Học sinh chế men ‘xử lý’ rác để bảo vệ môi trường
Học sinh chế men ‘xử lý’ rác để bảo vệ môi trường
Nhiều học sinh yêu môi trường ở Đà Nẵng đang thử sức ở một lĩnh vực mới: mày mò làm men vi bản địa để chung tay xử lý rác thải.
Ngày càng có nhiều học sinh ở Đà Nẵng quan tâm các vấn đề về môi trường, phân loại và xử lý rác thải. Không chỉ tuyên truyền và hành động giảm thiểu rác, nhiều trường học đã kết nối với các tổ chức môi trường “mở lớp” dạy cho học sinh chế tạo những loại men vi sinh bản địa (IMO) để xử lý rác thải hữu cơ tại trường học, khu dân cư mình sinh sống.
Phân bón “thân thiện”
Sau Trường THPT Ngũ Hành Sơn, Trường Tiểu học Lê Lai…, đến lượt học sinh trường THPT Sơn Trà được các chuyên viên Trung tâm Xây dựng năng lực thích ứng (CAB) thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP.Đà Nẵng chia sẻ cách làm IMO. Học sinh tự tay phân loại nguyên liệu và làm men.
Nguyễn Thị Tố Nguyên (lớp 11, Trường THPT Sơn Trà) chọn đủ 8 loại nguyên liệu gồm nước (để bay hơi clo), đường vàng mật mía, đu đủ, chuối chín, sữa chua, men tiêu hóa, men rượu khô thủ công, bột cám gạo.
“Thật thú vị khi có thể tự tay làm men vi sinh để xử lý rác hữu cơ tại trường, tại nhà. Em học cách làm, bởi đây là “món quà đặc biệt” mang về tặng mẹ, vì mẹ em rất quan tâm đến cây trồng sạch, phân bón sạch. Men vi sinh em tự làm ra có thể giúp mẹ xử lý được thức ăn thừa, rác hữu cơ để làm phân sạch, không mùi, thân thiện với môi trường để bón cây”, Nguyên hào hứng nói.
Trần Ngọc Tường Vi (học sinh trường THPT Sơn Trà) cũng tỏ ra thích thú với men vi sinh tự sản xuất và đang thử nghiệm làm IMO. “Đây là một hoạt động mới mẻ và cực kỳ bổ ích đối với chúng em, vừa nâng cao ý thức giảm thiểu rác thải hữu cơ ra môi trường vừa có thể chung tay tạo ra phân bón sạch, phân bón thân thiện với môi trường”, Vi nói.
Nhân rộng nhiều trường học
Cô giáo Ngô Thị Vân Hồng (phụ trách CLB Môi trường, Trường THPT Sơn Trà) cho hay học sinh rất hào hứng khi có thể tự chia sẻ công thức chế biến các loại men vi sinh để xử lý rác.
“Các thành viên trong CLB Môi trường của trường đều đã được hướng dẫn thực hành và tự làm men vi sinh. Chúng tôi kỳ vọng góp phần thay đổi nhận thức của học sinh về vấn đề tự xử lý rác. Học sinh cũng có thể hướng dẫn các bạn còn lại trong lớp, xa hơn nữa là có thể “mang” kiến thức về nhà, về cộng đồng để xử lý rác hữu cơ ở gia đình, ở khu dân cư”, cô Hồng chia sẻ.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc hướng dẫn học sinh xử lý rác thải, sản xuất men vi sinh để xử lý rác hữu cơ, bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó giám đốc CAB, cho biết hoạt động này phù hợp với năng lực học sinh, lại có ích đối với môi trường của trường học. Học sinh sẽ dùng IMO tự làm để rưới lên rác hữu cơ như lá khô, rác nhà bếp từ củ quả, vỏ trái cây…, qua đó giúp rác phân hủy nhanh, không hôi, thân thiện với môi trường và thành phân để bón cây xanh tại trường.
“Các trường học tại Đà Nẵng đã và đang ưu tiên dành nhiều hoạt động cho môi trường. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng và cần được nhân rộng ở các trường khác”, bà Nga nói.
AN DY
TNO