lại hoạt động giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính ra, trung bình, mỗi tháng có 13.400 doanh nghiệp rời thị trường.
Bối cảnh như vậy đòi hỏi Việt Nam phải “xây dựng một kế hoạch dài hơi hơn, tránh rủi ro “cạn kiệt” không gian chính sách và giảm động lực cải cách thể chế kinh tế”, theo TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM). Các chuyên gia của CIEM đề xuất năm 2021, cần tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và kết hợp cải cách thể chế kinh tế. Năm 2022 phải kết hợp giải pháp phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế. Trong điều kiện lý tưởng, khi dịch bệnh Covid-19 đã hoàn toàn được kiểm soát, có thể rút dần các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, tập trung cải cách thể chế kinh tế.
“Các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục ban hành các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021 – 2025. Theo dự báo, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian tới, do vậy cần có những chính sách mang tính dài hạn hơn”, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết và khẳng định, chính sách về thuế vẫn là đề xuất quan trọng nhất được các doanh nghiệp mong muốn nhận được hỗ trợ từ Chính phủ.
Miễn giảm thuế, không ra những sắc thuế mới cũng là kiến nghị phổ biến nhất của doanh nghiệp qua khảo sát của VCCI. Do chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, một số doanh nghiệp đề nghị nhà nước tính toán giảm thuế hoặc thậm chí miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và duy trì chính sách này thêm trong ít nhất 1 năm nữa. Trong khi đó, một số doanh nghiệp cũng đề xuất cần miễn giảm cả thuế môn bài, thuế khoán cho những hộ kinh doanh nhằm vực dậy khu vực này đồng thời khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp.
Về dài hạn, trong các giải pháp, ổn định môi trường chính sách thuế (không tăng thuế hoặc ra thêm những sắc thuế mới trong những năm tới) là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp có thể tập trung phát triển, đồng thời thu hút những nhà đầu tư nước ngoài.

Ổn định thuế để doanh nghiệp yên tâm làm ăn

Theo chuyên gia kinh tế PSG-TS Ngô Trí Long, thuế là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm đối với sản xuất, đời sống kinh tế – xã hội, có tác động rất lớn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô (tăng trưởng, lạm phát, công ăn việc làm…). “Do đó, cần phải có những sắc thuế phù hợp với thực tiễn và ổn định để doanh nghiệp còn yên tâm làm ăn, phục hồi sau dịch Covid-19”, ông Long đề nghị.
Ở góc nhìn khác – hướng tới một hệ thống thuế công bằng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng ở Việt Nam, cải cách thuế cần hướng đến việc thu thuế thu nhập một cách hiệu quả hơn thay vì mở rộng cơ sở đối với các loại thuế gián thu. Nghiên cứu của VEPR cho thấy, nhóm thu nhập thấp nhất đóng thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn các nhóm liền kề (ví dụ nhóm thu nhập trung bình thấp), chiếm khoảng 3,47% thu nhập.
Thực tế, Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp đạt 3.500 USD/người, đứng thứ 6/11 ở Đông Nam Á. Do đó, việc tăng thuế, dù là thuế gián thu tác động như nhau lên tất cả đối tượng, nhưng chịu ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là người nghèo – vốn dễ bị tổn thương hơn cả trong đại dịch.
Hiện dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Do đó, Chính phủ, mà trực tiếp là Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát kiến nghị miễn, giảm thuế, phí và lệ phí mà trước hết là trên các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh.
Trong mọi tình huống, các chính sách hỗ trợ và khuyến khích sự phục hồi của các doanh nghiệp, đặc biệt là duy trì chính sách thuế ổn định, không tăng thuế hay ra những sắc thuế mới như một biện pháp “khoan sức” cho doanh nghiệp, không chỉ giúp duy trì việc làm cho người lao động mà còn hướng đi bền vững để phục hồi ngân sách nhà nước trong tương lai.
TIÊU PHONG
TNO